Học sinh một trường nội trú trong giờ ôn bài - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trẻ trong tuổi đi học không chỉ có những về điểm số cao hay thứ tự xếp hạng cao trong năm học, áp lực về thời gian hoàn thành bài tập và các nhiệm vụ khác trong học tập. Áp lực còn đến từ các mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp, từ các hoạt động ngoại khóa...
Cáu kỉnh, bồn chồn không yên, loay hoay không biết làm gì trước, làm gì sau, rốt cuộc bỏ phí thời gian không làm gì cả… Đó là những dấu hiệu bấn loạn ở nhiều teen đang gặp cả chùm áp lực. Trong đó, không phải tất cả áp lực đều là do thầy, cô, mà nhiều khi cộng thêm những áp lực do chính các teen chuốc lấy.
Những lúc như thế này, cha mẹ nên tìm hiểu những áp lực gây cho con sự căng thẳng là gì. Sự đồng hành của cha mẹ có thể giúp con biến áp lực thành động lực.
Giúp con xây dựng kế hoạch hành động
Có hai nguyên tắc nên lưu ý khi lập kế hoạch này. Thứ nhất là thứ tự ưu tiên công việc. Thứ hai là mục tiêu phù hợp, theo các mức độ.
Tuyệt đối không nên đặt ra mục tiêu quá xa, mục tiêu lý tưởng nhưng khó thực hiện. Việc định ra thời gian, cách thức thực hiện, sự hỗ trợ cụ thể của bố, mẹ là rất quan trọng.
Một bà mẹ là biên tập viên đài truyền hình kể: Con gái tôi bị thừa cân. Cháu rất khổ sở và nhạy cảm khi ai nhắc tới các từ "mập", "béo".
Tự ti dẫn tới việc trong lớp con chỉ muốn không ai phát hiện ra mình nên hầu như không phát biểu, không tương tác với thầy, cô. Mỗi sáng phải đi học, con đều rầu rĩ như sắp bước vào một cực hình.
Tôi khích lệ con tập chạy. Nhưng tôi không đặt ra mục tiêu "giảm mấy cân" mà nói với con việc vận động sẽ khiến con nhanh nhẹn hơn, không chậm chạp. Và cho dù không giảm cân nào nhưng con sẽ khiến mọi người thấy con nhẹ nhõm.
Con đã thử. Ngày đầu tiên tôi khen con nhìn linh hoạt, khác hẳn mọi ngày. Con phấn chấn hơn. Tôi mua cho con một cái đồng hồ để theo dõi thời gian khi chạy.
Ngày thứ hai, thứ ba con chạy trên đường đi học về. Ngày nào tôi cũng khen con về sự cố gắng, nhưng tôi khuyên con không nên cố sức mà mỗi ngày chỉ chạy nhiều hơn ngày hôm trước khoảng 5 mét. Rồi dần tăng lên 10 mét, 20 mét…
Hai tuần trôi đi, tôi quả quyết nhìn con thon thả rõ rệt dù cân hầu như chưa sụt giảm. Một hôm, con kể với tôi con xung phong lên bảng chữa bài và đạt điểm 10. Tôi đọc được niềm vui khôn tả trong mắt con.
Cứ thế, con giảm 10 kg trong hai tháng và con bắt đầu ra sân chơi với các bạn, tham gia câu lạc bộ và dự án thực hành thí nghiệm cùng các bạn.
Điều tôi không ngờ là con nhận thuyết trình trong một dự án nghiên cứu khoa học cấp trường và dự án của nhóm con đạt giải nhì. Riêng con được khen ngợi vì là học sinh thuyết trình bằng tiếng Anh ấn tượng nhất.
"Tôi rút ra bài học cho mình là việc cùng con xây dựng những kế hoạch nhỏ trong một mục tiêu lớn đã giúp con hình thành động lực. Áp lực phải đạt mục tiêu đề ra đã được thay thế bằng quyết tâm. Nó không phải sức nặng do cha mẹ áp xuống mà là sức mạnh từ nội lực của con", người mẹ chia sẻ.
"Con hãy đi ngủ và ngày mai, con chỉ thực hiện một việc trong những việc con phải làm. Con có thể chọn một việc dễ làm nhất", các bố, mẹ có thể nói với con điều này khi tình trạng bấn loạn, căng thẳng của con bộc lộ rõ.
Trong khi đó một giáo viên có kinh nghiệm giáo dục với những trường hợp học sinh đặc biệt chia sẻ: "Tôi chủ động nói với em học sinh đang rơi vào tình trạng căng thẳng, những việc nào em chưa làm được ngay, tôi sẽ cho em "nợ" và em phải trả vào một thời gian thích hợp.
Đã có học sinh chủ động gặp tôi vào đầu giờ xin cho không kiểm tra bài tập về nhà vì hôm trước bị bố mắng nên không tập trung làm bài tập. Tôi đồng ý nhưng với điều kiện em học sinh phải giữ lời hứa trả bài đúng hạn".
Có lẽ đó cũng là một cách giúp các teen rèn tính tự giác, tự chịu trách nhiệm và biến áp lực thành động lực phải thực hiện.
Một kế hoạch hợp lý có thể giúp những đứa trẻ vị thành niên học cách sắp xếp thời gian, thay vì bị thúc phải làm, các em sẽ tự giác, chủ động thực hiện. Điều đó tạo cho trẻ một tâm thế khác, có hứng thú hơn thay cho tâm trạng lo lắng, chán nản, muốn buông xuôi.
Chia sẻ với con về ý nghĩa của những việc con phải làm
Những đứa trẻ tuổi teen sẽ khó có thể tiếp thu khi cha mẹ nói với con về những mục tiêu quá xa xôi và khó nhớ mà sẽ chỉ thấy được thuyết phục bởi những điều giản dị, gần gũi xung quanh.
Vì thế để con thấy những mục tiêu đề ra có ý nghĩa, nên tìm những mục tiêu nào dễ hiểu nhất, khiến trẻ có thể vui vẻ, hào hứng.
Ví dụ trong một loạt bài tập thầy, cô giao, thay vì yêu cầu con làm đủ tất cả thì hãy đề nghị con làm những bài dễ nhất trước. Và khi con đưa cho bố mẹ bài tập đã giải xong, đừng nói với con "con còn một số bài chưa giải đấy nhé" mà hãy nói "vậy là con đã hoàn thành tốt một bài rồi đấy".
Khi trẻ tự rút ra ý nghĩa của một hay một vài công việc nào đó, thì đó sẽ không còn là áp lực mà trở thành động lực để con thực hiện.
Rèn cách "chịu tải"
Ngay khi thấy con có dấu hiệu bị căng thẳng, cha mẹ có thể cho con tạm ngừng hoặc điều chỉnh công việc đang gây áp lực cho con, giúp con thư giãn bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng nên nhớ đấy chỉ là giải pháp tình thế. Vì để những áp lực thực sự biến mất, cần giúp trẻ làm quen với việc "chịu tải" ở các mức độ khác nhau.
Ví như trẻ không chịu được áp lực của việc tự học. Ngoài việc bố trí thời gian học tập hợp lý cần hướng dẫn trẻ tập ngồi học tập trung. Ban đầu có thể 30 phút. Trong thời gian đó nghỉ giải lao 1-2 lần. Sau đó tăng lên 40 phút, rồi 1 tiếng.
Trẻ không dám trình bày bài học trước cả lớp nên bị căng thẳng thì có thể hướng dẫn trẻ đọc một bài chuẩn bị trước cho rõ ràng, mạch lạc. Tiếp đến tự trình bày, đối thoại với bố mẹ. Trong thời gian đó, nên khen con khi có sự tiến bộ.
Có thể đặt cho con những quy ước và tiến trình để vượt lên bản thân mình. Ví như nếu con nhận tham gia một dự án học tập, con sẽ có điểm cộng của bố mẹ. Con đọc một cuốn sách hai trăm trang trong một tuần và tóm tắt được nội dung, con sẽ có điểm cộng nữa…
Những điểm cộng trong một tuần thể hiện sự quyết tâm thay đổi của con sẽ được khen ngợi bằng một phần thưởng có ý nghĩa do con tự chọn.
Đôi khi sự cố gắng thực hiện một việc trong khoảng thời gian được tăng mức dần dần sẽ khiến trẻ thích nghi dần với việc chịu đựng các áp lực. Và khi thích nghi được, nó không còn là áp lực mà tạo thành năng lực học tập, năng lực làm việc, hoạt động.
Những việc này cần một quá trình. Trong quá trình đó, sự đồng hành của bố, mẹ rất quan trọng. Nên ghi nhớ một điều cần thiết là khen con kịp thời khi thấy con tiến bộ, thay đổi. Điều đó cho con niềm tin để vượt lên bản thân mình.
Khi con có dấu hiệu bị áp lực, cha mẹ:
- Đừng vội cho là con mình dốt nát hoặc hư hỏng.
- Hãy gợi ý hoặc cùng con chơi một môn thể thao, rủ con đi dạo hoặc tham gia một trò chơi ngoài trời để con được giải tỏa.
- Cùng bàn với con để thu xếp một lịch học tập mà con thấy hợp lý và thoải mái nhất. Sắp xếp các thứ tự ưu tiên và giải quyết từng việc một. Qua đó rèn cho con kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Rèn cho con cách thích nghi với áp lực để có thể biến áp lực thành động thực.
- Hãy để con thấy điểm số không quá quan trọng. Hãy để con tin niềm vui của con cũng là niềm vui của cha mẹ.
Bài viết trích từ cuốn sách "Tuổi Teen yêu dấu" của tác giả Chu Hồng Vân (bút danh Vĩnh Hà) và Vũ Thu Hà. Sách viết về lứa tuổi dậy thì từ 12-15 do Nhã Nam xuất bản, dự kiến phát hành giữa năm 2018.
Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả hi vọng mang lại những hiểu biết nhất định về lứa tuổi 12-15 để người lớn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ teen, cũng như để teen hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của bậc làm cha mẹ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận