Như Tuổi Trẻ Online thông tin, những ngày qua, khi lượng nước đầu nguồn đổ về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp ngày càng nhanh cũng là lúc xuất hiện cá linh non - một loại đặc sản của người miền Tây.
Bên cạnh các ý kiến vui mừng cho rằng đây là loại đặc sản chỉ có ở miền Tây trong mùa nước nổi, một số bạn đọc khác cho rằng đánh bắt cá linh non thời điểm này là tận diệt.
Cá linh quá nhỏ, nên để vài tuần nữa hãy bắt
Đứng về phần đông những người ủng hộ, bạn đọc Trương Kiệt viết: "Cá linh lúc này còn quá nhỏ, để vài tuần nữa mới nên ăn".
"Dù cá linh non được cho là ngon, nhưng cá cỡ trong hình thì nhỏ quá, chẳng khác nào lòng ròng, cá cơm, lòng tong...", bạn đọc Trương Kiệt nhận xét.
Cũng theo nhiều bạn đọc, để không tận diệt và góp phần bảo tồn, các tỉnh miền Tây có cá linh đầu nguồn nên tính đến giải pháp khoanh vùng bảo tồn khu vực.
"Tôi nhớ năm 2023 tỉnh Đồng Tháp đã hình thành vùng bảo tồn cá mùa lũ. Cá trong khu vực đó được bảo tồn hình như 2-3 tháng gì đó. Hy vọng năm nay vẫn còn", bạn đọc Triều viết.
Chỉ quy định kích cỡ lưới đánh bắt cá linh
Từ đề xuất trên, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với người dân và cơ quan quản lý.
Ông Ng.V.T., người dân ngụ huyện An Phú, An Giang, cho biết với bà con tại đây, mỗi khi mùa nước lũ về là thời điểm có thêm thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản để mưu sinh.
"Con cá linh đầu mùa bán có giá cao hơn so với các loài thủy sản khác. Thịt nó cũng ngon hơn, làm được nhiều món ăn hơn. Đây là đặc sản của người miền Tây. Quan trọng là bà con cũng khoái ăn cá linh non hơn cá linh già", ông T. vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Văn Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện Việt Nam chưa quy định thời gian cấm đánh bắt mà chỉ quy định kích cỡ lưới đối với các loại cá nhỏ. Việc này áp dụng theo thông tư 19/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Cụ thể, đối với cá linh quy định phải đánh bắt cá linh có kích cỡ mắt lưới trên 15mm.
"Mình không hạn chế thời gian như các nước mà chỉ hạn chế mắt lưới khi đánh bắt thủy sản. Nhưng hiện nay đa số sử dụng lưới cước dày đánh bắt cá linh là không đúng. Việc kiểm tra, xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản được giao các địa phương phối hợp với thanh tra sở và các huyện thực hiện nhưng rất ít kiểm tra, xử lý", ông Hiền nói.
Trong khi đó, ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết nghị định 37/2024 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 26/2019 ngày 8-3-2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực từ ngày 19-5-2024) thì cá linh không nằm trong nhóm cấm đánh bắt.
"Trước đây là cấm đánh bắt cá linh non trước ngày 31-7 nhưng gần đây nhất, với nghị định 37/2024, cá linh non không bị cấm đánh bắt nữa", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, như vậy theo quy định pháp luật hiện nay, cá linh không còn bị cấm khai thác.
"Chỉ có vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, theo dõi việc sử dụng ngư cụ khai thác cá đó ra sao thôi", ông Dũng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận