Một số hình ảnh dựng rạp hiếu hỉ tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG - QUANG ĐỊNH
Chính quyền chưa thể cấm việc các hộ dân làm rạp ngoài đường để tổ chức ma chay, cưới hỏi... bởi cuộc sống người dân còn khó khăn. Thế nhưng đã đến lúc cần có không gian riêng để người dân tổ chức ma chay, đám tiệc thay vì dựng rạp chiếm lòng lề đường và phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập.
Ma chay, hiếu hỉ dưới lòng đường
Ghi nhận sáng 13-4, một hộ dân trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM mới tổ chức đám tang xong. Rạp tổ chức đám tang chưa kịp dỡ vẫn còn chiếm hết một phần đường. Tương tự, đường Chiến Thắng (Q.Phú Nhuận) có hai nhánh nhỏ chạy dọc hai bên đường xe lửa với bề ngang rất hẹp, chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau.
Và khi nhà dân trên đường có hữu sự, xe lưu thông phải quay đầu khi đụng tấm bảng "Nhà có đám, vui lòng chọn đường khác". Nếu là biển báo dựng ở nhánh đường bên phải đường sắt thì xe cộ tự hiểu phải rẽ qua nhánh đường bên trái để đi và ngược lại.
Ở khu phố 5, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức đầu tháng 4 vừa qua cũng có một đám tang ở đường số 17. Đường này không có lề đường nên chủ nhà dựng một phần rạp ra lòng đường để bàn nước tiếp khách viếng. Từ hai phía đi lại có hai bảng cảnh báo "nhà có đám tang" để các xe biết chạy chậm lại hoặc rẽ qua đường khác.
Đây là chuyện thường thấy ở những tuyến đường nhỏ không chỉ trong khu vực khu phố 4, 5, 6 của P.Bình Chiểu mà ở khắp nơi.
Việc dựng rạp lấn chiếm đường hiện nay tràn lan từ quê ra phố, gây cản trở rất lớn cho xe cộ qua lại. Tại Sóc Trăng, ông Lương Thanh Xiêm - chủ tịch UBND P.8, TP Sóc Trăng - thừa nhận tình trạng lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp tổ chức đám hỏi, đám cưới, đám tang, thôi nôi, sinh nhật... đã tồn tại nhiều năm, địa phương nào cũng có.
Ông Xiêm cho biết có nhiều gia đình tổ chức tiệc, dựng rạp ra tới gần nửa đường nhưng không hề xin phép địa phương. "Một vài trường hợp chúng tôi có cử cán bộ đến nhắc nhở, khuyên bà con dựng rạp đừng lấn ra đường. Nhưng khi cán bộ đến nơi, bà con cự, có người còn lớn tiếng chửi lại nên đành ra về, không xử lý được" - ông Xiêm chia sẻ.
Ông Xiêm giải thích thêm phần lớn người dân tổ chức tiệc dựng rạp lấn đường giao thông do không có mặt bằng. Một số khác không có khả năng tài chính tổ chức tại nhà hàng. "Dẫu biết người dân dựng rạp lấn lòng lề đường là không đúng, nhưng nếu xử lý căng quá, không hài hòa giữa tình và lý rất kẹt" - ông Xiêm trải lòng.
Và chính việc dựng rạp dưới lòng đường đã từng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Như trước đây báo chí từng ghi nhận vụ tai nạn xảy ra trên đường Lê Thị Hoa, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM.
Một số hình ảnh dựng rạp hiếu hỉ tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG - QUANG ĐỊNH
Hôm ấy, khoảng 20h30, một xe tải đã mất lái, tránh một rạp đám cưới dựng trên đường, trôi xuống dốc, tông một xe máy và một người đi bộ cùng chiều. Vụ tai nạn làm một người chết, ba người bị thương. Công an Q.Thủ Đức xác định nguyên nhân tai nạn do xe mất thắng, tài xế non tay nghề.
Tuy nhiên, nhiều người dân chứng kiến sự việc cho rằng nếu không có rạp đám cưới ở bên kia đường thì tài xế xe tải có thể lái xe ra giữa đường cho xe trôi xuống dốc và hậu quả của vụ việc không đến nỗi nghiêm trọng như đã xảy ra.
Sau tai nạn trên, P.Bình Chiểu nghiêm cấm người dân dựng rạp đám cưới ở lòng, lề đường. Nhưng thực tế, những nhà có đám tang trong các đường nhỏ, người dân vẫn sử dụng lòng, lề đường để tổ chức.
Cần có nơi để người dân tổ chức đám tang, cưới hỏi
Một lãnh đạo ở Q.Thủ Đức cho biết không thể cấm những gia đình sử dụng lề đường hoặc một phần lòng đường để làm đám tang, đám cưới. Vị này cho rằng có hai lý do: một là tập quán của người dân, người mất muốn được làm đám tang tại nhà, nơi mình đã sinh sống, gia đình của người mất cũng muốn làm đám tang cho người thân của mình ở nhà.
Lý do nữa là hiện nay trong các khu dân cư không có nhà tang lễ công cộng cho người dân sử dụng, nếu cấm sử dụng tạm lòng, lề đường làm đám tang thì dân không có chỗ làm đám tang hoặc phải quàn người thân ở những vị trí xa nơi ở gây nhiều khó khăn, bất tiện.
Cùng chung ý kiến, ông Trần Hoàng Hợp - phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng - cho biết hiện TP chưa có quy định nên thời gian qua không xử phạt được những trường hợp dựng rạp tổ chức tiệc tùng lấn chiếm lòng lề đường.
"Trước mắt TP chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động, người dân không lấn đường. Lâu dài sẽ nghiên cứu ban hành quy định, có biện pháp chế tài những trường hợp vi phạm" - ông Hợp nói.
Chia sẻ về thực trạng trên, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh An Giang cũng cho biết tình trạng dựng rạp làm đám ma, tiệc cưới xảy ra trên quốc lộ 91 khá phổ biến nhưng đến nay Công an tỉnh chưa xử phạt hành chính trường hợp nào. "Quốc lộ 91 nhỏ hẹp mà dựng như vậy là ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của bà con" - vị này nói.
Một số hình ảnh dựng rạp hiếu hỉ tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG - QUANG ĐỊNH
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, một lãnh đạo Q.Thủ Đức cho rằng nên cho phép các phường sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước hoặc quỹ đất công cộng để làm một nhà tang lễ nhỏ, phục vụ trong phạm vi phường.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ vận động, khuyến khích các cơ sở tôn giáo có diện tích khuôn viên rộng dành một phần để làm nhà tang lễ cho các tín đồ của mình hoặc đám cưới hỏi khi bà con có nhu cầu.
"Nhà nước và các đoàn thể xã hội cần tuyên truyền cho người dân nên đưa người chết ra nhà tang lễ công cộng để làm đám tang. Như vậy vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn do phải dùng lòng, lề đường" - vị cán bộ Q.Thủ Đức nói.
Nhằm có nơi cho người dân tổ chức ma chay, cưới hỏi, từ năm 2017 Thành ủy, UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) có chủ trương cho người dân mượn trụ sở ban nhân dân khóm, ấp, trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức tiệc khi cần.
Ông Phan Văn Thương, chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết TP đã vận động người dân trước khi tổ chức tiệc, dựng rạp; thuyết phục người dân thuê nhà hàng, trụ sở khóm ấp, nhà văn hóa... để tổ chức. "Không để chuyện đã rồi mới đến kiểm tra, xử phạt sẽ không hiệu quả" - ông Thương nói.
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Quy Nhơn (Bình Định) mới đây, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã có công điện đề nghị chủ tịch UBND, kiêm trưởng ban ATGT các tỉnh, thành thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đối với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Một trong những nội dung Phó thủ tướng yêu cầu là chính quyền địa phương có phương án xây dựng những khu sinh hoạt cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương tổ chức cưới hỏi, liên hoan, hiếu hỉ...
Theo nghị định 99 năm 2015, các nhà chung cư (bao gồm cả những tòa nhà mục đích hỗn hợp có chức năng ở) phải bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi người dân có thể tổ chức ma chay, cưới hỏi.
D.N.HÀ
Dựng rạp đám cưới ngay trên quốc lộ 91 (An Giang) - Ảnh: THANH LIÊM
Ông LÊ VĂN THÀNH (nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Phải quy hoạch nhà tang lễ công cộng trong khu dân cư
Người dân muốn làm đám tang tại nhà do tập quán, ý nguyện của người đã mất nhưng cũng có lý do về kinh tế. Ở các nước trên thế giới, ở các bệnh viện đều có nhà tang lễ, gồm cả khâu hỏa táng. Gia đình chỉ đến đem tro cốt về nhà. Theo tôi, các bệnh viện mới xây dựng nên có nhà tang lễ cho bệnh nhân và cộng đồng dân cư khu vực xung quanh.
Những khu dân cư cũ của TP.HCM và nhiều đô thị trên cả nước hiện không có quy hoạch cho nhà tang lễ công cộng. Khu trung tâm của TP.HCM thì càng khó tìm đất để bố trí. Tuy khó nhưng không phải không thể. Mỗi phường hoặc một cụm phường có thể dành một diện tích đất công để bố trí nhà tang lễ công cộng cho những gia đình nghèo, có nhà chật.
Với những khu dân cư mới, tôi nghĩ Nhà nước phải quy hoạch diện tích nhà tang lễ công cộng bên cạnh những công trình khác như trường học, bệnh viện, công viên.
Theo tôi, đây là vấn đề xã hội mà Nhà nước phải quan tâm bởi sinh tử là quy luật của một đời người, cộng đồng nào cũng có, nhất là trong xã hội có dân số đang ngày càng già hóa như Việt Nam.
D.N.HÀ ghi
Một số hình ảnh dựng rạp hiếu hỉ tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG - QUANG ĐỊNH
KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Tạo nơi tổ chức rồi tiến tới cấm
Nhiều đô thị trên thế giới trong quy hoạch đã xác định những khu vực dành tổ chức sinh hoạt cộng đồng, nơi đây có thể tổ chức các tiệc mừng cưới, tang lễ...
Với người Việt thường tổ chức tại gia dù sống trong một đô thị chật hẹp, vì vậy đành phải chiếm dụng lòng đường, vỉa hè... để tổ chức tiệc cưới, tang ma. Dù việc này có thể gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn... nhưng do tâm lý "ngày vui", "nghĩa tử nghĩa tận" nên thường bị bỏ qua.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, hình thức, cách thức tổ chức cần thay đổi phù hợp, đúng nơi, đúng chỗ. Tôi đồng tình với quan điểm cần hạn chế tiến tới cấm tổ chức tiệc cưới hỏi, ma chay tại nhà. Để làm được việc này thì phải có nơi, có chỗ để người dân tổ chức.
QUANG KHẢI ghi
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ: Cần có quy ước cộng đồng
Tai nạn nào cũng khiến chúng ta xót xa, nhưng tai nạn ôtô trong đám tang thì thật là thương tâm gấp bội. Với gia đình tổ chức đám tang, đám cưới, tuyệt đối không sử dụng, tận dụng lề mép đường giao thông vì không an toàn.
Ngoài việc phải tuân thủ luật giao thông, cần thiết ra những quy ước cộng đồng về vấn đề này. Ngay cả khi đám cưới làm trong sân nhà mình nhưng hướng ra mặt đường, cũng có những quy định về việc che chắn, đón khách làm sao đảm bảo trật tự giao thông. Tốt nhất là tổ chức ở không gian nhà văn hóa cộng đồng.
NGỌC DIỆP ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận