Một nhu cầu căn bản của con trẻ lại trở thành nỗi đau đầu của người lớn. Hơn nữa, nếu các bậc cha mẹ biết rằng vui chơi, giải trí không những là nhu cầu mà là một quyền của trẻ em thì chắc rằng chỉ còn giơ tay lên trời, vì đã là quyền thì không thể chối từ, nhưng làm gì bây giờ.
Theo công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (CRC), trẻ em có quyền nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tự do tham gia đời sống văn hóa, nghệ thuật. Còn Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của ta cũng chẳng kém: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”.
Việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của trẻ em quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ như các yếu tố dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Trong khi vui chơi, trẻ em tự tạo ra hoặc được đặt vào những tình huống nhiều khi giống với ngoài đời thật và có những phản ứng linh hoạt đối với các tình huống đó. Không chỉ là vui chơi thuần túy, mà qua đó các em rèn luyện kỹ năng sống, trang bị kiến thức để đối phó với những “bài toán” của cuộc sống. Không những thế, vui chơi giúp trẻ em tương tác với môi trường vật chất và xã hội xung quanh, tạo ra sự phấn khích, thoải mái, vận động nên có lợi cho sức khỏe, phát triển của trẻ em. Việc nghỉ ngơi của trẻ em chính là bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của các em.
Chính vì thế, trẻ em có quyền tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch. Không những thế, quyền tham gia còn hàm ý trẻ em được đóng góp ý kiến và được lắng nghe trong quá trình ra quyết định của người lớn liên quan đến việc vui chơi, giải trí của trẻ em.
Thế nhưng trên thực tế, việc thúc đẩy quyền vui chơi, giải trí của trẻ em không được chú ý, quyền này thường bị bỏ qua, được coi là điều gì đó xa xỉ chứ không phải là nhu cầu của cuộc sống. Hơn nữa ở nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, trẻ em thường bị coi là “trẻ con”, không có quyền hành gì cả, hoàn toàn lệ thuộc và có bổn phận phải vâng lời người lớn. Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về CRC nhận định những mối ưu tiên trong chương trình nghị sự của người lớn thường quên quyền này của trẻ em, nhất là đối với trẻ em bị thiệt thòi, các em ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn.
Trong khi đó, trẻ em muốn nói với chúng ta - người lớn - rất nhiều điều, nếu không nói là tất cả mọi điều về những gì chúng ta cần phải biết để giúp trẻ em lớn lên, phát triển. Để biết trẻ em muốn nói gì, người lớn hãy đi theo và lặng lẽ quan sát xem trẻ em thích đến những đâu, làm những gì, tại sao. Thường là người lớn sẽ thấy trẻ em đang vui chơi, giải trí, và những trò chơi, trò giải trí của trẻ em sẽ cho người lớn thấy trẻ em là ai, đang cảm nhận như thế nào, có thể làm gì, muốn trở thành người như thế nào... Nếu người lớn thấy trẻ em không vui chơi, không giải trí, không nghỉ ngơi thì đó là dấu hiệu bất ổn đối với trẻ em, và người lớn cần phải hành động.
Chỉ cần đừng bỏ quên quyền vui chơi, giải trí của trẻ em thì người lớn sẽ làm được nhiều hơn cho con trẻ. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: đừng lo sợ mà bắt con học nhồi nhét ở trường, hè này đừng bùi tai mà đưa con đi hết lớp này đến lớp khác; nếu con bạn mà có đến nũng nịu: “Bố đưa con đi chơi!” thì dù có bận bịu đến đâu, hãy cố gác lại công việc đang dở dang, dắt con xuống sân chơi, đi dạo, ngồi thư thả ngắm nhìn con mình chạy nhảy, vui đùa. Biết đâu khi đó chúng ta sẽ được “một vé đi tuổi thơ”, được trở lại thời trẻ em, được làm trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận