Bệnh nhi P.B.T.N. (5 tuổi, Tây Sơn, Bình Định) nhiễm khuẩn whitmore - Ảnh: THÁI THỊNH
Càng lo hơn khi đây là lần đầu tiên giới y khoa ghi nhận hiện tượng: Bệnh nhân cùng là anh em ruột, cùng mắc bệnh whitmore và tử vong rất nhanh.
Trả lời Tuổi Trẻ về mối nguy cơ của căn bệnh được nhiều người gọi với cái tên đáng sợ "vi khuẩn ăn thịt người", TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - nói:
Whitmore là bệnh truyền nhiễm có từ rất lâu đời, thường gặp ở các vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Bệnh này có thể xảy ra ngay lập tức, hoặc khi nhiễm bệnh có thể kéo dài một thời gian rất lâu mới bùng phát, do đó ngoài tên gọi whitmore, bệnh còn được gọi với cái tên quả bom nổ chậm.
Miền Nam nhiều hơn miền Bắc
* Khi thấy các hình ảnh người bệnh lở loét khắp chân, tay, mặt... nhiều người rất hoang mang, họ gọi đó là "virút ăn thịt người"?
- Phải khẳng định ngay rằng đây là một loại vi trùng nằm trong phân của động vật có vú như dê, bò, cừu... Đặc biệt là loài gặm nhấm như chuột. Các loại vi trùng này theo phân đi ra ngoài làm ô nhiễm môi trường đất, cát, nước...
Và khi con người bị trầy tay, chân, các vết thương hở ngoài da... nếu vô tình tiếp xúc các loại vi trùng này theo đường vết thương đi vào cơ thể. Hoặc có thể đi theo con đường từ các hạt bụi lơ lửng trong không khí, khi cơ thể có sức đề kháng yếu đi sẽ dễ dàng bị nhiễm bệnh.
* Vậy theo bác sĩ, với đối tượng người bệnh nào bệnh này có thể dễ dàng tấn công nhất?
- Thực ra không có sự phân biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ mà phân biệt ở đây là sức đề kháng của mỗi người có thực sự tốt hay không. Do đó người yếu tố nguy cơ nhất thường là người bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận mãn, nghiện rượu, HIV, hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày. Họ có nguy cơ rất dễ nhiễm bệnh so với các bệnh bình thường.
Tỉ lệ phân bố địa lý của bệnh whitmore mỗi vùng miền khác nhau. Trong đó tỉ lệ bệnh ở miền Nam gặp nhiều hơn so với miền Bắc. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng năm trung bình phát hiện điều trị thành công cho khoảng 100 ca whitmore.
TS Lê Quốc Hùng
Bác sĩ phải luôn nhớ bệnh whitmore
* Có một thực tế hiện nay ở nhiều tuyến, bệnh whitmore có thể chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu... Và có thể nhiều ca bệnh đã tử vong do chẩn đoán và điều trị sai, thưa bác sĩ?
- Chúng tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh này. Do đó việc bỏ sót bệnh rất hiếm khi gặp phải. Tại sao tôi nói điều này? Vì phản xạ của người bác sĩ phải luôn luôn nhớ tới căn bệnh này bởi đây là bệnh nằm trong vùng dịch tễ phía Nam nhiều hơn.
Một phần khác rất khó chẩn đoán nếu chúng ta không lưu ý là biểu hiện lâm sàng, mức độ của bệnh này rất khác nhau. Cụ thể nếu như bị trầy da mà nhiễm loại này sẽ bị nhiễm trùng trên da, còn nếu hít phải thì bị bệnh về phổi hoặc nếu nhiễm trong máu có thể di chuyển đến gan, thận, hạch...
Chính việc biểu hiện ở rất nhiều cơ quan và không mang đặc trưng riêng cho nên khi khám không được quên loại bệnh này.
Và loại bệnh này nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng thì không thể chẩn đoán ra bệnh, mà chúng ta phải dựa vào việc lấy các loại bệnh phẩm như cấy máu, cấy mủ xét nghiệm mới có thể phát hiện. Loại bệnh này sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ sót nó, bệnh nhân dễ dàng tử vong.
Còn nếu chẩn đoán đúng, phần lớn bệnh nhân dễ dàng được cứu nếu đến bệnh viện kịp thời. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc kháng sinh đặc trị cho loại bệnh này và tới nay mức độ đề kháng kháng sinh của loại vi khuẩn này rất ít. Có nghĩa là khi sử dụng thuốc rất nhạy, hiệu quả.
* Như vậy tức là người bệnh hoàn toàn không có gì phải lo lắng trước loại bệnh này, thưa bác sĩ?
- Đúng vậy. Bệnh chỉ nguy hiểm khi bị bỏ sót nó mà thôi, còn bệnh không phải là mới bùng phát không thể chữa được và cũng không phải là "ăn thịt người" như người dân lo lắng.
Thực tế với người mắc bệnh ta có thể thấy các tổn thương rất kinh khủng như ăn cả mặt, ăn cả phổi... Do đó khi bị nhiễm khuẩn nếu không phát hiện ra, không được điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu thì vi khuẩn phát triển rất mạnh.
Đặc điểm chung của loại này là tạo ra các ổ ápxe, nhiễm vào các cơ quan tàn phá các mô, có thể mưng mủ, ăn lan ra toàn thân với diễn tiến rất nhanh và tử vong.
* Với những người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường đất, cát, nước bị ô nhiễm, bác sĩ có lời khuyên gì để tránh bị nhiễm bệnh?
- Nguyên nhân bị nhiễm bệnh là do các vết thương ở ngoài da hoặc hít phải bụi đất ô nhiễm, do đó khi lao động đòi hỏi phải mang đầy đủ vật dụng bảo hộ lao động như ủng, bao tay... Đặc biệt là đối với vùng đặc trưng ở khu vực phía Nam - nơi tỉ lệ vùng dịch tễ cao.
Khi bị tổn thương ngoài da cần nhanh chóng rửa sạch vết thương, theo dõi nếu có biểu hiện nhiễm trùng như viêm nhiễm, tấy đỏ cần sớm đến trung tâm y tế để khám. Ngoài ra, có thể nhận thấy môi trường hiện tại đang bị ô nhiễm về bụi đất, do đó việc đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi là điều cần thiết.
Đặc biệt nên chú trọng vấn đề tiêu diệt các loại gặm nhấm như chuột (là nguồn chứa vi khuẩn) để giữ vệ sinh quanh khu vực sinh sống.
Gia tăng người bệnh ở nhiều địa phương
Theo khảo sát tình trạng bệnh nhân whitmore có dấu hiệu gia tăng ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thái Nguyên... nên rất nhiều người lo lắng về cách phòng chống căn bệnh này.
Cụ thể cuối tháng 9-2019, Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân 49 tuổi ở Bắc Kạn với tổn thương phần mềm mũi do vi khuẩn whitmore. Điều may mắn là người này được phát hiện điều trị kịp thời và được ra viện sau 3 tuần điều trị. Thời điểm đó, ca này được ghi nhận là 1 trong 12 ca bệnh whitmore vào Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có tới 4 bệnh nhân tử vong.
Và gần nhất là sự kiện hai anh em trai (5 tuổi và hơn 1 tuổi) ở Hà Nội tử vong chỉ trong vòng nửa tháng cùng do bệnh whitmore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận