11/06/2015 12:13 GMT+7

​Đừng phiền dân bởi chuyện đặt tên

V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN
V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN

TT - Đại biểu Bùi Đức Thụ (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội) đặt vấn đề này tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 10-6.

Trước việc dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam “phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ; họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, ông Bùi Đức Thụ cho rằng quy định nêu trên là không cần thiết.

Hơn nữa theo ông Thụ, Hiến pháp chỉ quy định một số trường hợp hạn chế quyền công dân, nay dự thảo bộ luật quy định như vậy chính là hạn chế quyền của công dân đối với họ, tên của họ.

Nhiều người vì cái tên mà gặp rắc rối, không được cấp sổ hộ nghèo, thẻ bảo hiểm y tế...
Đại biểu BÙI ĐỨC THỤ

Nhiều rắc rối trong cách đặt tên

“Tôi ví dụ nhiều người ở miền Nam được đặt tên bằng số, nay dự thảo bộ luật quy định như vậy không lẽ phải đặt lại tên? Việc quy định họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái cũng không hợp lý.

Nếu chỉ vì tên quá dài không vừa để ghi trên chứng minh nhân dân, bằng lái xe thì có thể điều chỉnh bằng biện pháp kỹ thuật” - ông Thụ nói.

Đại biểu Thào Hồng Sơn (Hà Giang) cho rằng phần quy định về quyền nhân thân trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã có thiếu sót khi không có những quy định về vấn đề đổi tên theo tập quán và phiên âm tên từ tiếng dân tộc ra tiếng phổ thông.

Ông Thào Hồng Sơn đưa ra ví dụ với người Mông, người Dao rất nhiều họ và tên đệm đang được ghi trong chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác với cách gọi của tiếng dân tộc.

Chẳng hạn về họ, họ Giàng được phiên âm thành Dương, Vừ thành Vàng, về tên thì Sinh đổi sang Sự, Tủa thì thành Tuấn. Đặc biệt với đàn ông người Mông sau khi cưới vợ đều được đổi tên đệm.

“Chẳng hạn Ly Mí Chứ khi cưới vợ sẽ đổi thành Ly Pà Chứ. Trong khi chứng minh nhân dân vẫn ghi là Ly Mí Chứ. Nhiều người vì thế đã gặp rắc rối, không được cấp sổ hộ nghèo, thẻ bảo hiểm y tế”.

Theo ông Sơn, luật đã quy định cho phép đổi tên trong nhiều trường hợp nhưng lại không quy định về vấn đề liên quan đến phiên từ tiếng dân tộc sang tiếng Kinh, đổi tên theo phong tục tập quán.

“Cái này rất ảnh hưởng từ xóa đói giảm nghèo đến y tế giáo dục. Vướng mắc rất lớn mà chưa biết làm sao” - đại biểu Thào Hồng Sơn nói.

Nên thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

Trong thảo luận tổ, nhiều đại biểu đề cập quy định về việc thực hiện chuyển đổi giới tính. Các ý kiến xoay quanh nhiều phương án khác nhau theo hướng không cho phép, không thừa nhận chuyển đổi giới tính, hoặc cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị nên quy định pháp luật công nhận việc chuyển đổi giới tính. Theo ông, trong thực tế có những người không rõ là nam hay nữ, cần cho họ được chuyển đổi giới tính để “họ sống cuộc đời của họ”. 

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nêu vấn đề có những người do tự nhiên sinh ra hình hài giới tính này, bản chất giới tính kia, người ta đã lặn lội sang Thái Lan để chuyển đổi, nếu không thừa nhận thì sẽ dẫn đến pháp luật không phù hợp, chúng ta cần xuất phát từ đối tượng điều chỉnh để mà quy định. 

Nhà nước do dân, vì dân mà cứ từ chối những vấn đề công dân yêu cầu giải quyết thì rõ ràng là không hợp lý
Đại biểu TRẦN VĂN ĐỘ

Tòa không được từ chối dân

Theo đại biểu, trung tướng Trần Văn Độ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương), sau Hiến pháp thì Bộ luật dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, giải quyết tất cả tranh chấp trong xã hội.

Một trong những vấn đề mới được quy định trong dự thảo là tòa án không có quyền từ chối giải quyết tranh chấp của người dân với lý do chưa có điều luật áp dụng.

“Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Xã hội luôn phát triển, nảy sinh cái mới, không có bộ luật nào bao quát hết được những quan hệ, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nếu với trách nhiệm nhà nước của dân, do dân, vì dân mà cứ từ chối những vấn đề công dân yêu cầu Nhà nước giải quyết thì rõ ràng là không hợp lý, không đúng bản chất của nhà nước pháp quyền” - đại biểu Độ bày tỏ.

Nhìn từ thực tế, ông Độ cho biết thời gian qua do không quy định như vậy nên nhiều vụ việc cứ bị đẩy đi đẩy lại mà không có ai giải quyết những tranh chấp của dân, nhất là trong tranh chấp về đất đai.

“Trước đây chúng ta quy định tranh chấp đất đai mà có sổ hồng (giấy đăng ký quyền sử dụng đất) thì thuộc thẩm quyền của tòa án, còn nếu không có sổ hồng thì UBND các cấp giải quyết.

Trong rất nhiều trường hợp, chúng tôi hướng dẫn người dân đến ủy ban thì ủy ban nói rằng đây là thẩm quyền của tòa án, khi dân đến tòa thì tòa nói trường hợp này không thuộc trách nhiệm của tòa, vậy là đùn đẩy chỗ nọ chỗ kia, cấp dưới lên cấp trên, cấp trên về cấp dưới, rồi dân chạy ra Quốc hội gửi đơn từ đi tất cả các nơi” - ông Độ nêu ví dụ.

Cũng theo ông Độ, tòa án là cơ quan tư pháp có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Nếu quy định từ chối giải quyết, không thụ lý thì ai sẽ giải quyết? Tòa mà từ chối thì người ta sử dụng luật rừng, sử dụng xã hội đen để giải quyết tranh chấp, làm phát sinh bao nhiêu hệ lụy trong xã hội.

“Vậy trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng thì tòa xử bằng cái gì? Tôi đề nghị quy định rõ là tòa có quyền áp dụng tập quán, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết” - ông Độ nói. 

V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp