Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), suy tĩnh mạch thường gặp chiếm khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.
Đây là bệnh lý diễn tiến và triệu chứng âm thầm, không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, hiện nay có nhiều ca bệnh để lại biến chứng nguy hiểm vì không được phát hiện kịp thời.
Bác sĩ Hồ Khánh Đức - trưởng khoa phẫu thuật tim mạch máu, Bệnh viện Bình Dân - cho biết suy giãn tĩnh mạch là tình trạng chức năng tĩnh mạch yếu làm cho máu đi từ chân về tim kém.
Người bị suy giãn tĩnh mạch thường có các triệu chứng điển hình như: nặng chân, phù chân, đau chân, tê bì, nặng hơn là viêm da, loét da.
Suy giãn tĩnh mạch gồm suy tĩnh mạch nông (mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da) và suy giãn tĩnh mạch sâu (mạch nằm sâu trong cơ). Thường gặp ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.
Bác sĩ Đức cho hay hiện nay người bệnh suy giãn tĩnh mạch nông sẽ được điều trị bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt, sóng cao tần, keo sinh học làm tĩnh mạch teo lại biến mất.
Đối với tĩnh mạch sâu, bệnh nhân phải điều trị nội khoa bằng cách thay đổi lối sống như: không đứng lâu, ngồi lâu, mặc quần áo quá chật, vận động tập thể dục kèm theo dùng thuốc.
Thế nhưng nếu tiếp tục lặp lại việc công việc ngồi lâu, đứng lâu không vận động, triệu chứng sẽ tái diễn ngày càng nặng hơn.
"Bệnh tĩnh mạch không điều trị dứt điểm hoàn toàn, nhưng có thể phòng ngừa tránh tình trạng bệnh nặng thêm và cải thiện được triệu chứng lâm sàng", bác sĩ Đức cho hay.
Theo bác sĩ Đức, để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, giảm chất béo, đồ ngọt để tránh béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, đặc biệt là tránh táo bón.
Bên cạnh đó, nếu muốn cho máu về tim tốt phải có sự vận động, co bóp của các cơ chân, vận động của các khớp gối tạo lực cho máu về tim.
Trường hợp ngồi lâu một chỗ hoặc đứng lâu máu sẽ dồn về phía hai chân tăng áp lực tĩnh mạch dẫn đến suy giãn tĩnh mạch. Do đó, việc tập thể dục thể thao rất quan trọng như: đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, khiêu vũ.
Với những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên trang bị đôi giày thích hợp đi bộ, đồng thời tránh đi bộ quá sức sẽ tổn thương xương, khớp. Hạn chế môn thể thao đứng lâu như: tập dưỡng sinh, cử tạ, yoga… không tốt cho tĩnh mạch.
Ngoài ra hạn chế ngâm chân trong nước nóng làm tăng tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Không đứng, ngồi quá 30 phút tránh suy giãn tĩnh mạch
Theo bác sĩ Đức, trên thị trường hiện nay rao bán quảng cáo các loại gel, thuốc bôi chữa suy giãn tĩnh mạch nhưng mức độ hiệu quả không cao.
Bác sĩ Đức khuyến cáo đối với suy giãn tĩnh mạch cần vận động để dòng máu lưu thông tốt, đặc biệt là sự co bóp các cơ đẩy máu về tim.
Không nên đứng lâu, ngồi lâu quá 30 phút sẽ tạo áp lực đến tĩnh mạch làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận