Phóng to |
Trả lời của Phòng mạch online:
- Hệ thống tuần hoàn gồm có tim, các động mạch và các tĩnh mạch. Tim hoạt động như một máy bơm, bơm máu ra các động mạch. Các động mạch co thắt để đưa máu đến các cơ quan mang theo oxy và dưỡng chất. Máu sau khi trao đổi chất tại các cơ quan sẽ trở về tim qua hệ thống tĩnh mạch.
Ta nên biết tĩnh mạch là một hệ thống ống dẫn có thành mỏng, ít cơ hơn động mạch nên sức co thắt rất kém. Vậy nên để máu từ phần thấp của cơ thể (phần cơ thể dưới tim) chảy được về tim, cần phải có các yếu tố sau:
- Lực hút của tim.
- Các khối cơ bên ngoài ép vào tĩnh mạch.
- Các van tĩnh mạch (là van một chiều) ngăn không cho máu chảy ngược xuống thấp do tác dụng của trọng lực.
Bệnh suy van tĩnh mạch gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:
- Quá trình thoái hóa (gặp trên người già).
- Do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều.
Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.
Triệu chứng của suy van tĩnh mạch chân là biểu hiện của sự ứ máu này: các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân; máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân; nặng hơn ta có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da...
Bản thân bệnh suy van tĩnh mạch sâu không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch; các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong!
Để làm chậm tiến triển của bệnh, cần loại bỏ những thói quen có hại là đứng, ngồi lâu, khiêng vác nặng... Về điều trị: nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, ta có thể điều trị làm giảm triệu chứng bằng các thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, phối hợp với mang vớ thun tạo áp lực ngăn máu chảy ngược (bas contention). Nếu bệnh ở giai đoạn nặng gây đau nhiều và nổi nhiều búi mạch, có thể phải cần đến phương pháp phẫu thuật lấy bỏ bớt một vài tĩnh mạch ở chân.
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của suy tĩnh mạch chân, nên đến khám và theo dõi tại các phòng khám chuyên khoa tim - mạch máu để được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cụ thể. Đặc biệt nếu thấy chân sưng nhanh và đau nhiều, hoặc thấy khó thở, đau ngực đột ngột phải đến bệnh viện khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của tắc tĩnh mạch chân hoặc động mạch phổi, là những biến chứng nguy hiểm của suy van tĩnh mạch.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận