HLV Gerd Zeise (Myanmar). Ảnh: S.H |
Ông Zeise nói: “Việc sử dụng các cầu thủ trẻ đang là một xu hướng của bóng đá Đông Nam Á. Các bạn có thể thấy điều đó qua AFF Cup 2016. Cụ thể, đã có 3/4 đội bóng vào bán kết AFF Cup 2016 sở hữu hàng loạt ngôi sao dưới 23 tuổi trong đội hình. Và cầu thủ xuất sắc nhất giải Chanathip Songkrasin (Thái Lan) cũng là một cầu thủ trẻ”.
* Ông đánh giá như thế nào về những cầu thủ trẻ của các đội tuyển ở Đông Nam Á?
- VN, Myanmar và Thái Lan đang sở hữu một dàn cầu thủ trẻ rất hùng hậu. Riêng với đội tuyển VN, ở AFF Cup vừa rồi tôi thấy họ có khoảng 2-3 cầu thủ trẻ có thể trở thành ngôi sao lớn trong tương lai. Chẳng hạn như cầu thủ đá tiền vệ trung tâm (Lương Xuân Trường) và hậu vệ cánh trái (Vũ Văn Thanh) mà tôi biết họ đã được đào tạo bài bản từ học viện bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai từ nhiều năm qua.
Tôi cũng đánh giá rất cao dàn cầu thủ trẻ của Campuchia. Họ tham dự AFF Cup với một đội hình hầu như là các cầu thủ trẻ (16 người dưới 23 tuổi). Vậy mà Campuchia vẫn làm khó tất cả các đội bóng trong bảng. Nếu tiếp tục đà phát triển này, Campuchia sẽ là một đối thủ đáng gờm trong 2-4 năm nữa.
* Theo ông, mất khoảng bao lâu nữa bóng đá Đông Nam Á mới có thể cạnh tranh ở tầm châu Á?
- Chúng ta nên thực tế một chút. Khi tôi nói về việc nhiều nền bóng đá trong khu vực phát triển về hệ thống đào tạo trẻ, tôi chỉ so sánh họ với những nền bóng đá còn lại trong khu vực. Nếu nhìn rộng ra tầm châu Á, có lẽ bóng đá trẻ Đông Nam Á vẫn chưa thực sự phát triển. VN đã có học viện bóng đá cũng như nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của các CLB. Myanmar cũng có học viện bóng đá. Nhưng cái mà chúng ta có chỉ là 1-2 học viện. Điều đó chỉ giúp tạo ra một số cầu thủ trẻ giỏi, chứ không thể nào tạo ra cả một thế hệ tiềm năng cho tương lai.
Phát triển bóng đá trẻ luôn là một công việc dài hơi và có quy mô lớn bởi khi bạn đào tạo được khoảng 10 tài năng trẻ, nhiều lắm chỉ có 4, 5 người trong đó có thể trở thành ngôi sao thực thụ. Nói vậy do chúng ta cần phải tính đến những rủi ro như chấn thương hoặc không thích hợp với môi trường thi đấu sau lúc hoàn tất việc đào tạo kỹ thuật căn bản.
Cùng với Xuân Trường, hậu vệ trái Vũ Văn Thanh (17) được HLV trưởng đội Myanmar đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Ảnh: SĨ HUYÊN |
* Bóng đá ở các nước Đông Nam Á cần phải làm gì để nâng tầm bóng đá trẻ hơn nữa, thưa ông?
- Cần phải có thêm nhiều học viện đào tạo bóng đá. Ở Đức, chúng tôi có các học viện bóng đá nằm rải rác khắp cả nước. Tất nhiên khu vực Đông Nam Á chưa thể nhắm đến hình mẫu đó nhưng chúng ta cũng cần 5, 6 học viện trên cả nước mới hi vọng xây dựng nên được một thế hệ.
Điều quan trọng nhất là bóng đá học đường. Muốn hùng mạnh ở một môn thể thao nào đó, các học sinh trong trường tiểu học, trung học nhất định phải được chơi môn thể thao đó thường xuyên từ các sân bóng có chất lượng tốt cùng đội ngũ HLV đào tạo trẻ giỏi. Từ 5 hay 6 học viện sẽ mang đến thêm 100-200 cầu thủ trẻ tài năng cho tôi lựa chọn mỗi năm. Nhưng nếu phát triển bóng đá học đường, tôi sẽ có thêm hàng trăm ngàn cầu thủ trẻ.
* Bóng đá trẻ ở học đường và học viện tại Myanmar thì sao, thưa ông?
- Myanmar có vị chủ tịch liên đoàn bóng đá (tỉ phú Zaw Zaw) rất nhiệt tâm với mục tiêu phát triển bóng đá trẻ. Hiện Myanmar có 3 học viện đào tạo trẻ, rất tiếc là bóng đá học đường không được chú ý nhiều lắm.
Theo tôi, việc phát triển bóng đá học đường không phải là chuyện của mỗi mình liên đoàn bóng đá, mà đó phải là kế hoạch chiến lược dài hạn của cả quốc gia với sự chung tay của chính phủ. Nếu chưa phát triển được bóng đá học đường, đừng mơ đến chuyện vươn tầm châu lục bởi nhiều cường quốc bóng đá ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Úc... đã làm được điều đó. Quốc gia duy nhất làm được điều này ở Đông Nam Á là Thái Lan.
* Tuy nhiên bóng đá Thái Lan không thực sự nhỉnh hơn VN hay Myanmar về thành tích ở các giải trẻ?
- Nếu bạn chỉ đem thành tích của một đội bóng ra so sánh thì đúng là như vậy. Nhưng Thái Lan hầu như có một đội bóng riêng rẽ ở mọi cấp độ: U-23 là một đội, U-21 là một đội, U-19 cũng là một đội hoàn toàn khác, không có cái tên nào trùng nhau. Như đã nói ở trên, khi bạn có đông đảo cầu thủ trẻ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, cơ hội để bạn xây dựng được một thế hệ tài năng sẽ cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, Thái Lan có một giải vô địch quốc gia rất chất lượng nên khi những cầu thủ trẻ này trưởng thành, được đôn lên đá giải chính, họ nhảy vọt về năng lực chuyên môn. Sau một vài năm trưởng thành, các cầu thủ trẻ của Thái Lan khiến tôi giật mình về khả năng thi đấu của họ.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận