Hình ảnh loài rắn độc cắn ông Đ., ngụ tỉnh Bình Phước - Ảnh: B.A.
Ngày 16-8, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an TP Đồng Xoài cho hay đang xác minh nguyên nhân ông D.H.Đ. (64 tuổi, Đồng Xoài) tử vong do bị rắn độc rắn.
Trước đó, chiều tối 13-8, ông Đ. phát hiện một con rắn nặng gần 1kg bò trước cổng nhà nên dùng tay không bắt rắn, nhưng không may bị cắn vào tay phải. Sau đó, ông Đ. bỏ rắn vào can nhựa loại 5 lít màu trắng và kể cho hàng xóm nghe sự việc. Ông Đ. nghĩ là rắn không có độc nên không đi chữa trị.
Đến chiều 14-8, anh B.V.T. (38 tuổi, hàng xóm của ông Đ.) sang nhà ông Đ. chơi. Khi nghe kể lại sự việc và nhìn thấy con rắn, biết đó là loại rắn hổ mèo có độc nên vội vàng kiểm tra vết rắn cắn ở trên cánh tay ông Đ..
Khi thấy cánh tay sưng tấy, anh T. lấy xe máy chở ông Đ. qua nhà một người dân ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài chữa trị. Tại đây ông Đ. được người này chữa trị bằng mẹo dân gian. Sau khi chữa trị tại đây, ông Đ. về nhà mà không đến bệnh viện chữa trị.
Đến tối 15-8, do vết thương quá nặng, ông Đ. đã tử vong. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Theo các bác sĩ, rắn hổ mèo có tên khoa học là Naja siamensis (tiếng Anh là Indochinese spitting cobra), thuộc họ rắn hổ (Elapidae family). Rắn có màu vàng xanh nhạt, dài 0,2 - 1,5m, nặng 100 - 3.000g, có thể phình mang (có hình hai mắt kính nhưng không có gọng kính), dựng đầu cao và phun được nọc rắn.
Rắn thường sống vùng cao, khô ráo như các ụ mối, hang hốc hoặc xung quanh nhà như dưới các đống củi, dưới chuồng gà hay chuồng heo, các hang hốc quanh nhà để tìm kiếm mồi. Rắn hổ mèo thường gặp ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Điều đáng quan ngại là tuy nọc độc của rắn hổ mèo vô cùng độc nhưng người dân rất chủ quan dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận