Sỏi chưa tan thì đã biến chứng
Thấy mọi người nói vịt thường ăn sỏi, vỏ ốc mà vẫn tiêu hóa tốt nên nhiều người mách nhau dùng mật của con vịt để trị các bệnh: sỏi thận, sỏi mật, thậm chí chữa đầy bụng, chậm tiêu, suy gan…
Mới đây bà Đ.T.H. (Thái Bình) đã nuốt 2 cái mật vịt sống để trị bệnh sỏi thận. Sỏi chưa thấy ra thì bà đã phải nhập viện vì đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu và nhập viện trong giai đoạn suy gan, suy thận cấp, hôn mê. Dù được lọc máu và điều trị tích cực, nhưng sau 10 ngày bệnh nhân đã tử vong.
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết hằng năm trung tâm đều phải cấp cứu cho vài chục trường hợp bị nhiễm độc mật với các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nhiều trường hợp ngộ độc mật nặng dẫn đến viêm gan, suy gan, chảy máu hoặc không tiểu được do suy thận cấp, chất độc ứ trong người, phải tiến hành lọc máu liên tục để cứu chữa.
Theo các bác sĩ, các loại mật của động vật đều có thể gây độc vì trong thành phần có chứa nhiều độc chất, trong đó có axit mật và các muối mật. Thông thường, trong cơ thể người mật được tiết ra đủ giúp tiêu hóa thức ăn. Việc sử dụng lượng lớn mật, với nồng độ đậm đặc sẽ bị nhiễm độc. Ngoài ra, nếu mật bị bệnh do nhiễm vi khuẩn, việc dùng mật này chính là đưa nguồn bệnh vào cơ thể.
Đặc biệt, nếu dùng nhiều mật chính là đưa một lượng "độc chất" vào cơ thể. Chất này gây độc trực tiếp cho gan, thận, phá hủy tế bào gan và ống thận của người sử dụng. Ở mức độ nhiễm độc nặng sẽ dẫn đến suy gan, suy thận.
Chất độc của mật đi qua ống thận gây viêm ống thận cấp dẫn đến vô niệu (không có nước tiểu) không tiểu tiện được. Tình trạng này khiến độc chất sẽ bị tích tụ trong cơ thể, do đó bệnh nhân có thể tử vong vì nhiễm độc. Vì vậy, tuyệt đối không nên dùng các loại mật động vật khác khi không có chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu - nguyên trưởng bộ môn công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học, rất nhiều người chỉ biết uống mật vịt để chữa sỏi thận, sỏi gan mà không biết rằng nó còn gây viêm gan. Thực tế ông đã gặp nhiều người sau khi uống mật vịt khỏi sỏi gan nhưng lại mắc viêm gan.
Nguyên nhân là do trong mật vịt, ngan, ngỗng chứa axit chenodeoxycholic (CDC) là chất có thể gây viêm gan, chứ không phải axit ursodeoxycholic (UDC) chống viêm gan như nhiều người lầm tưởng. Do đó, phần lớn người bệnh khi dùng mật vịt sẽ bị xơ gan…
Ăn, uống mật: Nhiều nguy cơ
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y, cho biết mật vịt tên thuốc là gia áp đảm, có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng tả hỏa, tiêu độc, chống kinh phong, co giật, không có tác dụng chữa sỏi.
Dùng mật vịt chữa sỏi mật, thận, gan là cách dùng dân gian thiếu cơ sở khoa học, chưa được nghiên cứu chứng minh. Đặc biệt, mật vịt thuộc hàn, nếu người thể hàn dùng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Hướng phân tích bản thân mỗi người đều có một cái mật rất to, cơ thể con người thường xuyên sản sinh ra dịch mật đủ để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, không cần thiết phải uống mật động vật để giúp tiêu hóa tốt hơn, mà chỉ cần dùng mật của chính cơ thể mỗi người để tiêu hóa một lượng thức ăn vừa đủ mỗi ngày.
Các loại mật nói chung thường có thành phần rất độc. Hơn nữa, vì đường dẫn mật thông với ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn nên mật động vật có thể bị nhiễm vi khuẩn, nếu uống sống dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn…
Với những người thường hay nhậu, ăn uống nhiều nên cho rằng uống rượu mật giúp họ tiêu hóa tốt hơn mà không hiểu rằng việc mật giúp cho hấp thụ thêm thức ăn và đó chính là nguyên do phát triển của các loại bệnh rối loạn chuyển hóa do ăn quá nhiều như: tiểu đường, béo phì, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, tăng axit uric và một loạt bệnh khác đi kèm.
Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên tuyệt đối không nên dùng mật vịt nói riêng và mật động vật nói chung để chữa bệnh. Mật động vật bị bệnh còn đưa vi trùng nhiễm khuẩn, thương hàn, bệnh do sán lá ký sinh trong gan và ống dẫn mật... vào cơ thể và sinh bệnh.
Nặng hơn có thể bị phù não, phù phổi cấp, viêm tế bào gan cấp, chậm nhịp tim, co giật toàn thân, bị viêm gan nhiễm độc cấp, vàng da, vàng mắt, suy gan, suy thận… có thể dẫn đến hôn mê rồi tử vong. Do đó, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể sớm bằng cách gây nôn rồi nhanh chóng đưa đi cấp cứu để được cứu chữa kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận