29/06/2015 14:44 GMT+7

Dựng lều trọ học

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Những ngày cận kề kỳ thi THPT quốc gia, nhiều nhóm học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) vẫn ở lại lều tạm cùng nhau ôn thi.

Học sinh cùng nhau ôn thi tại lều trọ học gần Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) Ảnh: T.TÂN
Học sinh cùng nhau ôn thi tại lều trọ học gần Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) - Ảnh: T.Tân

Những lán trại này do bố mẹ các bạn dựng lên cho con em có nơi trú nắng, che mưa theo đuổi giấc mơ con chữ.

Thầy giáo trẻ Hồ Quang Đạo (Trường THPT Trần Hưng Đạo) dẫn chúng tôi vượt qua rẫy tiêu của một gia đình để tìm đến lán trại của học sinh đang ở lại ôn thi. Khu lán làm từ những cây gỗ, liếp tre và được che tạm bợ bằng những tấm tôn cũ nát. Bên trong mỗi lều, giường và bàn học của học sinh cũng được gá bởi những cây gỗ, liếp tre và một khu bếp ở góc nhà.

Đêm về người mỏi nhừ nhưng cũng phải ráng học bài để không rơi rụng kiến thức. Hai tuần gần đây, mình muốn tập trung ôn thi và cũng thuận tiện trao đổi với bạn bè nên ra lều trọ ôn thi. Ở lán, mỗi bạn nhỉnh hơn người khác một môn học nào đó nên có thể trao đổi với nhau, bài nào khó còn có thể hỏi thầy cô giáo 
Giàng Seo Thắng

Bàn học nơi lán tre

Thầy Đạo nói khu lều tạm này là một trong 5 - 6 khu lán trại mà hơn 200 em học sinh vùng sâu vùng xa trọ học tại hai trường THCS Cư Đ’răm và THPT Trần Hưng Đạo mấy năm nay. Hiện các học sinh khác đã nghỉ hè, học sinh ở các khu khác dồn về đây để cùng nhau ôn thi.

“Tất cả học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số ở các bản làng cách xa trường hàng chục cây số, điều kiện đi lại rất khó khăn. Nhiều gia đình muốn cho con học chữ nhưng nhà nghèo đến mức không đủ tiền thuê nhà trọ, đi xe buýt nên mới mượn đất của người dân dựng lều cho con trọ học” - thầy Đạo kể.

Tại lán trại phía cuối, 4 - 5 học sinh đang tụm đầu vào nhau để ôn tập môn toán. Các bạn bàn với nhau về cách làm những bài toán rồi cùng nhau thử giải bài tập xem kết quả như thế nào. Bạn Giàng Seo Thắng (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Hưng Đạo) được các bạn trong nhóm nhờ cậy rất nhiều vì học khá môn toán nhất. “Tụi mình tranh thủ học mấy ngày nữa rồi sẽ về nhà chuẩn bị bắt xe buýt lên TP Buôn Ma Thuột thi” - Thắng nói.

Nhà ở thôn Yang Hanh (xã Cư San, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) cách trường hơn 30 cây số nên bảy năm nay (từ khi học THCS) Thắng ra ở trọ tại lán trại để học tập nhằm thực hiện ước mơ thành kỹ sư nông lâm. Bố mất, hai em còn nhỏ nên hơn 1,4ha hoa màu của gia đình đều do một tay người mẹ ốm yếu của bạn đảm đương. Sau một tuần học tập, Thắng lại về nhà đi làm cỏ, bẻ bắp, vác cây giúp mẹ, chiều chủ nhật lại xách một bó củi, một bịch gạo, rau, muối ra lều trọ học.

Thầy cho trò mượn đất dựng lán

Một thầy giáo cho các học sinh mượn đất dựng lán trại gần trường chia sẻ phần lớn học sinh đều có nhà rất xa trường, đường đi khó khăn, phải băng qua nhiều suối, mùa mưa thường bị chia cắt. Vì vậy, nhiều hộ dân tại đây cho gia đình các em mượn đất dựng lán trại để các em có nơi trú nắng, che mưa mà học tập. “Cuộc sống vất vả, nghèo khó nhưng các em rất chăm chỉ học tập, tuy việc theo kiến thức chung với các bạn khác có phần khó khăn hơn” - giáo viên này nói.

Cũng theo giáo viên này, phần lớn học sinh tại các bản làng vùng sâu vùng xa thường chỉ học hết lớp 9 (nữ) hoặc hết lớp 10, 11 (nam) là ở nhà lập gia đình, sinh con. Việc vận động các em ở lại trường học tập là khá gian nan. Vì thế, với những học sinh vượt khó khăn, quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để thay đổi nhận thức của gia đình, làng xóm là rất đáng quý trọng.

“Thanh niên trong làng chỉ 16 - 17 tuổi là ở nhà lấy vợ, sinh con và làm nương rẫy. Nhiều người cũng bảo tụi mình đi học làm chi cho tốn tiền bạc, công sức. Khi bố mình còn sống cũng khuyên mình ở nhà lấy vợ, sinh con và làm nương rẫy kiếm tiền, không nên đi học. Mình đã thuyết phục bố rất nhiều và ông đã đồng ý cho mình đi học. Mình phải học để thay đổi suy nghĩ đó, học để không bị tụt hậu, để biết nhiều thứ hơn bên ngoài cái làng của mình” - Giàng Seo Thắng quả quyết.

Còn Giàng Seo Bằng (lớp 12A1) trú thôn 7, xã Cư San, cho biết năm nay bạn đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. “Lực học của mình không bằng các bạn nên cứ thi đậu tốt nghiệp trước đã. Nhà xa, ở nhà không có ai học cùng nên mình lại ra lán trại trọ để học cùng các bạn. Đậu được tốt nghiệp, mình sẽ đăng ký đi học nghề bảo vệ thực vật hoặc sang năm sẽ thi đại học” - Bằng thật thà chia sẻ.

“Bồi dưỡng” mùa thi bằng rau rừng

Hai anh em bạn Giàng Sèo Phử cùng ở thôn Yang Hanh (xã Cư San, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) cũng đang gấp rút ôn thi những ngày cuối ở lán trại này. Nhà không có đất, bố mẹ Phử phải đến tỉnh Đắk Nông nhận khoán rừng trồng để chăm sóc. Hai anh em Phử mỗi tháng nhận 1-1,5 triệu đồng của gia đình để học tập, sinh hoạt. Thiếu tiền, thiếu thức ăn, ngoài giờ học Phử và nhiều bạn học thi nơi đây vào rừng tìm rau, măng, đi mò cua, câu cá để cải thiện bữa ăn.

“Năm nay mình đăng ký thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân 2 (TP.HCM). Mình đã đậu sơ tuyển rồi, phải cố ôn để thi được điểm cao, để được đi học. Nếu đậu, gia đình mình sẽ không tốn chi phí học tập, hơn nữa mình lại rất thích làm công an” - Phử chia sẻ.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp