01/04/2016 12:35 GMT+7

Đứng lên từ đổ nát

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TTO - Mấy ai biết rằng khởi điểm của Nhà máy đóng tàu Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) chỉ là hai con tàu rách nát của Panama bị chế độ cũ bắt giữ vì... buôn lậu.

Hai con tàu cũ nát của Panama, đậu tại cảng Sông Hàn, được Nhà máy đóng tàu Sông Thu sửa chữa và đưa vào sử dụng trong thời điểm hết sức khó khăn sau ngày giải phóng 
- Ảnh tư liệu
Hai con tàu cũ nát của Panama, đậu tại cảng Sông Hàn, được Nhà máy đóng tàu Sông Thu sửa chữa và đưa vào sử dụng trong thời điểm hết sức khó khăn sau ngày giải phóng - Ảnh tư liệu

Từ hai con tàu buôn lậu...

59 tuổi, nhưng đã có đến 36 năm gắn bó với Nhà máy đóng tàu Sông Thu, phó tổng giám đốc Dương Quốc Việt có thể đọc vanh vách “lý lịch” xưa cũ của nhà máy nơi ông đã nhiều năm “sống chết”. Ông Việt bảo: “Công việc đến với mình như cái nghiệp, cái duyên mà chẳng ai ngờ đến!”.

Bên chén chè vối xanh, tại tổng hành dinh của nhà máy mới nằm bên vịnh Mân Quang, ông nhớ lại ngày trước khi quân giải phóng vào tiếp quản Đà Nẵng, nhà của ông nằm trên đường Bạch Đằng, đối diện với dòng sông Hàn (nay là trụ sở của Hải quan Đà Nẵng).

Ngày ấy cứ chiều chiều ông lại cùng lũ bạn hay ra bờ sông Hàn để tắm. “Chúng tôi nghịch lắm, thường leo lên hai con tàu đang neo đậu ở cầu cảng số 9 rồi cùng nhau nhảy ùm xuống sông.

Hồi đó sông Hàn có đến 11 cầu cảng. Tôi còn nhớ hai con tàu này tên là Geranland và Strantra, quốc tịch Panama, sản xuất từ năm 1954. Cả hai tàu này bị hải quan phía Việt Nam cộng hòa bắt giữ vì buôn lậu” - ông Việt nhớ lại.

Những ngày sau giải phóng, chính quyền Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định vứt bỏ hai con tàu này bằng cách kéo ra biển nhấn chìm hoặc “xẻ thịt” lấy phế liệu.

Hay tin này, tháng 3-1976, thiếu tướng Nguyễn Chánh (lúc bấy giờ là phó tư lệnh Quân khu 5) ra lệnh phải thành lập nhanh tổ cơ khí sửa chữa để kịp sửa lại hai con tàu này. Ngay lập tức cơ sở cơ khí sửa chữa tàu biển ra đời.

Ông Việt nhớ lại tài sản của cơ sở đóng tàu khai sơ ngày ấy chỉ gồm 12 chiếc vỏ tàu gỗ đánh bắt hải sản, 15 sà lan vỏ thép loại 500 tấn, 2 vỏ sắt lắp máy Makita (Nhật Bản)...

Để sửa chữa hai con tàu rách nát ấy, hàng loạt thiết bị thô sơ sót lại trong các kho quân sự được huy động như: máy mài trục cơ, máy tiện, máy hàn, máy doa, máy cưa... cùng 3.000 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được ở khu An Đồn dùng chi trả lương cho cán bộ nhân viên.

Ông Việt bồi hồi nhớ lại cái tên “mụ” ngày ấy của Sông Thu (bây giờ) là “Tổ hợp cơ khí Đồng Tiến” - một tổ hợp quy tụ những tay thợ giỏi tư nhân từ hàn, gò, tiện, máy... cùng “đồng lòng - tiến lên”.

“Việc khó nhất là kéo hai con tàu 600 tấn này lên đà để sửa trong khi không có thiết bị chuyên dụng. Chúng tôi dùng ống thép đổ bêtông vào bên trong làm con lăn.

Bãi sửa chữa ngay đầu cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), bên sông Hàn, khi đó là một bãi mìn trên nền sình lầy. Anh em phải lót thép tấm xuống cát dưới chân cầu làm nền. Lợi dụng nước thủy triều lúc lớn nhất rồi dùng hai xe đầu kéo loại Reo 10 và Reo 7 kéo từng con tàu lên bãi cạn” - ông Việt nhớ lại.

Để có được một xưởng cơ khí đúng nghĩa, những vật tư cũ nát trong kho An Đồn và trong nhân dân đã được huy động. Tất cả có 2.000 tấm thép 30 li, 5.000 cây cọc rào ấp chiến lược, 70 tấn dầm chữ I, L, U được lắp đặt để sửa hai con tàu.

Ngày sửa chữa có cả thiếu tướng Nguyễn Chánh và đại tá Võ Thành Vĩnh - cục trưởng Cục Hậu cần - đến thăm và động viên xưởng phải sửa chữa ngay hai con tàu này để phục vụ việc xây dựng các công trình quốc phòng và các tuyến phòng thủ trên khắp các đảo ở địa bàn Quân khu 5.

Không thể dựng con tàu trên bãi sình lầy đầy mìn để sửa chữa, việc thiết kế một ụ nổi để đóng tàu gần như là câu chuyện nan giải lúc bấy giờ.

“Chúng tôi phải dùng bốn sà lan chiến lợi phẩm liên kết lại tạo thành một khối nổi. Khi ấy điện không đủ nên phải dùng thêm hai cụm máy Praga - Diezen của Tiệp Khắc để phòng khi mất điện đột ngột” - ông Việt kể.

Gần một năm miệt mài sửa chữa, con tàu thứ nhất hoàn thành và sau đó được đặt tên là “tàu 19-5” lấy theo ngày sinh nhật Bác Hồ. Con tàu thứ hai được lấy tên “tàu 22-12” để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà máy đóng tàu Sông Thu ngày nay với nơi cho ra lò những con tàu hiện đại, tàu CSB-8002 là một trong số những con tàu đó - Ảnh: Đăng Nam
Nhà máy đóng tàu Sông Thu ngày nay với nơi cho ra lò những con tàu hiện đại, tàu CSB-8002 là một trong số những con tàu đó - Ảnh: Đăng Nam

... đến số 1 về đóng tàu kéo

Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của TP Đà Nẵng về phát triển đô thị vào những năm 2000, chính quyền TP buộc Tổng công ty Sông Thu phải di dời khẩn cấp nhà máy khỏi địa bàn để quy hoạch lại đô thị.

Đại tá Hà Sơn Hải, tổng giám đốc Công ty đóng tàu Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), kể rằng ông và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lúc ấy đã gặp nhau rất nhiều lần, trong đó không ít lần tranh cãi nảy lửa về chuyện “đi” hay “ở” của Sông Thu.

“Để di dời nhà máy, cần có hàng trăm tỉ đồng. Đó là một áp lực rất lớn, không dễ. Trong khi đó anh Thanh lại bảo rằng: “Nếu các anh không di dời, khi cầu Rồng đi vào phần hoàn tất thì các tàu không thể ra vào được nữa đâu. Trước sau gì các anh cũng phải đi". Nhưng trong cái rủi, cái áp lực đó lại gặp nhiều cái may” - ông Hải nói.

Để di chuyển toàn bộ nhà máy từ chân cầu Nguyễn Văn Trỗi qua khu vực vịnh Mân Quang (Thọ Quang, Sơn Trà), ông Hải cam kết với ông Thanh sẽ di dời nhưng với điều kiện Đà Nẵng phải cho ông vay ngay 100 tỉ đồng.

“Việc “móc túi” của ông Thanh 100 tỉ đồng lúc đó không dễ nhưng vì việc lớn và được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã thành công” - ông Hải nói.

Ngay thời điểm di dời nhà máy cũng là lúc những người Hà Lan đang săn lùng một đối tác cho việc mở rộng công cuộc đóng tàu của họ tại Việt Nam.

Việc đóng tàu cho Damen - Hà Lan không dễ bởi tiêu chuẩn khắt khe và những đòi hỏi quá cao lúc này khiến mọi thứ gần như hụt hơi.

“Chúng tôi quyết định vay của họ 7,5 triệu euro để xây dựng nhà máy đi thẳng lên hiện đại. Và chiếc máy cắt CNC đầu tiên được mua về để có thể cắt sắt thẳng từ máy tính ra sản phẩm mà không thông qua mô hình là bước khởi đầu” - ông Hải kể lại.

Công cuộc đóng mới và xuất khẩu tàu lớp ASD - 2411 với công nghệ của Damen chính thức khởi sắc từ đây.

Bốn con tàu đầu tiên xuất khẩu mang lại cảm hứng mạnh mẽ và tự tin cho những người kỹ sư Sông Thu.

Hơn 10 năm từ một nhà máy đóng tàu tạm bợ bên sông Hàn, giờ đây họ đã xuất khẩu hơn 50 con tàu ASD - 2411 sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Dương Quốc Việt, phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật công ty, cho biết: “Theo đánh giá của các chuyên gia Hà Lan, trong hàng loạt nhà máy Damen ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam... thì riêng lớp tàu đầu kéo đóng tại Nhà máy Sông Thu - Việt Nam được đánh giá là hoàn hảo nhất hiện nay so với các nước khác. Nhưng tàu ASD - 2411 chỉ là một phần của dự án. Mọi thứ chưa dừng lại ở lớp tàu này...”.

_________

Kỳ tới: Con tàu cũ, nhiệm vụ mới

Ít ai biết rằng ngay sau khi sửa chữa thành công, ít lâu sau chính những con tàu này đã rẽ sóng Biển Đông để bảo vệ đảo Đá Thị ở Trường Sa năm 1988.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp