09/12/2015 10:47 GMT+7

​Đừng làm “nô bộc” của con

NGUYỆT HẢI
NGUYỆT HẢI

TT - Khi đọc bài “Cha mẹ hãy biết đòi hỏi con nhiều hơn” của bạn D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ ngày 15-7-2015), tôi nhận ra cảnh yêu thương lạc lối, bù đắp sai lầm của nhiều bậc cha mẹ đang diễn ra nhan nhản.

Biết tự phục vụ chính bản thân mình là điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần dạy con - Ảnh: Quân Nam
Các bậc cha mẹ đang tạo ra sự vô tâm đến vô cảm ở con cái, đôi khi chỉ từ việc đáp ứng mọi đòi hỏi của con!

Ngay ở nhà tôi, anh chị tôi cũng đang nuôi dưỡng, tiếp tay cho thói ích kỷ của con...

Ngay khi cháu tôi còn nhỏ, bữa cơm nào cũng vậy, anh trai và chị dâu cứ đánh vật với việc thúc ép cho đứa cháu ăn. Vợ bón cơm, chồng thì vỗ tay, bày trò, nhảy múa đủ kiểu, có khi còn làm trâu để con cưỡi thì con mới chịu ăn. Nhiều lúc anh chị còn yêu cầu cả ông bà vào cuộc, chỉ mong cháu ăn được thật nhiều.

Để ý, mỗi khi có món ăn ngon như quà biếu, đồ ăn, bánh trái, anh chị lại dành phần con đầu tiên. Cháu ăn chán chê thì mới đến phần ông bà với bố mẹ. Vì được cưng, ưu tiên số 1 nên thành lệ cháu làm tới, chưa cần mời chào ai cháu đã ngấu nghiến ăn, tranh giành phần. Chuyện ấy diễn ra kể cả khi nhà có khách, nhưng anh chị vẫn mặc kệ, cho rằng con còn nhỏ nên tham ăn là lẽ thường, với lại người lớn chấp gì trẻ con.

Tất cả mọi yêu cầu của cháu đều được đáp ứng. Ngay cả buổi trưa, con đòi đồ chơi, anh trai tôi cũng sẵn sàng đi mua. Có hôm gần 12g đêm, con mè nheo ăn cháo trai, anh lại đi mua, về nhà cháu lại “con không thích ăn cháo nữa”. Hầu như lần nào con đòi hỏi, anh chị đều đáp ứng vô điều kiện. Con hư cãi lời ông bà, mè nheo bố mẹ, anh chị đều “hòa cả làng”, không nhắc nhở, răn dạy con, để con thỏa sức thích làm gì thì làm.

Tôi có góp ý: “Anh chị đừng chiều cháu quá, đâm hư đấy”. Anh tôi phẩy tay: “Ôi dào, sau này cô đi lấy chồng, có con rồi khắc biết, không thương con thì thương ai?”. Nhưng cái kiểu cứ có miếng ngon, anh chị cho con thưởng thức đầu tiên, không dạy con biết mời ông bà và bố mẹ trước rồi mới được ăn cho có phép tắc, vô tình khiến cho đứa trẻ không biết kính trên nhường dưới.

Vì tâm lý con còn nhỏ nên luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt. Mọi sự quan tâm của cả nhà đều dồn vào cháu. Những lợi ích của ông bà cho đến cha mẹ đều phải xếp sau. Lâu dần cháu tôi lớn lên chỉ biết ích kỷ, đòi hỏi vô điều kiện, chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”.

Mỗi khi cháu nhại lại lời của ông hoặc bà, anh chị không những không đe nẹt, răn con mà còn cười xòa, thích thú: “Cu Bin của mẹ giỏi quá, bắt chước lời ông giỏi quá cơ”. Lần khác thì: “Con ai mà thông minh thế?”. Anh chị tôi quên nhắc con mời ông bà trước bữa cơm, thậm chí còn giục: “Ăn nhanh lên con, ăn nhiều vào cho khỏe còn học”.

Cứ như vậy, cháu tôi nghiễm nhiên là số 1, còn ông bà và bố mẹ chỉ xếp thứ hai, thứ ba. Giờ, thi thoảng chị dâu cứ than thở con thờ ơ, ích kỷ, không biết thương bố mẹ dù đã 17 tuổi rồi (dù được bố mẹ cung phụng, chăm sóc như vua con). Nhưng chị lại không nhận ra rằng với cách yêu thương con của anh chị vô tình đang nuôi dưỡng tính ích kỷ của con.

Không thể cái gì cũng dồn hết cho con

Cứ hướng về con quá nhiều, vô tình cha mẹ đang đẩy con vào thế không biết quan tâm trở lại, không biết cho đi, không biết sự khó nhọc của cha mẹ, không biết được công lao của ông bà. Lâu dần, bọn trẻ lớn lên sẽ chai lỳ, chai sạn cảm xúc. Cha mẹ không thể cái gì cũng dồn hết cho con, bởi vô tình biến mình thành “nô bộc” chỉ biết phục vụ con thôi.

Hãy biết dừng sự đáp ứng vô điều kiện, hãy đừng cái gì cũng xếp sau mọi lợi ích, yêu cầu của con. Đừng để đến khi con vô tâm, ích kỷ thì cha mẹ lại quay ra than thở, trách móc và hỏi tại sao lại như thế...

NGUYỆT HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp