PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, phát biểu bên lề hội thảo Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai, diễn ra trong hai ngày 20, 21-10 tại Hà Nội.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Monsoon Music Festival 2023 - Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách dành cho văn hóa nghệ thuật, tổ chức sự kiện âm nhạc, xu hướng âm nhạc, phân phối và quảng bá các sản phẩm âm nhạc…
Cơ chế chính sách ở nước ta đang có nhiều thách thức
Bà Phương dẫn trường hợp Monsoon - một lễ hội âm nhạc có thương hiệu, có nhiều đóng góp vào nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, và cho biết lễ hội được cấp phép rất sát ngày.
Theo bà Phương, chính quyền nên tạo điều kiện thuận lợi như cấp phép sớm hơn, đồng thuận hoặc xem xét kế hoạch của đơn vị tổ chức sự kiện sớm hơn. Nếu có chỗ nào trong vấn đề thủ tục chưa phù hợp thì hỗ trợ, giải thích giúp họ để họ điều chỉnh sớm.
"Nếu bị chậm hoặc lỡ nhịp, ảnh hưởng đến kế hoạch, dễ khiến những nhà sản xuất, những đơn vị tổ chức nản lòng", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói với Tuổi Trẻ Online.
Bà Phạm Minh Hồng (quản lý nghệ thuật, Hội đồng Anh) chia sẻ ở Anh, công nghiệp văn hóa đã phát triển 30 năm nay. Họ có nhiều chính sách để phát triển nền công nghiệp này.
Bà Hồng ví dụ: Họ tạo ra những tổ chức làm cánh tay nối dài của chính phủ, chẳng hạn Hội đồng Anh. Trong mọi quyết định xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa, những nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo luôn là đối tượng trung tâm. Nghệ sĩ được quyền tham gia vào việc tư vấn, đưa ra nhu cầu lẫn khả năng đóng góp của họ… vào nền công nghiệp đó.
Bà cũng cho biết những doanh nghiệp/cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa sẽ được giảm thuế. Anh cũng có những chính sách ưu tiên đối với những lĩnh vực đang phát triển như điện ảnh, game, phim hoạt hình… Ở Anh, họ không đánh thuế với nghệ sĩ độc lập.
Theo chị Thảo Nghiêm (đồng sáng lập, giám đốc điều hành The OMAs, giải thưởng âm nhạc thường niên được tổ chức tại Durham Region, Canada), thì phần lớn những lễ hội âm nhạc ở Canada được hỗ trợ từ chính phủ hoặc từ thành phố.
Những đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư nhân ăn nên làm ra luôn dành một khoản thu nhập để phát triển văn hóa hoặc xây dựng cộng đồng. "Tôi hy vọng có thể thấy điều này tại Việt Nam trong tương lai", Thảo Nghiêm nói.
Nghệ sĩ Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp xu hướng
Cũng theo các diễn giả, nghệ sĩ Việt Nam cần học cách thay đổi để bắt kịp xu hướng.
Nghệ sĩ trẻ Tuimi chia sẻ so với 5 năm trước, mạng xã hội cũng như các nền tảng xã hội giờ đây giúp nghệ sĩ gửi tác phẩm của họ đến đúng đối tượng khán giả của mình hơn rất nhiều. Ngoài năng lực chuyên môn, nghệ sĩ cũng phải học cách tự truyền thông, quảng bá bản thân.
Anh An Đặng (Believe Việt Nam) tiết lộ muốn làm việc với các nền tảng quốc tế, nghệ sĩ Việt Nam phải tuân theo quy luật của họ. Họ có một quy trình rất rõ ràng và cụ thể, từ việc đưa demo, thời gian, gửi nốt nhạc… Khi gửi bài, nghệ sĩ nên đưa những ca khúc mà mình tâm đắc lên trước.
Anh Roland (đại diện MIXUS) lưu ý có những sản phẩm tung ra từ 2-3 năm trước nhưng lại được "viral" trở lại trên TikTok, YouTube… nhờ một nghệ sĩ nào đó cover hoặc mix, gây sốt trên mạng xã hội. Nghệ sĩ, nhà phân phối cũng phải "bắt sóng", tận dụng cơ hội để quảng bá.
An Đặng nói thêm nghệ sĩ hoặc nhà phân phối cũng phải quan tâm tới thị hiếu. Ví dụ ở khu vực phía Nam, khán giả nghe nhiều nhạc bolero; ở ngoài Bắc nghe nhạc đỏ hoặc dân ca nhiều hơn.
Theo An Đặng, việc theo dõi dữ liệu khách hàng sẽ giúp nghệ sĩ biết khán giả của mình ở đâu, để đẩy mạnh công cụ nhằm tiếp cận và quảng bá.
Nguyễn Thanh Phước (Tomato - đơn vị chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc) cho rằng mỗi dòng nhạc, mỗi sản phẩm trong cùng một dòng nhạc thì cách tiếp cận và quảng bá cũng khác nhau. Nghệ sĩ cũng nên lưu ý điểm này để có những bước đi phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận