Theo ông Nguyễn Thành Long - phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chính ông đã nghe doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ảnh mỗi năm phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhau, làm mất thời gian của doanh nghiệp.
Cụ thể, Công ty TNHH Sang Fang Việt Nam (100% vốn Đài Loan, Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân A2, Tân Thành) phản ảnh đã phải tiếp 10 đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm 2014.
Sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chấn chỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngoài thanh tra, kiểm tra về thuế là phải làm, còn các ngành khác khi thanh tra phải có kế hoạch gửi về cho cơ quan chủ quản để rà soát, xem xét, sắp xếp nhằm tránh cho doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đoàn.
Theo đó, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm phải được gửi về ban quản lý các KCN hay sở chuyên ngành để sắp xếp, hoặc có thể gộp nhiều thành phần làm một đoàn cho hợp lý.
Từ năm 2016 trở đi, vào ngày 15-11 hằng năm, các sở ngành, địa phương liên quan phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra gửi về các đầu mối để lên kế hoạch thanh tra liên ngành, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Cũng sau khi nhận được phản ảnh của Công ty Sang Fang, Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp các ngành chức năng và thống kê được trong năm 2015 dự kiến có tổng cộng 150 đoàn thanh tra các doanh nghiệp trong các KCN.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các ngành chức năng đã thống nhất sẽ giảm xuống còn 73 đoàn thanh tra, trong đó 61 đoàn do Ban quản lý các KCN chủ trì và 12 đoàn do Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì. “Các doanh nghiệp FDI đến VN đầu tư, chưa nắm vững pháp luật VN, lại bất đồng ngôn ngữ.
Do đó, chính quyền và ngành chức năng phải hướng dẫn, giúp đỡ họ hoàn thiện. Mục đích cuối cùng của thanh tra, kiểm tra là nhắc nhở, tạo điều kiện phát triển chứ không gây phiền hà cho doanh nghiệp” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, từ cuối năm 2014 tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phản ảnh những khó khăn hay bị gây phiền hà, tỉnh sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại theo định kỳ.
Tại các buổi đối thoại, doanh nghiệp có thể phản ảnh ngay từng vấn đề cụ thể. Ngoài ra, nếu thấy bức xúc, doanh nghiệp có thể phản ảnh qua đường dây nóng của các sở, ngành hay bằng văn bản để UBND tỉnh chấn chỉnh kịp thời.
Ông Long cho biết sau những buổi đối thoại được địa phương này tổ chức thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao tinh thần lắng nghe và giải quyết rốt ráo khó khăn của các cơ quan chức năng địa phương.
“Tôi khẳng định môi trường đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu đang được cải thiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và sát sườn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm làm ăn, phát triển kinh doanh” - ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận