Phóng to |
Từ ngày 1-11, một số vật tư y tế dùng trong phẫu thuật tim mạch có thể tái sử dụng - Ảnh: T.T.D. |
Liệu có nguy cơ lây nhiễm chéo và mất công bằng trong sử dụng dịch vụ khi người dùng vật tư y tế mới tinh, người thì tái sử dụng?
Lo lắng ở khâu tiệt trùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Y tế cho biết điểm mới của quy định là bổ sung một loạt vật tư y tế phục vụ dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, vật liệu thay thế phục vụ cấy ghép nhân tạo, các bộ dụng cụ phục vụ can thiệp tim mạch... Đặc biệt, thông tư cũng cho phép bệnh viện và cơ quan bảo hiểm tính toán mức phí với các loại vật tư y tế có khả năng tái sử dụng, gồm cả những vật tư chi phí cao, được sử dụng trong can thiệp tim mạch hoặc ống dẫn ống thông đắt tiền, ở nước ngoài thường dùng một lần (hoặc nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng một lần), nhưng VN thường tái sử dụng.
Với quy định này, Bộ Y tế đã “phép quy hóa” việc tái sử dụng một số loại vật tư y tế vốn có khuyến cáo của nhà sản xuất là “chỉ sử dụng một lần”.
Ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), đánh giá: “Đây là chủ trương đúng nhưng cần phải tổ chức tốt, vận hành tốt ở khâu tiệt trùng, chống lây nhiễm chéo”. Ông Hùng nói do nước ngoài dịch vụ y tế có giá rất cao, ở VN không thể bì được. Ví dụ một quả bóng nong van tim giá 400 USD (hơn 8 triệu đồng) chỉ dùng một lần rồi bỏ, nếu ở VN mà cũng yêu cầu khắt khe như vậy sẽ có nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận vật tư kỹ thuật cao.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thúy Vinh - phó giám đốc Bệnh viện E T.Ư, hiện trong kỹ thuật nội soi nếu không đảm bảo tiệt trùng đầu nội soi có thể dẫn đến lây nhiễm chéo hai bệnh viêm gan siêu vi B và HIV. Bà Vinh cho rằng nguy cơ nhiều nhất là ở nhóm phòng khám tư có dịch vụ nội soi, sau khi sử dụng dịch vụ thường chỉ ngâm thiết bị trong ống dung dịch tiệt trùng, trong khi nếu không cọ rửa kỹ trước khi ngâm thì không đảm bảo tiệt trùng. Nhất là trong tình huống không bảo đảm 100% người bệnh được sàng lọc phát hiện bệnh trước khi được nội soi. Tại Viện Tim mạch quốc gia, một chuyên gia cho rằng các thiết bị tái sử dụng đang được ngâm theo công nghệ cũ chưa đảm bảo tiệt trùng.
Chi trả thế nào để công bằng?
Khi xây dựng thông tư hướng dẫn danh mục vật tư y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết đã có những ý kiến phản đối việc cho phép sử dụng lại vật tư y tế, nhưng Bộ Y tế đã có phần “nhún” với cơ quan bảo hiểm và cho phép cơ chế bảo hiểm và bệnh viện cùng bàn bạc về việc chi trả, số lần tái sử dụng vật tư... Theo chuyên gia này, nếu không có phương án chi trả phù hợp sẽ xuất hiện sự mất công bằng, ai cũng muốn dùng thiết bị y tế mới tinh chứ không chấp nhận vẫn phải trả tiền “đồng giá” mà phải... dùng đồ cũ. Nhất là trong điều kiện vật tư tái sử dụng chưa đảm bảo tiệt trùng hoặc không đảm bảo tính chính xác.
Còn theo ông Dương Đức Hùng, nên tính toán theo hướng người bệnh chọn dùng vật tư mới sẽ phải chi trả 2/3 giá loại vật tư, người thứ hai tái sử dụng sẽ chi trả 1/2 của phần còn lại, cứ như thế tính cho đến người cuối cùng, không nên cào bằng về giá giữa người dùng vật tư đầu tiên và những người kế tiếp.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), năm 2013 dự kiến quỹ bảo hiểm y tế vẫn đủ đảm bảo cân bằng thu chi, phần kết dư từ năm 2010-2012 khoảng 12.000 tỉ đồng vẫn được bảo toàn. Giữ quỹ nhưng phải đảm bảo công bằng, an toàn và khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, nhất là trong điều kiện viện phí lại sắp tăng là điều cần tiếp tục phải bàn.
Thanh toán mức giá trung bình với các vật tư có nhiều chủng loại Một điểm mới khác của hướng dẫn về danh mục vật tư y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, đó là kể từ ngày 1-11 quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi nhiều mức giá khác nhau, như thủy tinh thể nhân tạo trước đây thanh toán theo loại sản phẩm sử dụng, nay chỉ thanh toán loại có giá trung bình, nếu người bệnh sử dụng sản phẩm cao cấp hơn sẽ phải chi trả phần chênh lệch giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận