20/09/2020 06:30 GMT+7

Dùng kiểu ngoại giao bề trên, Trung Quốc đang mất các đối tác châu Âu

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Hi vọng của Bắc Kinh dùng châu Âu để đối trọng với Mỹ ngày càng tan biến khi lần lượt từng quốc gia đứng ra đối mặt với Trung Quốc trong nhiều vấn đề từ thương mại, nhân quyền cho đến Hong Kong.

Dùng kiểu ngoại giao bề trên, Trung Quốc đang mất các đối tác châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình (ngồi giữa) họp trực tuyến với các lãnh đạo EU ngày 14-9 - Ảnh: AP

Sau khi lên tiếng đe dọa một nhà lập pháp cao cấp người Czech vì thăm Đài Loan hồi đầu tháng 9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận lại một lá thư chẳng mấy lịch sự, nhưng nó diễn tả được uy tín của Trung Quốc ở châu Âu đã rớt thê thảm ra sao, báo New York Times tường thuật.

Trong lá thư, ông Pavel Novotny - nghị sĩ kiêm thị trưởng quận ở Prague (CH Czech) - nhận xét cách đe dọa của nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là "trơ tráo, thiếu suy nghĩ, thô lỗ" và yêu cầu phải xin lỗi. "Ông nên cảm thấy xấu hổ", tác giả viết.

Sự bùng nổ đó không phải cá biệt. 

Hết quốc gia này đến quốc gia khác, Trung Quốc đang đối mặt với cơn giận ngày càng tăng vì cách hành xử và chính sách đối ngoại khiêu khích. Đây là một bước lùi lớn vì Bắc Kinh luôn xem châu Âu là một đối tác thực dụng có thể đối trọng được với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ.

Rạn nứt ngày càng lớn

Sự thất vọng của châu Âu với Trung Quốc lên đỉnh điểm trong năm nay khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Thái độ che đậy sai lầm và chiêu bài "ngoại giao khẩu trang" thất bại của Bắc Kinh khiến dư luận nhiều nước châu Âu chán ghét, đặc biệt ở Hà Lan và Tây Ban Nha - hai nước mua phải đồ y tế dỏm của Trung Quốc.

Sau lần này, nhiều người càng tin rằng Trung Quốc về cơ bản xung khắc với các giá trị của châu Âu, mặc cho Bắc Kinh luôn miệng hứa "hợp tác hoà bình". Chưa hết, gáo nước lạnh tiếp theo hất vào châu Âu là Luật an ninh Hong Kong.

"Thật khó để họ truyền tải thông điệp hợp tác, yên bình và xã hội hài hoà khi cùng lúc anh chứng kiến các nữ sinh bị cảnh sát Hong Kong đánh đập", bà Janka Oertel - giám đốc Chương trình châu Á của Hội đồng châu Âu về đối ngoại, nhắc đến đoạn video lan truyền gần đây trên mạng.

Cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 14-9 đã kết thúc mà không mấy kết quả, ngược lại càng bộc lộ thêm những bất đồng sâu sắc giữa hai bên tồn tại từ lâu nay.

Châu Âu chỉ trích Trung Quốc trì hoãn lời hứa chống biến đổi khí hậu; lên án hành động đàn áp ở Hong Kong và Tân Cương. Họ nhắc lại vụ Bắc Kinh bắt giữ một chủ hiệu sách người Thụy Điển và 2 công dân Canada để trả đũa vụ án dẫn độ giám đốc tài chính Huawei, rồi hành động đơn phương uy hiếp ở Biển Đông...

"Những khác biệt lớn tồn tại, và chúng ta sẽ không che giấu chúng. Châu Âu phải là bên tham gia, không phải sân chơi", ông Charles Michel - chủ tịch Hội đồng châu Âu, phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo Trung Quốc.

Châu Âu chưa làm căng như chính quyền Tổng thống Donald Trump là phá bỏ hàng chục năm tương tác chính trị, kinh tế và xã hội với Trung Quốc, chuẩn bị cho "một kỷ nguyên đối đầu" bất kể ai thắng cử tháng 11 này, nhưng nhiều nước đã "bật" lại Trung Quốc vì cùng những lý do như Mỹ.

Vài nước như Anh, Pháp và Slovenia đã nối gót Mỹ hạn chế đầu tư của tập đoàn viễn thông Huawei, số khác thì đang cân nhắc. 

Ý - nước mới tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường" năm ngoái - thì thông qua nghị quyết ủng hộ người biểu tình Hong Kong và phản đối luật an ninh của Trung Quốc.

Thậm chí Đức, nước giao thương với Trung Quốc nhiều nhất, đã bắn tín hiệu mất kiên nhẫn. Thủ tướng Angela Merkel là một trong số ít các nhà lãnh đạo châu Âu còn giữ thái độ hòa hoãn, dù thực tế bà chịu không ít áp lực khi chủ trương "không nhập nhằng kinh tế với chính trị" khi nói chuyện với Trung Quốc.

Mọi thứ đã thay đổi sau đại dịch, vậy mà Trung Quốc vẫn cứ dùng phương pháp ngoại giao cứng nhắc và bề trên kiểu đó"

Wu Qiang - nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh

Dùng kiểu ngoại giao bề trên, Trung Quốc đang mất các đối tác châu Âu - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio tiếp đón người đồng cấp Vương Nghị ở Rome ngày 25-8 - Ảnh: NYT

Đổ thêm dầu vào lửa

Tháng trước, mối căng thẳng Trung Quốc - EU không còn che giấu được nữa khi Ngoại trưởng Vương Nghị thăm 5 nước châu Âu gồm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức trước thềm thượng đỉnh 14-9. Chuyến đi mục đích là để hàn gắn, nhưng ông Vương gặp toàn những chỉ trích, và thậm chí ông còn đổ thêm dầu vào lửa.

Ở Na Uy, ông cảnh báo chủ nhà không được trao Nobel hòa bình cho người biểu tình Hong Kong (dù Ủy ban giải Nobel hoạt động độc lập với Chính phủ Na Uy). Ông dọa quan hệ 2 nước sẽ đóng băng lần nữa nếu điều này xảy ra, giống hồi năm 2010 khi nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được trao Nobel.

Ở Rome, Paris và Berlin, ông Vương đối mặt với những câu hỏi gai góc về luật an ninh Hong Kong, rằng tại sao Bắc Kinh lại vi phạm cam kết về quyền tự trị và dân chủ cho đặc khu này... Như mọi khi, ông nói đây là "chuyện nội bộ".

Nhưng đến phản hồi về Đài Loan thì nhà ngoại giao Trung Quốc chính thức đi quá xa. Chẳng là chủ tịch Thượng viện CH Czech đang dẫn đoàn doanh nghiệp thăm Đài Loan khi ông Vương công du châu Âu.

"Chính phủ và người dân Trung Quốc sẽ không bàng quan hoặc ngồi yên, ông ấy sẽ phải trả cái giá đắt vì hành động thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị", Ngoại trưởng Vương phát pháo.

Lời đe dọa này được đưa ra ngay trên lãnh thổ Đức. Trước đây, người châu Âu có thể phớt lờ nhưng trong bầu không khí ngày nay thì chỉ càng gây thêm giận dữ và tạo đoàn kết trong khối châu Âu. 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đứng ra bảo vệ người Czech, cảnh báo ông Vương Nghị rằng "lời đe dọa không phù hợp ở đây". Ngày tiếp theo, Đức công bố chiến lược mới can dự vào cuộc đấu địa chính trị liên quan đến hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đây không phải lần đầu tiên cung cách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc phản tác dụng.

"Mọi thứ đã thay đổi sau đại dịch, vậy mà họ vẫn cứ dùng phương pháp ngoại giao cứng nhắc và bề trên kiểu đó", nhà phân tích chính trị độc lập Wu Qiang ở Bắc Kinh nhận xét.

Theo một khảo sát công bố tuần trước của Hội đồng châu Âu về đối ngoại, chỉ có 7% dân châu Âu tin Trung Quốc là đồng minh trong cuộc chiến chống COVID-19; trong khi đến 62% có thái độ tiêu cực với quốc gia này.

"Ai nấy đều xa lánh nhưng họ có vẻ không muốn xuống nước. Thực ra họ càng làm tới", bà Lucrezia Poggetti, nhà phân tích của Viện Mercator ở Berlin, nhận xét về Trung Quốc.

Châu Âu cạn kiên nhẫn với Trung Quốc? Châu Âu cạn kiên nhẫn với Trung Quốc?

TTO - Hôm 16-9, bộ ngoại giao Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) đã gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, “quyền lịch sử” ở Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp