09/06/2019 08:04 GMT+7

Đừng khơi lại nỗi đau Ba Chúc

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
KHÔI NGUYÊN (An Giang)

TTO - Những ngày này, nhiều người ở huyện Tri Tôn (An Giang) lại nhắc về cuộc đời những người còn sống sót sau cuộc thảm sát đẫm máu ở thị trấn Ba Chúc vào tháng 4-1978. Họ đã sống phần đời còn lại để kể câu chuyện chân thật lịch sử biên giới.

Đừng khơi lại nỗi đau Ba Chúc - Ảnh 1.

Nơi trưng bày chứng tích tội ác diệt chủng của Pol Pot tại khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc - Ảnh: BỬU ĐẤU

Không ai thuộc lịch sử bằng chính các nạn nhân. Những chứng nhân lịch sử ấy đã gói lại hận thù, bước qua những mất mát đau thương đời mình. Cuộc đời họ là minh chứng không thể phủ nhận về lịch sử biên giới Tây Nam.

Bất kỳ lời lẽ nào liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot không đúng lịch sử đều khơi lại nỗi đau không chỉ của người dân Campuchia mà còn cả người dân Ba Chúc ở An Giang, Việt Nam. Đó là việc làm tàn nhẫn.

Nỗi đau người ở lại

Ngày tôi đi học đã được biết đến sự thật lịch sử này qua quyển sách mỏng (chỉ vỏn vẹn 37 trang) Chứng tích tội ác Pol Pot - nhà mồ Ba Chúc của tác giả Trần Văn Đông. Từng trang sách, những dòng chữ thấm vào lòng: 12 ngày chiếm đóng (từ 18 đến 29-4-1978), quân Pol Pot đã giết 3.157 dân thường ở thị trấn này. Nhiều người chạy tới nơi linh thiêng nhất (chùa Phi Lai, Tam Bửu) hay lên núi Tượng ẩn náu vẫn bị sát hại dã man. Chỉ ít người sống sót.

Ở giảng đường Trường đại học An Giang, chúng tôi được thầy cô chia sẻ những kỷ niệm buồn vui trải qua trong nghề đi dạy. Gây xúc động nhất với chúng tôi là câu chuyện: có những sinh viên về nhà đúng vào thời điểm cuộc thảm sát xảy ra, và họ đã không còn trên đời để quay lại giảng đường khi máu cùng thân thể hòa vào đất trong vụ thảm sát.

Năm 2013, tôi có dịp về thị trấn Ba Chúc, được xem phim tư liệu lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, tóm tắt chiến tranh biên giới Tây Nam, mặc niệm, dâng hương… Tôi đã gặp bà Hà Thị Nga, người đã chứng kiến khoảnh khắc chồng, sáu đứa con và bà con thân tộc lần lượt bị sát hại. Bản thân bà bị đánh đập, bị bắn, nhưng may mắn sống sót thần kỳ để trở thành một trong những người kể chuyện lịch sử.

Ai cũng có thể rơi nước mắt về cuộc đời đau khổ của bà nhưng sẽ càng thấy khâm phục cách nghĩ, cách sống của những con người đi qua đau thương tột cùng nơi vùng đất này. Mấy mươi năm, bà và nhiều nạn nhân của cuộc thảm sát đã kể lại với mọi người về câu chuyện lịch sử thật đau đớn họ trải qua.

Ở Ba Chúc còn nghe câu chuyện về tiếng sáo sầu thảm một thời ở núi Tượng của ông Ba Lê, người mất vợ con và người thân trong vụ thảm sát năm xưa và chuyện ông bước qua đau buồn để sống một đời hữu ích: làm thầy thuốc cứu người và tham gia quản lý di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc.

Và có câu chuyện về ông Bùi Văn Cừu khi vợ và 5 con là nạn nhân thảm sát, ông 5 lần trúng số độc đắc nhưng chọn cách chia sẻ số tiền cùng bà con, tặng tiền cho người nghèo chữa bệnh, trẻ nhà nghèo mua sách vở học hành… Ở Ba Chúc từng có hàng chục gia đình chỉ còn trẻ mồ côi khi cha mẹ bị giết chết, họ đã lớn lên, trưởng thành trong nghĩa tình làng xóm…

Minh chứng sự thật lịch sử

Có những nỗi đau dường như đã thành vĩnh cửu, nhắc lại để không lãng quên sự thật lịch sử. Cũng không phải để nuôi hận thù hay xới lại chuyện tang thương, mà để những người hôm nay hiểu đúng lịch sử, trân trọng không khí hòa bình.

Và những câu chuyện từ chính cuộc đời các nhân chứng, nạn nhân của một cuộc diệt chủng năm nào buộc những ai chưa thuộc lịch sử phải cẩn trọng lời nói, phải thừa nhận sự thật lịch sử…

Thế giới từng chứng kiến thảm họa hạt nhân trong chiến tranh khiến bao người vô tội sống và chết trong đau đớn. Hằng năm vào ngày tang thương ấy người ta đã đánh một hồi chuông dài để nhắc nhớ thời khắc đau buồn, vọng ước hòa bình. 

Mỗi năm, xem qua các thông tin, các thước phim phóng sự về lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm họa Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), tôi lại nhớ đến hình ảnh người dân Ba Chúc đã đối diện với quá khứ, dũng cảm vượt qua nỗi đau riêng để khiến cuộc sống người khác phải tốt đẹp hơn họ. Không ai thuộc lịch sử hơn các nạn nhân. Cái cách họ đã đi qua những thảm kịch đời mình để sống tốt cho mình, cho người, cho cuộc đời là sự thật đáng trân trọng nhất.

Cuộc đời của những chứng nhân lịch sử đã thắp lên khát vọng bình yên cho đời sau… Sự thật lịch sử từ những cuộc đời ấy dẫu có ai lý giải theo các quan điểm khác, vì mục đích riêng cũng không thể đổi khác.

Ba Chúc và sự thật lịch sử biên giới Tây Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-6, ông Phạm Minh Hiền - bí thư thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang - có ý kiến: "Sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot đã được cả thế giới biết đến và người dân Ba Chúc chịu đựng mất mát đớn đau quá lớn. Có đến Ba Chúc mới thấy được hết cảnh tang tóc, đau thương của nhân dân nơi đây. Đó là sự thật về lịch sử biên giới Tây Nam".

Từ ngày 18 đến 30-4-1978, chỉ trong 12 ngày đêm, tập đoàn diệt chủng Pol Pot đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở xã Ba Chúc.

Chính quyền và nhân dân Tri Tôn đã xây dựng nhà mồ Ba Chúc, lưu giữ 1.159 bộ hài cốt, minh chứng cho tội ác Pol Pot gây ra cho người dân Việt Nam. Năm 1980, nhà mồ Ba Chúc được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh An Giang cho đầu tư lại khu nhà mồ Ba Chúc là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, Phi Lai.

Ngày 7-5-2019, ông Nguyễn Thanh Bình, quyền chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đã thành lập đoàn đến khảo sát và nhận thấy nhà mồ Ba Chúc đã có phần xuống cấp. Tỉnh ủy - UBND tỉnh có chủ trương thuê đơn vị thiết kế lại nhà mồ Ba Chúc theo hướng khang trang, sáng sủa hơn.

BỬU ĐẤU

Sửa chữa nhà mồ Ba Chúc để phục vụ du lịch

TTO - Ngày 7-5, xung quanh thông tin 'dân bức xúc vì nhà mồ Ba Chúc có thể bị xóa' mà Tuổi Trẻ phản ánh, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết sửa chữa lại nhà mồ Ba Chúc khang trang, sạch, đẹp và không bàn đến việc hỏa táng hay thổ táng nữa.

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp