08/01/2013 07:41 GMT+7

Đừng khép lại tương lai một đứa trẻ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Một nữ sinh “tuyên ngôn” bừa trên Facebook (và đánh nhau trước đó - theo giải thích của ông hiệu trưởng) đã bị nhà trường buộc thôi học một năm, gửi trả về gia đình. Cánh cửa nặng nề đóng sập trước mặt đứa trẻ vừa mắc lỗi lầm.

Không thể phủ nhận nữ sinh này có lối hành xử bất thường, có phần ngỗ ngược. Song nhà trường - nơi truyền thụ kiến thức toàn diện cho học sinh - lẽ nào không chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình, cũng như chịu trách nhiệm về chính nhận thức của học trò?

Trách nhiệm giáo dục không chỉ thuộc về nhà trường, nhưng không đâu có thể thay nhà trường làm môi trường tập dượt để con người bộc lộ hết cái hay, cái dở. Nhà trường góp công chính trong uốn nắn, điều chỉnh học trò, giúp hình thành nên nhân cách tốt, vững vàng, tử tế. Trong trường hợp này, có cảm tưởng nhà trường lại cố giữ những lành lặn, sạch sẽ cho mình, như một lồng kính vô trùng, sáng bóng. Những người làm giáo dục lẽ nào không thấy bất an khi đẩy một học sinh còn chông chênh về suy nghĩ ra khỏi môi trường giáo dục có sự giám sát của thầy cô, điều chỉnh, học hỏi lẫn nhau của bạn bè mỗi ngày?

Nguyên tắc của giáo dục là phải tạo cơ hội sửa chữa. Sai phạm của một đứa trẻ đang ở tuổi cần đối thoại, cần khuyên răn một cách thuyết phục không thể giải quyết bằng cách cố đẩy nó ra khỏi môi trường giáo dục - dù có thời hạn một năm.

Tất nhiên, giáo dục không thể dung túng với cái sai, cái xấu, mà phải cảnh báo và xử lý. Thế nhưng, không thể khép lại tương lai của học sinh một cách đơn thuần và vô cảm. Còn nhớ cách đây vài năm, khi trường THPT chuyên một tỉnh phía Bắc thu tiền “quá tay”, phụ huynh viết bài đăng báo, một thầy giáo phẫn nộ đề xuất ban giám hiệu “đuổi thẳng cổ con bé ấy ra khỏi trường”. Trường kỷ niệm 40 năm thành lập đến nơi, chỉ vì ý kiến này mà bị thanh tra lên xuống. Nhưng rồi cô học sinh ấy may mắn vẫn được học tiếp khi giáo viên chủ nhiệm - người cũng bị nhà trường kỷ luật vì... lớp có vị phụ huynh dám nói thẳng - kiên quyết bảo vệ học trò: “Không có lý gì đuổi em ấy”.

Tương lai của một cô học trò có thể được bảo vệ bằng sự dũng cảm và thẳng thắn của một cô giáo chủ nhiệm, nhưng cả nền giáo dục thì không thể trông chờ vào cách ứng xử tự phát mà phải bằng nguyên tắc nhân văn, bằng những quy định vừa nghiêm cẩn nhưng cũng thấm đẫm tình người. Nhận thức ấy phải sâu sắc trong từng cách hành xử, từng quyết định kỷ luật, tránh cách đẩy hệ lụy xấu về phía xã hội một cách lạnh lùng...

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp