"Tôi đã yêu cầu chủ tịch UBND TP Long Xuyên và lực lượng công an làm việc với Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam tạm dừng huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc cầu Nguyễn Thái Học", ông Bình nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Hùng - phó trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam - thừa nhận vì dư luận xã hội nhạy cảm nên đơn vị phải chuyển sang phương án khác.
"Tại sao thử tải bằng con người, vì nó đáp ứng các yêu cầu, trưng cầu giám định, là mình đánh giá nó một cách tường minh, rõ ràng chính xác cả tải động và tải tĩnh. Vì thực tế, cầu bộ hành Nguyễn Thái Học thiết kế cho người đi bộ là tải động, không phải tải tĩnh", ông Hùng giải thích.
Theo thiết kế, cầu bộ hành Nguyễn Thái Học có chiều dài 128m, rộng 6,5m, có thể chịu tải 65kg/m2, tương đương có thể chứa được 4.992 người trên cầu.
"Chúng tôi dự tính thử 400 người để tính ra kết cấu, tải trọng, giới hạn… nhưng do dư luận xã hội phản ứng nên chúng tôi chuyển sang phương án thử tải tĩnh. Đây là cách truyền thống đo tải trọng của cầu bình thường", ông Hùng nói thêm.
Theo ông Hùng, cầu bộ hành thuộc dự án cầu Nguyễn Thái Học có thiết kế rất đặc biệt, cong ba phía, kết cấu dây văng, có một dầm chủ chịu lực chính ở giữa.
Trước đó, Công an tỉnh An Giang có văn bản gửi chủ tịch UBND TP Long Xuyên đề nghị phối hợp hỗ trợ huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành thuộc cầu Nguyễn Thái Học.
Việc giám định này liên quan tới quá trình làm rõ dấu hiệu "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" tại công trình cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học, TP Long Xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận