02/07/2018 15:48 GMT+7

Đừng hi sinh du lịch và hệ sinh thái Đà Lạt

Tiến sĩ Lee Hyun Suk  (Viện tài nguyên sinh học  quốc gia Hàn Quốc - NIBR) - MAI VINH ghi
Tiến sĩ Lee Hyun Suk (Viện tài nguyên sinh học quốc gia Hàn Quốc - NIBR) - MAI VINH ghi

TTO - Tôi chưa tìm thấy một lý do nào thuyết phục rằng Đà Lạt nhất định phải dựng nhà kính để canh tác nông sản, ngoại trừ nông dân, nhà quản lý nông nghiệp ở Đà Lạt quá mong muốn có một sản lượng cao.

Đừng hi sinh du lịch và hệ sinh thái Đà Lạt - Ảnh 1.

Vùng nông nghiệp P.12 (TP Đà Lạt) vào năm 2008. Hiện nay toàn bộ khu này đã phủ nhà kính, những khu ruộng rau, hoa bậc thang bị xóa sổ - Ảnh: LÝ HOÀNG LONG

(Nhân đọc bài "Đà Lạt nóng vì nhà kính", Tuổi Trẻ ngày 25-6)

Đi cùng nhà kính là lối canh tác chuyên canh mà cả thế giới đang phản đối vì khiến đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước, tăng khả

năng gây lũ cục bộ trong thời gian ngắn, tạo hiện tượng nóng và hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính lẫn xung quanh.

Sự phát triển nông nghiệp nhà kính ở Đà Lạt hiện nay đã mâu thuẫn với lợi ích của đa số người dân về vấn đề môi trường, điều kiện sống và định hướng phát triển xanh của Đà Lạt

Tiến sĩ Lee Hyun Suk

Sự mất mát không hề nhỏ

Hiện tôi đang nghiên cứu đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Lang Bian (Đà Lạt).

Đến thời điểm này tôi đã sống ở Đà Lạt năm năm liên tục. Ngày tôi đến, Đà Lạt đã phát triển nhà kính nhưng chỉ ở những vùng ngoại ô thôi. Sau đó, nhà kính cứ lấn dần những ruộng bậc thang trồng rau hoa quả mỗi ngày. Có những quả đồi, thung lũng tôi rất thích nhưng cứ mỗi lần quay lại tôi thấy mảng trắng đã lấp lên trên rồi. 

Với tôi, đó là sự mất mát không hề nhỏ, nó không chỉ là cảm xúc vì với sự hiểu biết của một người nghiên cứu đa dạng sinh học, tôi biết có một kịch bản rất khắc nghiệt liên quan đến môi trường của Đà Lạt đã xảy ra trong và ngoài lớp nhà kính đó.

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản nhà kính và nhà lưới cũng phổ biến như ở Đà Lạt. Nhưng khác với Đà Lạt, ở đó có mùa đông rất lạnh nên nông dân không còn cách nào khác và phải chấp nhận dùng nhà kính để tăng cường khả năng giữ nhiệt từ môi trường bên ngoài sưởi ấm cho rau, hoa. Nhà kính vốn là một phương án canh tác để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt. 

Đây là sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên chứ không tạo ra được sự hài hòa, bền vững. Đà Lạt khác Hàn Quốc, Nhật Bản khi có khí hậu ôn hòa để canh tác rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng nhà kính.

Thực tế, nhà kính không phải là công nghệ cao, đó chỉ là một phương án canh tác thôi. Công nghệ cao là công nghệ giống, xử lý đất, tự động hóa, sinh học...

Nông nghiệp Đà Lạt đã phát triển tới mức doanh thu của nó đủ để người ta cân nhắc hi sinh nhiều thứ, trong đó có cả du lịch và hệ sinh thái. Nhưng doanh thu có thể bù đắp một ngày hay một vài năm, còn hệ sinh thái khó lòng cứu vãn như trước đây. Một khi hệ sinh thái đã mất thì có thể là mất vĩnh viễn.

Đừng hi sinh du lịch và hệ sinh thái Đà Lạt - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lee Hyun Suk - Ảnh: M.V.

Thành quả trước mắt khó bù đắp cho tương lai

Tôi yêu Đà Lạt như yêu Hàn Quốc của tôi và tôi buồn vì màu xanh của Đà Lạt bị mất đi. Những đoàn khách du lịch từ Hàn Quốc đến Đà Lạt hay thắc mắc với tôi là đất trời này sao nhà kính nhiều quá! Họ thắc mắc vì ở những nơi khác, nhà kính biểu thị cho một vùng đất đang có vấn đề về môi trường và đang phải chống chọi với sự khắc nghiệt từ thiên nhiên. 

Tôi khẳng định không có nơi nào nhiều nhà lưới, nhà kính như Đà Lạt. Nước có khí hậu khắc nghiệt như Israel đáng lẽ sẽ dùng nhiều nhà kính, nhưng họ sử dụng nhiều công nghệ khác, chủ yếu là tự động và sinh học vì họ xác định sự can thiệp thô bạo vào môi trường chỉ mang lại hậu quả nặng nề hơn. Thành quả trước mắt khó bù đắp được cho tương lai. 

Đà Lạt có nhiều lựa chọn tốt hơn, chẳng qua là mình chọn cái dễ nhất để làm. Trong khi đó, mất mát về khí hậu và cảnh quan đồng nghĩa với suy thoái ngành du lịch và phát sinh nhiều vấn đề xã hội.

Có những biện pháp sau đây cần áp dụng ngay để có thể giảm thiểu những tác động là hậu quả của hàng chục năm phát triển nhà kính không kiểm soát.

Thứ nhất, đưa ra nguyên tắc canh tác luân phiên đối với nhà kính: có 10 cái thì canh tác trong bảy cái, còn ba cái dành cho mùa sau. Sau vài mùa thì tháo trần nhà kính để canh tác mở. Thứ hai, lựa chọn mật độ nhà kính cho phù hợp, hiện ở làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên mật độ nhà kính 50-70%. 

Ở Hàn Quốc mật độ nhà kính chỉ có 30% dù có địa hình 70% là đồi núi. Thứ ba, trong lúc đưa ra phương án quản lý nhà kính thì nên phát triển công nghệ sinh học, cây giống... và triển khai để người dân quen dần. Thứ tư, siết chặt quản lý để người nông dân dần đi vào nề nếp sản xuất tương tác tốt với môi trường.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long (chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN):

Đà Lạt mộng mơ chỉ còn trong hoài niệm


2

Tôi không chỉ là người am hiểu Đà Lạt mà còn có ký ức về nó bởi tôi được sinh ra ở đây. Chứng kiến sự thay đổi của cảnh quan hiện nay, khi những khu nông nghiệp đang bị xâm lấn nặng nề, ảnh hưởng đến cảnh quan chung, tôi rất xót. Trước năm 2000 người Đà Lạt trồng rau hoa trên những thửa ruộng bậc thang đẹp và lãng mạn vô cùng. Từ năm 2010 đến nay, Đà Lạt thay đổi nhiều quá. Danh thắng hồ Than Thở một thời say đắm lòng người nhờ cộng hưởng vẻ đẹp giữa rừng thông và làng hoa Thái Phiên. Suối Cam Ly cũng thế. Giờ chỉ khiến du khách đến rồi thất vọng. Nước, rác thải nông nghiệp từ những khu nhà kính cùng rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư đã làm các danh thắng này biến đổi.

Sự lan rộng không ngừng của nhà kính cùng nhiều yếu tố khác đã phá hủy phong cảnh nguyên sơ của Đà Lạt. Ngày nay để thể hiện ảnh phong cảnh đúng chất Đà Lạt, chúng tôi phải đi xa hơn, cao hơn rất nhiều và... tránh xa khu nông nghiệp đầy nhà kính! Khi chúng tôi săn ảnh, sương bồng bềnh che phủ Đà Lạt như cõi mơ, nhưng lúc sương tan những khuyết điểm do con người tạo ra là một thực tại đầy hụt hẫng... Những mỹ từ như: "Đà Lạt mộng mơ, thành phố ngủ trong rừng..." giờ chỉ còn là hoài niệm!

Nhiều năm qua, rất nhiều cội thông trăm năm tuổi ở Đà Lạt sau một đêm chợt biến mất vì lỡ án ngữ mặt tiền! Khi tốc độ xây dựng tăng thì diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể. Tôi thường đưa những nhóm nhiếp ảnh quốc tế đến Việt Nam sáng tác và rất muốn đưa họ về Đà Lạt nhưng tôi sợ đập vào mắt họ là nhà lưới, nhà kính bạt ngàn... Chính vì không muốn họ thất vọng với thực trạng này của Đà Lạt, tôi đã chuyển hướng các chuyến đi về đồng bằng sông Cửu Long hoặc miền núi phía Bắc.

Ngày xưa, khu vực Trại Mát, Cầu Đất luôn là nơi tôi tự hào giới thiệu cho giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước như là một đặc sản nhiếp ảnh của Đà Lạt mà chúng tôi thường gọi là rau bậc thang với nhiều cung bậc và sắc độ đa dạng. Nhưng giờ đây, những khu vực này chỉ còn màu trắng lạnh lẽo, phẳng lì của nhà kính!


Kỹ sư Shugo Hama:

Làm nhà kính là sai về phương pháp


3

Tôi làm việc ở ngành nông nghiệp Việt Nam 13 năm, trải nghiệm ở Lâm Đồng, Cần Thơ, Hà Nội trong các tổ chức của Nhật Bản và Bộ NN&PTNT Việt Nam.

Đà Lạt định hướng phát triển xanh, chú trọng nông sản chất lượng cao. Định hướng như vậy đúng với xu hướng phát triển của thế giới, nhưng ngay từ đầu khuyến khích dựng nhà lưới, nhà kính là đã sai phương pháp. Nhà kính là hình ảnh của nông nghiệp chuyên canh để đạt năng suất cao. Trong khi đó, nông sản chất lượng cao là loại nông sản phát triển hài hòa với môi trường xung quanh. Nói nôm na thì đó là loại nông sản không dựa vào sự bao bọc của nhà kính và can thiệp thô bạo phân, thuốc để phát triển.

Dưới tác dụng nhiệt của nhà kính và lối sản xuất chuyên canh (không luân phiên cây trồng, không cho đất nghỉ), đất đai sẽ thoái hóa. Phân bón tồn dư mỗi lúc mỗi cao trong đất vì thiếu tác động cân bằng từ môi trường tự nhiên. Nấm bệnh phát triển nhiều hơn, nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Và rau hoa sẽ bị bệnh nhiều hơn bình thường. Để khắc phục buộc phải dùng phân thuốc nhiều hơn khiến chất lượng nông sản suy giảm và càng ô nhiễm môi trường. Một vòng luẩn quẩn...



Nhà kính bao vây Đà Lạt, màu trắng ảm đạm lấn lướt màu xanh

TTO - Nhà kính trồng rau, hoa bao vây Đà Lạt tứ phía và xuất hiện cả trong lòng TP khiến cảnh quan bị biến dạng. Đã có dấu hiệu thay đổi khí hậu tác động tiêu cực đến TP du lịch có khí hậu ôn đới này.

Tiến sĩ Lee Hyun Suk (Viện tài nguyên sinh học quốc gia Hàn Quốc - NIBR) - MAI VINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp