Nguy cơ không chỉ dừng ở cuộc sinh mà còn theo đứa trẻ suốt những năm đầu đời...
Phóng to |
Bé L.T.H.A. (sinh ra 5kg) sau 1,5 tháng điều trị với nhiều loại kháng sinh mạnh chống nhiễm khuẩn, trị viêm phổi… nay chỉ còn hơn 4kg - Ảnh: Ngọc Hà |
Sinh ra là... cấp cứu
Bé N.B.K. (Hà Nội) sinh ngày 13-7, nặng 4,7kg. Ngay khi chào đời bé K. đã không thở được, suy hô hấp nặng, người tím lịm, phải thở máy tức thì và chuyển vội từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sang Bệnh viện Nhi trung ương. Hơn 10 ngày điều trị trong bệnh viện với đồng thời một loạt bệnh lý nhiễm trùng máu, suy hô hấp, hạ đường huyết, đến giờ bé K. vẫn đang được chăm sóc đặc biệt.
Chị T.T.H. - mẹ bé, người theo con suốt hành trình điều trị - vẫn không hết ngỡ ngàng khi nguy cơ của những bệnh lý nguy hiểm mà con chị phải chịu đựng lại từ chính cân nặng quá cỡ của bé. “Nhớ lần siêu âm thai gần bảy tháng, bác sĩ nói rất rõ ràng con tôi bé hơn so với tuổi thai khiến cả gia đình sốt ruột. Mẹ tôi ngày nào cũng hầm chim bồ câu rồi ép tôi ăn thêm rất nhiều. Từ 68kg, tôi tăng vù vù cho đến lúc trước sinh là 84 kg” - chị H. kể.
Nằm ở phòng kế bên, bé L.T.H.A. với cân nặng sơ sinh 5kg cũng được theo dõi tích cực. Từ lúc sinh ra vào ngày 6-6, cậu bé nặng cân này phải trường kỳ nằm trong buồng bệnh của khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương. Chị T.H.V. (Hà Nội) - mẹ bé H.A. - không quên được chặng đường dài đầy căng thẳng đã trải qua, khi từng giờ từng phút hồi hộp dõi theo từng nhịp thở của cậu con trai đầu lòng.
“Tôi rất cẩn thận khi theo dõi thai kỳ nhưng các bác sĩ đã không khuyến cáo gì khi thấy mẹ tăng cân nhanh, con cũng tăng cân nhanh” - chị V. chia sẻ. Chín tháng mang thai, chị V. tăng 20kg từ 50kg lên 70kg. Lần siêu âm gần nhất trước sinh tiên lượng con chị nặng khoảng 4kg. Đến khi chào đời bé nặng tròn 5kg, đường huyết hạ nhanh chóng, phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.
TS Nguyễn Thị Thu Hà - phó trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương - cho hay bé H.A. ra đời với các biểu hiện rất điển hình của nhiều loại bệnh: suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, rồi nhiễm khuẩn nặng trong bệnh viện. “Bệnh nhi phải thở máy gần một tháng, đang chuyển sang thở oxy. Cân nặng quá lớn, sức đề kháng của bé yếu, lại phải thở máy dài ngày, bé đang bị nhiễm khuẩn rất nặng do sự xâm nhập của trực khuẩn màu xanh - loại vi khuẩn kháng kháng sinh rất nặng” - TS Hà nói.
Theo tiên lượng của bác sĩ, cả hai bé K. và A. đều phải điều trị lâu dài và sau khi ra viện sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
Theo dõi đến 6-8 tuổi
Hô hấp khó khăn Trẻ nặng cân có nguy cơ suy hô hấp rất cao, hay bị ngạt khiến cuộc sinh gặp khó khăn. Đó là lý do để với trường hợp tiên lượng thai to, sản phụ chắc chắn sẽ được chỉ định sinh mổ. Không sinh đường dưới bình thường nên khi sinh mổ, trẻ dễ mắc bệnh chậm tiêu dịch phổi, hô hấp gặp khó khăn. |
Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như: hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Trong khi đó, đường là thành phần cung cấp năng lượng chủ yếu cho não bộ bởi đặc tính chuyển hóa năng lượng rất nhanh, đáp ứng nhu cầu hoạt động nhanh, mạnh, liên tục của não. Do đó, nếu trẻ sinh ra đường huyết đã giảm có thể gây ảnh hưởng chuyển hóa tế bào não, để lại di chứng nặng nề của thương tổn thần kinh.
Thực tế nhiều bà mẹ có xu hướng muốn con mình sinh ra trông thật bụ bẫm nên luôn tâm niệm “không phải ăn cho mình mà ăn cả cho con” nên thường ăn nhiều, không kiểm soát cân nặng bản thân trong thai kỳ, dung nạp quá nhiều chất béo, đồ ngọt. Nhiều người vẫn cho rằng con to thì sẽ khỏe, nhưng những đứa trẻ nặng cân lại minh chứng điều ngược lại: trẻ nặng cân có sức đề kháng yếu, rất dễ nhiễm khuẩn.
“Đặc biệt, đối với những trẻ nặng cân bị suy hô hấp rất dễ bị tái nhiễm viêm phổi trong hai năm đầu đời, mỗi lần mắc bệnh thường rất nặng, phải điều trị dài ngày” - TS Hà tổng kết. Do đó, trẻ cần được chú trọng giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc tránh nhiễm khuẩn, mùa đông phải được giữ ấm cẩn thận để không làm gia tăng điều kiện gây viêm phổi kéo dài.
TS Hà cũng lưu ý nếu người mẹ tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai, có tiền sử đường huyết cao thì cần chọn địa chỉ sinh có đơn vị hồi sức tốt. “Không nên mạo hiểm sinh con rồi mới chuyển đi cấp cứu, mà cần đi sinh tại địa chỉ bảo đảm an toàn”.
Song ngay cả khi cấp cứu kịp, việc theo dõi vẫn cần được tiến hành lâu dài trong một số năm nhất định sau đó. “Bệnh viện Nhi trung ương đã có đơn vị theo dõi một cách hệ thống đối với những trẻ sơ sinh mắc một số bệnh lý, trong đó có nhóm trẻ nặng cân bị suy hô hấp, nhiễm trùng, hạ đường huyết cho đến khi 2 tuổi. Về lâu dài, việc theo dõi sẽ tiếp tục được kéo dài đến 6-8 tuổi. Chắc chắn trong quá trình theo dõi, trẻ sẽ được khám, sàng lọc mắt, thính lực, nếu cần có thể chụp CT, siêu âm thóp và khi nghi ngờ tổn thương thần kinh thì chụp cộng hưởng từ...” - bác sĩ Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận