23/08/2021 13:04 GMT+7

Dừng Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021: Hàng ngàn cầu thủ rơi vào khốn khó

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Dừng giải đấu là quyết định không quá khó với nhà tổ chức, nhưng với cầu thủ, việc kiếm sống của họ trong thời gian tới sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Dừng Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021: Hàng ngàn cầu thủ rơi vào khốn khó - Ảnh 1.

Nhặt tôm trở thành "nghề" của tiền vệ Hải Huy (Than Quảng Ninh) khi V-League không thi đấu - Ảnh: FBNV

Từ tháng 5 đến nay, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 (V-League, hạng nhất, Cúp quốc gia) đã dừng thi đấu vì dịch. Nhiều CLB đã giảm lương 30 - 70% của cầu thủ và người lao động. Do khó khăn, người về quê bán hàng cho vợ, người ra chợ buôn hải sản...

"Đi nhặt tôm hết năm"

Ngay sau khi thông tin về việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua phương án dừng V-League 2021 và không thi đấu nữa vì dịch, tiền vệ Hải Huy (Than Quảng Ninh) đưa lên Facebook hình ảnh anh cặm cụi nhặt tôm với chú thích: "Chính thức nghỉ bóng đá, đi nhặt tôm hết năm". Câu chuyện của Huy cũng là tình cảnh của hàng ngàn cầu thủ chuyên nghiệp vào lúc này khi họ bị mất việc, giảm lương...

Trò chuyện với Tuổi Trẻ ngày 22-8, Hải Huy cho biết không phải bây giờ anh và các cầu thủ Quảng Ninh mới rơi vào tình cảnh này. Suốt năm 2020, đội bóng nợ lương cầu thủ kéo dài. Đầu năm 2021 sau khi các cầu thủ đấu tranh, lãnh đạo CLB trả được lương đến hết tháng 3-2021. Từ tháng 3 đến nay Hải Huy và các đồng đội không có tiền lương. Giờ V-League 2021 dừng hẳn, thành quả lao động cả năm của Huy coi như chẳng còn gì.

Hải Huy chia sẻ: "Rất may là bố mẹ tôi có tàu đánh bắt ngoài biển nên những tháng qua khi không đi đá bóng, tôi phụ giúp công việc kinh doanh hải sản với gia đình. Hằng ngày khi tàu cập bến, khi mẹ bán hải sản cho các cửa hàng thì tôi ra phụ giúp mẹ. Ngoài ra, do vợ cũng bán hải sản qua mạng nên tôi phụ vợ chuyển hàng cho khách. Đây là nguồn thu nhập nuôi sống gia đình tôi thời gian qua".

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay đang có 27 CLB (14 CLB V-League, 13 CLB hạng nhất). Với quân số trung bình 30 - 40 cầu thủ/đội, có khoảng 1.000 cầu thủ đang kiếm sống từ nghề đá bóng. Đó là chưa kể đến đội ngũ cán bộ, nhân viên của các CLB. Khi giải đấu dừng, cầu thủ, nhân viên CLB phải tìm mọi cách để kiếm sống, lo cho gia đình.

Một cầu thủ thi đấu V-League cho biết: "Không chờ đến bây giờ, mấy tháng nay CLB của tôi đã giảm lương khi giải không thi đấu. Không đi tập luyện, tôi tranh thủ đi ship hàng cho vợ để có thu nhập lo cho gia đình. Giờ giải dừng hẳn, khốn khó sẽ còn nhiều hơn".

Cho đến lúc này, các CLB Nam Định, Sài Gòn, Quảng Ninh đều giảm ít nhất 30 - 50% lương của các cầu thủ. Khi V-League 2021 chính thức dừng, nhiều CLB cho biết sẽ tiếp tục phải cắt giảm lương của cầu thủ, người lao động vì cạn kiệt tài chính.

Phức tạp trong việc giải quyết "hậu quả"

Điều lệ VFF, quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều lệ V-League 2021 không có quy định về việc dừng giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa chừng vì lý do dịch bệnh. Vì vậy, khi giải đấu đã đi được một nửa chặng đường, việc VFF, VPF sẽ xử lý thế nào đối với quyền lợi của nhà tài trợ, các CLB được dự báo sẽ gây nhiều tranh cãi với nhiều câu hỏi được đặt ra.

Theo điều lệ V-League 2021, nhà vô địch giải đấu được thưởng 3 tỉ đồng, đội đứng thứ hai 1,5 tỉ đồng và đội hạng ba 750 triệu đồng. Giải bị dừng khi mới đi qua 12 vòng đấu, những đội đứng đầu trên bảng xếp hạng có được trả tiền thưởng hay không và trả bao nhiêu?

Ngoài ra, VPF đã ký hợp đồng với nhà tài trợ của các giải chuyên nghiệp Việt Nam 2021, 27 CLB cũng có hàng trăm hợp đồng với nhiều đối tác tài trợ cho đội bóng. Mỗi CLB có hợp đồng với người lao động (cầu thủ) gắn liền với thời gian diễn ra, kết thúc mùa giải... Giải quyết những điều này là việc rất phức tạp.

Cần quy định của VFF để đàm phán với người lao động

Giám đốc điều hành một CLB V-League nói với Tuổi Trẻ: "Rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan cần phải giải quyết khi giải bị dừng giữa chừng. Hiện CLB của tôi có gần chục hợp đồng sẽ hết hạn khi mùa giải 2021 kết thúc, nhưng giải thực tế chỉ đá được 12 vòng nên chúng tôi cần có quy định của VFF để làm cơ sở khi đàm phán với người lao động.

Nhà tài trợ của CLB cũng ký hết mùa giải, giờ dừng giữa chừng, quyền và nghĩa vụ sẽ được giải quyết ra sao... VFF, VPF phải ban hành các văn bản có tính pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho CLB, cầu thủ".

'Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho các cựu VĐV trong việc mưu sinh'

TTO- Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn NutiFood, với Tuổi Trẻ trong cuộc trò chuyện sáng 1-7, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nhân dịp khai trương cửa hàng cà phê Ông Bầu thứ 100.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp