06/05/2016 11:21 GMT+7

Đừng gây khó cho dân

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Dù được tòa tuyên cho nuôi con nhưng đứa bé bị chồng cũ bắt mang đi, chị T. nhờ cơ quan thi hành án giao con mà cơ quan này nói không thể thi hành.

Chị H.T.C.T. và anh T.V.P. (ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có con chung là cháu T.T.T.T. (sinh ngày 25-3-2014). Ngày 18-9-2015, TAND TP Cam Ranh xử cho hai vợ chồng ly hôn, giao chị T. chăm sóc, nuôi dưỡng cháu T.T.. Anh P. kháng cáo xin được quyền nuôi con. 

Ngày 8-12-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm, bác kháng cáo của anh P., giao chị T. tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc cháu T.T..

Thế nhưng theo chị T., trước đó cháu T.T. bị cha “bắt” để nuôi và không cho chị gặp gỡ. Ngày 12-1-2016, chị T. làm đơn gửi Chi cục Thi hành án TP Cam Ranh yêu cầu thi hành án.

Ba ngày sau, Chi cục Thi hành án TP Cam Ranh có văn bản từ chối nhận đơn đề nghị thi hành án của chị T. với lý do bản án phúc thẩm không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành, nên theo nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự, cơ quan này từ chối thi hành án.

Chị T. tiếp tục khiếu nại đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, đơn vị này lại làm công văn gửi Tổng cục Thi hành án để hỏi.

Sau khi nhận được trả lời của tổng cục, đến ngày 21-4 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa mới có công văn hướng dẫn Chi cục Thi hành án TP Cam Ranh làm văn bản hỏi TAND tỉnh Khánh Hòa về đối tượng phải thi hành án trong vụ án này.

Chiều 5-5, bà Nguyễn Thị Thùy Trang - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án TP Cam Ranh - cho biết chưa nhận được giải thích của tòa.

Một thẩm phán ở TAND tỉnh Khánh Hòa phân tích: “Con là con chung của hai vợ chồng, do vậy khi tòa giao cho người vợ nuôi con thì trách nhiệm thi hành án là người chồng. Mặc nhiên phải hiểu như thế.

Án hôn nhân khác với án dân sự, không thể mang đứa con để so sánh với tài sản khác được. Nếu cơ quan thi hành án không rõ thì làm công văn gửi đến tòa án để được giải thích cho rõ hoặc hướng dẫn đương sự hỏi tòa để sớm xử lý, không nên hỏi lòng vòng khiến người dân thêm khổ”.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - bình luận: “Hiểu như cơ quan thi hành án trong vụ này thì từ nay về sau cứ tòa tuyên giao con cho người nào đó thì cần phải có thêm bản giải thích án, là gây khó cho dân.

Trường hợp này không áp dụng khoản 4, điều 7 nghị định 62 để từ chối nhận đơn thi hành án của dân được”.

Vấn đề là tại sao trước đây bao nhiêu bản án về hôn nhân gia đình đều tuyên như vậy mà cơ quan thi hành án hiểu, còn lần này thì cho là án tuyên không rõ ràng?

Bà Trang lý giải: “Thực tế lâu nay bản án hôn nhân thường các tòa tuyên như bản án này và chúng tôi cũng hiểu là nếu giao con cho người vợ nuôi thì người phải giao là người chồng và ngược lại.

Thế nhưng đây là trường hợp đầu tiên Chi cục Thi hành án TP Cam Ranh được đề nghị thi hành án về quyền nuôi con sau khi nghị định 62 có hiệu lực, chúng tôi nghiên cứu thì thấy bản án không ghi rõ ai giao con, nên từ chối thi hành án để hỏi các cơ quan cấp trên nhằm thống nhất việc xử lý từ nay về sau”.

Cho đến nay, chị T. cho biết vẫn chưa gặp được con và luôn sống trong đau khổ vì khi rời mẹ, cháu T.T. còn đang bú và đang điều trị vì suy dinh dưỡng!

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp