Phóng to |
Những dòng chữ thóa mạ người thân trên Facebook - Ảnh chụp từ Facebook |
Những dòng chữ trên Facebook của bạn trẻ ấy đủ khiến nhiều người giật mình khi chửi bà và bố thậm tệ bằng ngôn ngữ tục tĩu. Lý do cho cơn phẫn nộ ấy là vì bà đã gắt gỏng khi bạn bè đến chơi và người bố đã yên lặng khi chứng kiến sự việc.
Ngay trên trang Facebook của bạn trẻ này, nhiều ý kiến đã khuyên can không nên vô lễ với người thân như vậy, lại còn đưa lên mạng sẽ bị mọi người chê cười. Song chủ nhân của Facebook hồi âm bằng thái độ không sợ người khác nhận xét gì về mình khi phát ngôn như thế.
Tại một trang thông tin, một thành viên viết: "Không thể chấp nhận được một người cháu như thế". Thành viên Bùi Hoa viết: "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu".
Hình ảnh chụp lại trang Facebook này cũng xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội và hầu hết ý kiến phản đối những lời lẽ tục tĩu ấy. Hiện có không ít những ý kiến phản đối ấy được viết bằng ngôn ngữ tục tĩu không kém. Một Facebook mang tên "Phẫn nộ vì stt chửi bà thậm tệ của em..." được lập ra (stt viết tắt từ chữ status - dòng trạng thái).
Chuyện các status (dòng trạng thái) hay các bài viết trên Facebook mang nội dung mắng chửi người thân không còn là câu chuyện mới trên thế giới mạng. Trước câu chuyện cháu gái chửi bà trên Facebook, cộng đồng mạng từng "dậy sóng" với những dòng chữ con gái chửi mẹ vì không chịu cho 2 triệu đồng mua quần áo, một chàng trai chửi bà ngoại vì ngăn cản cậu chơi bời, một cô gái mắng mẹ vì xúc phạm một nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc của mình...
Khi được gia đình sẻ chia, người trẻ không cần trút giận trên thế giới mạng Ngày nay, nhiều bạn trẻ cập nhật liên tục những vấn đề xảy ra với mình lên mạng xã hội. Dường như chỉ ở thế giới ấy, nhiều bạn mới được tự do bày tỏ ý kiến của mình và nhận được phản hồi ngay tức thì. Điều này thể hiện nhu cầu bức thiết của mỗi người: nhu cầu được giao lưu, chia sẻ, đồng cảm, khích lệ... Việc người trẻ nhục mạ người thân công khai trên thế giới mạng chứng tỏ những bạn ấy có một “nền tảng” văn hóa yếu kém. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận nhân cách và hành vi của con người được hình thành và phát triển thông qua hai yếu tố rất quan trọng, đó là môi trường sống và yếu tố giáo dục. Khi cộng đồng mạng "ném đá" bạn trẻ đã dùng Facebook nhục mạ người thân, có thể bạn ấy sẽ ít nhiều tự nhìn nhận lại phát ngôn của mình. Dư luận và áp lực từ dư luận luôn có giá trị kiểm soát và định hướng suy nghĩ, hành động của mỗi người. Qua việc này, tôi nghĩ nhà trường, đoàn thể cần tổ chức nhiều hơn những sân chơi, hoạt động ý nghĩa để thu hút giới trẻ. Các phụ huynh cũng cần rút ra một bài học lớn trong việc giáo dục con cái ngay từ “thuở lên ba” và đặc biệt cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của con trẻ. Khi trẻ có thói quen chia sẻ tất tần tật với ba mẹ, người thân và được lắng nghe thì tôi tin sẽ không có hiện tượng trẻ "chạy" lên thế giới mạng để nói ra những lời làm đau lòng nhiều người như vậy. Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An |
Bạn nghĩ sao về vấn đề này, hãy chia sẻ ý kiến của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected] hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Xin cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận