25/03/2012 07:36 GMT+7

Đừng đổ mọi gánh nặng lên người dân

PHÚC HUY thực hiện
PHÚC HUY thực hiện

TT - "Bộ GTVT phải có quan điểm rõ ràng VN nên phát triển hệ thống giao thông theo hướng nào?" -là ý kiến của tiến sĩ Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ủy viên UB Kinh tế Quốc hội.

6P1pyjzY.jpgPhóng to
Ông Trần Du Lịch - Ảnh: P.Huy

Đề cập loạt bài “Loạn phí giao thông, vì sao?” đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 20 đến 23-3, tiến sĩ Trần Du Lịch nói:

- Bộ GTVT phải có quan điểm rõ ràng VN nên phát triển hệ thống giao thông theo hướng nào? Giao thông công cộng hay phương tiện cá nhân? Tôi thấy quan điểm này chưa rõ ràng. Nếu phải phát triển giao thông công cộng thì VN tốt nhất xây dựng đường sắt có sức chứa lớn. Hiện nay do không rõ ràng nên đầu tư cho giao thông, đường sắt, đường bộ, giao thông thủy... chia đều.

Công bằng mà nói chính việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT và việc thu phí giao thông đối với các dự án trên đã thu hút nguồn vốn rất lớn để cải thiện cho các dự án giao thông. Nhưng cần xem tư duy là đi trên đường đều phải trả tiền hết. Nếu thế thì việc thu thuế của Nhà nước có ý nghĩa gì?

* Thưa ông, dường như người dân không có sự chọn lựa và khi lưu thông là phải đóng phí?

- Trên thế giới thông thường người ta thu tiền để tạo tiện ích, đầu tư cho tuyến đường đó tốt hơn để phục vụ cho người nộp phí. Người không đủ tiền để nộp thì vẫn được đi ở những tuyến đường khác nhưng chất lượng thấp hơn. Rất hiếm xảy ra tình trạng người không có tiền phải ở nhà, không có sự chọn lựa nào khác, không có đường để đi. Nhưng do đất nước ta khó khăn, còn nhiều việc phải lo, người dân phải ủng hộ, đóng góp, chấp nhận đóng phí khi đi các tuyến quốc lộ như lâu nay đã làm, tôi cho rằng như vậy có thể chấp nhận được.

Nhưng điều bất cập ở chỗ: hiện nay phương tiện giao thông công cộng hầu như không phát triển thì quay lại tập trung thu phí cá nhân. Thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân theo kiểu này chỉ có thể lý giải là cần tiền và duy nhất một chỗ có thể “lấy” được, “bắt chẹt” được là buộc người có xe phải gánh 9-10 loại phí. Đây là điều không thể chấp nhận được, không vì thiếu vốn đầu tư mà chúng ta đổ mọi gánh nặng lên người dân.

* Nhưng một số ý kiến cho rằng muốn phát triển phương tiện giao thông công cộng cần phải thu phí mới có vốn đầu tư?

- Chúng ta không thể lấy phương tiện để biện minh cho mục tiêu. Trước Quốc hội, tôi đề xuất Bộ GTVT về việc đầu tư các phương tiện công cộng, các tuyến đường sắt tốc độ vừa phải như các nước, rất an toàn, chi phí thấp... nhưng không thấy trả lời. Tôi đề nghị phải làm căn cơ, đừng nghĩ chuyện tiền đâu mà phải lấy mục tiêu làm ưu tiên để việc đầu tư không phân tán.

Còn hạn chế xe vào trung tâm các đô thị, trên thế giới ai cũng làm hết. Nhưng các nước người ta hạn chế xe cá nhân bởi phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh muốn sướng, đi xe cá nhân thì phải đóng tiền. Còn ở VN làm những cách mà người dân không có sự lựa chọn. Chúng ta không thể quản lý theo kiểu người dân không có sự lựa chọn ngoài chuyện đóng tiền.

* Hiện có tình trạng mỗi ngành đều tự đề xuất mức phí và người dân đang phải chịu nhiều loại phí khác nhau, tăng thêm gánh nặng cho đồi sống của người dân...

- Chúng ta không được lạm dụng chủ trương xã hội hóa mà tăng gánh nặng quá lớn cho dân. Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa có hai khía cạnh: Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Thứ hai, Nhà nước không bao cấp một số dịch vụ mà người dân có nhu cầu hưởng thụ phải trả. Điều này là hợp lý. Nhưng dường như tôi cảm nhận phần vốn thu hút ngoài ngân sách dần dần đang “teo” lại, không hấp dẫn nữa, còn phần do người dân đóng góp lại tăng lên mà giao thông là điển hình. Chúng ta cần xem lại.

* Ông nghĩ Quốc hội có nên sớm ban hành luật về phí, lệ phí, đồng thời có hình thức chế tài phù hợp nếu các cơ quan chức năng làm sai quy định?

- Nên sớm có luật về phí, lệ phí, tôi nghĩ đã đến lúc làm điều này. Vì phí, lệ phí cần phải sửa đổi, gắn liền với việc đổi mới tổ chức nền hành chính, phải giảm bớt những loại phí thuộc ngân sách chung của quốc gia và tăng phân cấp những loại phí riêng, tùy theo đặc thù của mỗi địa phương. Khi đó TP.HCM sẽ có những loại phí riêng, đặc thù và khác với những địa phương khác, tránh tình trạng cào bằng, không phù hợp giữa các địa phương. Khi tăng số loại phí thuộc trung ương quy định và thu vào ngân sách là cào bằng, không tăng sự tự chủ của địa phương, thẩm quyền này do HĐND TP quyết định cho phù hợp với khả năng của người dân.

Phí khác thuế ở chỗ đóng thuế là nghĩa vụ. Còn phí là khi anh nhận dịch vụ gì thì mới đóng, không nhận không đóng. Nói cách khác, đó là một loại dịch vụ công. Khi đóng phí bảo trì đường bộ, người dân có quyền đòi hỏi phải được phục vụ chất lượng tương đương. Phí phải đưa đúng bản chất của phí, không nên núp thuế dưới hình thức phí. Kiểu thu phí bảo trì giao thông đường bộ như đề xuất của Bộ GTVT mang tính chất thuế chứ không còn phí nữa.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

PHÚC HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp