24/09/2017 07:29 GMT+7

Đừng đổ hết tội cho hội phụ huynh

TUẤN MINH (Nghệ An)
TUẤN MINH (Nghệ An)

TTO - Năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng. Nạn lạm thu ở các trường vẫn là vấn đề "nóng" dư luận quan tâm. Cùng với đó, hội phụ huynh được đưa vào "tầm ngắm".

Đừng đổ hết tội cho hội phụ huynh - Ảnh 1.

Một buổi họp phụ huynh học sinh - Ảnh: TUẤN MINH

Mọi người bàn luận, mổ xẻ, phân tích..., trong đó nhiều ý kiến cho rằng ban đại diện phụ huynh chính là "tòng phạm", tiếp tay cho nạn lạm thu và cần phải xóa bỏ hoàn toàn để trả lại bầu không khí trong lành cho môi trường giáo dục. 

Tuy nhiên, là người "trong cuộc", tôi cho rằng cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện để đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Không phải vì nạn lạm thu trong trường học trở nên nhức nhối mà đổ hết tội cho hội phụ huynh.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDDT ban hành ngày 12-11-2011 đã nêu rõ nhiệm vụ của ban đại diện hội cha mẹ học sinh lớp, bao gồm: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; 

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; 

Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. 

Như vậy, khi thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, ban đại diện hội phụ huynh sẽ là sợi dây gắn kết và là cầu nối giữa các phụ huynh học sinh khác trong lớp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và nhà trường. 

Không có ban đại diện, các phụ huynh khác trong lớp sẽ "mạnh ai nấy lo", không có sự phối hợp thống nhất trong quá trình giáo dục.

Không thể phủ nhận một số trường hợp thu tiền xã hội hóa núp bóng "tự nguyện" với số tiền lớn, vượt quá sức chịu đựng của nhiều phụ huynh có lỗi của ban đại diện hội phụ huynh học sinh. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Có phải ban đại diện hội phụ huynh học sinh tự ý nghĩ ra các khoản thu "trên trời dưới đất"? Và, số tiền sau khi thu được sẽ "chạy" vào "địa chỉ" nào? 

Chắc chắn việc thu khoản gì, vào mục đích nào đều có sự chỉ đạo, bật đèn xanh của ban giám hiệu nhà trường. Số tiền sau khi thu được cũng không vào hầu bao của cá nhân nào trong ban đại diện hội phụ huynh mà sẽ "cập bến" két sắt của nhà trường. 

Như vậy, cần nhận đinh rõ, chính ban giám hiệu các đơn vị trường học mới là "thủ phạm" chính gây ra nạn lạm thu chứ không phải là ban đại diện hội phụ huynh học sinh. 

Nếu tư tưởng tìm mọi cách "tận thu", "thu lấy được" còn là suy nghĩ thường trực của nhiều vị hiệu trưởng thì liệu ai dám chắc khi ban đại diện hội phụ huynh bị dẹp bỏ, tình trạng lạm thu sẽ không còn? 

Nhận thức rõ như vậy để thấy rằng cần thiết phải xem xét lại hoạt động của ban đại diện hội phụ huynh học sinh để đảm bảo hiệu quả, phát huy đúng vai trò chức trách của mình. 

Nếu cần thiết, cần có quy định "cứng" quy định ban đại diện hội phụ huynh không được tổ chức phát động hay đứng ra thu hộ bất cứ khoản xã hội hóa nào. 

Phụ huynh nào có điều kiện, muốn hỗ trợ nhà trường có thể tự nguyện đăng ký và nộp tiền trực tiếp tại bộ phận tài vụ nhà trường. Ban đại diện hội phụ huynh không đứng ra "thu hộ" bất cứ khoản tiền nào.

Còn để giải quyết tận gốc câu chuyện lạm thu, khi phát hiện đơn vị trường học nào vi phạm, nhất định phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể cách chức ngay. 

Họ là người phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải khi có chuyện lại đá "quả bóng trách nhiệm" sang ban đại diện hội phụ huynh học sinh. 

Trên thực tế có không ít vụ lạm thu gây bức xúc sau khi bị phát hiện, hiệu trưởng chỉ bị xử lý theo kiểu "giơ cao đánh khẽ". Thậm chí có vị còn bị "kỷ luật" bằng hình thức rút kinh nghiệm rồi điều chuyển lên phòng, lên sở. 

Chính việc xử lý người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe mới là nguyên nhân cơ bản khiến "căn bệnh" lạm thu ở các trường học trở nên "nhờn thuốc" thời gian qua.

Họp phụ huynh ở trường tôi

Xét về mặt tích cực, nếu hội phu huynh học sinh nhà trường làm tốt nhiệm vụ của mình theo như điều lệ quy định sẽ giúp ích và hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong việc học tập và giáo dục học sinh.

Tôi xin giới thiệu câu chuyện ở trường Trường tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Năm học 2016-2017, trường tổ chức thao giảng môn toán lớp 3.

Trong tiết dạy này, ngoài giáo viên, nhà trường mời tất cả phụ huynh có con đang học lớp 3 tại trường cùng dự. Việc này nhằm để phụ huynh biết và nắm được ít nhiều về phương pháp dạy môn toán để về dạy cho con mình.

Sau tiết dự giờ, nhiều phụ huynh tỏ ra thích thú khi thấy giáo viên giảng bài bằng giáo án điện tử, có vị tâm sự: "Cô giáo dạy sao mà dễ hiểu, tôi thấy có nhiều vị phụ huynh mặc dù có trình độ cao nhưng dạy không đúng phương pháp nên con họ không chịu học với lý do 'ba dạy không giống cô'".

Thông qua buổi thao giảng có phụ huynh tham dự này, cô giáo cũng thuận lợi hơn trong việc truyền thụ kiến thức, củng cố, luyện tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho học sinh trên lớp. (TRẦN VĂN TÁM, TP.HCM)

Bạn nghĩ gì về Hội phụ huynh ngày nay? Hội có phải là nguyên nhân khiến nạn lạm thu học đường tồn tại? Theo bạn như thế nào là Hội phụ huynh đúng nghĩa? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình luận hoặc gửi email đến [email protected].

TUẤN MINH (Nghệ An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp