Tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đã triển khai một số dự án lưu trú, nghỉ dưỡng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Sáng 15-7, tại Đà Nẵng, Viện sinh thái học miền Nam phối hợp Hiệp hội du lịch Đà Nẵng tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà.
Tham dự hội thảo có 180 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, cùng đại diện các bộ, ngành, UBND TP Đà Nẵng…
Không muốn vọoc phải đu dây điện qua vùng sống của nó
Tại hội thảo, TS. Lưu Hồng Trường - Viện trưởng viện sinh thái học miền Nam đã thốt lên rằng: “Sơn Trà là vùng hành hương cho giới khoa học”.
TS. Trường cho rằng hệ sinh thái tự nhiên của Sơn Trà vô cùng giá trị và đặc biệt. Nơi đây có trên 1.000 loài thực vật, trong đó có 43 loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, 21 loài nằm trong sách đỏ thế giới. Có 5 loài thú nằm trong sách đỏ Việt Nam, 4 loài nằm trong sách đỏ thế giới…
“Trong quá trình nghiên cứu tại Sơn Trà, chúng tôi thấy có loại gừng tím ở Sơn Trà lần đầu ghi nhận tại Việt Nam. Dự kiến sẽ lấy tên Sơn Trà để đặt cho loại gừng này” - TS. Trường cho biết.
TS. Trường cũng khẳng định: “Sơn Trà là một phần không thể tách rời của TP đáng sống Đà Nẵng”.
Còn TS. Lê Khắc Quyết - chuyên gia nghiên cứu bảo tồn linh trưởng Việt Nam công bố những thông tin mới mẻ về thiên nhiên Sơn Trà.
TS. Quyết cho biết tháng 3-2017, ghi nhận tại Sơn Trà có một loài chim mới mà loài này chỉ có ở Đài Loan và Quảng Tây (Trung Quốc). Không chỉ vậy, trong quá trình nghiên cứu tại Sơn Trà, TS. Quyết ghi nhận có 6 loài linh trưởng tại đây.
Trong khi đó, TS. Hà Thăng Long - chủ tịch hội đồng sáng lập trung tâm Green Viet chia sẻ quá trình nghiên cứu vọoc chà vá chân nâu tại Sơn Trà và đi đến kết luận: “Tôi không muốn mai mốt vọoc phải đu dây điện qua vùng sống của nó”.
Theo TS. Long, năm 1965, người ta ghi nhận cá thể vọoc chà vá chân nâu đầu tiên tại Sơn Trà. Đến nay, số lượng này khoảng 700-1.300 con, phân bố rộng khắp từ sát mép biển cho đến nơi cao nhất là đỉnh Bàn Cờ.
“Tuy nhiên, những nguy cơ như Sơn Trà đang có 65km đường bộ, mỗi ngày trung bình 1.000 người đi lại tại đây. Việc làm đường đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng chia cắt quần thể vọoc phía Đông-Tây, mất hành lang xanh 200m. Và thực tế đã có hình ảnh vọoc đu dây điện” - TS.Long cho biết.
Ông Vũ Ngọc Thành - giám đốc chương trình bảo tồn nhóm chà vá Việt Nam chia sẻ một thông tin rất quan trọng. Đó là 80% loài vọoc kiếm ăn dưới bình độ 200m của Sơn Trà.
“Khi đi thực tế tại đây vào đợt bão, chúng tôi ghi nhận phía trên cây trụi hết lá trong khi khu vực dưới bình độ 200m còn lá rừng - nguồn thức ăn của vọoc chà vá chân nâu” - ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, nếu đánh giá tác động môi trường của Sơn Trà ở độ cao dưới 200m phải là người có tâm với thiên nhiên nơi đây.
TS. Nguyễn Xuân Hòa - Viện hải dương học Nha Trang cho hay, sự suy giảm các rạn san hô ở ven bờ Sơn Trà rất đáng báo động.
Theo TS. Hòa, nếu năm 2006, diện tích rạn san hô tại đây khoảng 80,9ha thì đến năm 2016 đã giảm khoảng 34ha. Đặc biệt là độ phủ như khu vực bãi Bắc, diện tích năm 2005 là 31,9ha, nhưng đến năm 2016 còn có 0,6% - gần như chết hoàn toàn. Kéo theo đó là mật độ động vật tại các khu vực này cũng giảm mạnh, thảm cỏ biển cũng giảm mất 9 ha…
“Nguyên nhân chủ yếu là do tác động đô thị hóa ven bờ, khai thác thủy sản, ô nhiễm từ các khu du lịch…” - TS. Hòa nhìn nhận.
Sau khi nghe các nhà khoa học chia sẻ, ông Hoàng Đình Bá - nguyên trưởng ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng xúc động bật khóc khi phát biểu về Sơn Trà.
Ông Hoàng Đình Bá - nguyên trưởng ty lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng xúc động phát biểu về Sơn Trà tại hội thảo - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Bài toán Sơn Trà - khó nhưng phải giải
Tham dự hội thảo này còn có ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM.
Trao đổi với PV, ông Nghĩa cho biết: “Khi phát biểu ở Quốc hội về Sơn Trà, tôi nói ở nước Việt Nam ta có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được. Đó là phát biểu tức thì. Cùng với sự tìm hiểu của tôi và hôm nay dự hội thảo ở đây tôi càng thấy sự phản ứng tức thời của tôi ở Quốc hội là đúng hướng”.
Theo ông Nghĩa, đã có cơ sở khoa học, văn hóa để đưa đến đề xuất nhất thiết không thể phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà theo cách hiện nay được. Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm. Nhất thiết phải thay đổi cách phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà chặt chẽ hơn nữa.
Ông Nghĩa cho rằng, chính quyền TP Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp, cực kỳ quan trong trong bảo tồn bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng có trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ lợi ích của người dân Đà Nẵng nhưng nó cũng phải đảm bảo vai trò, vị trí lợi ích quốc gia không phải chỉ một vài thế hệ mà cho hằng trăm năm sau như nó đã từng tồn tại.
“Đừng quên rằng, chính người dân Đà Nẵng mới là người chủ của thiên nhiên TP này” - ông Nghĩa cho hay.
Nói về thu hồi các dự án tại Sơn Trà, ông Nghĩa cho rằng đây là một bài toán khó. Nhưng khó không có nghĩa là không giải mà phải giải. Giải với tinh thần, cơ sở pháp lý, với sự quan tâm của cả nước, Chính phủ, công luận…thì khó đến mấy cũng giải được.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trao đổi với PV về Sơn Trà - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
“Cái gì trái phép là dẹp, thậm chí là trừng trị nếu nghiêm trọng. Những cái gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi thì cùng nhau tìm giải pháp đáp ứng lợi ích các bên. Phải vận động chính các doanh nghiệp vì thương hiệu của anh, vì trách nhiệm xã hội, tình thần yêu nước nếu các doanh nghiệp có chịu thiệt hại một phần nào đó, có hi sinh một phần nào đó vì Sơn Trà là vinh dự. Và nó làm tăng lòng yêu mến của người dân với thương hiệu đó.
Đã có những doanh nghiệp hiến đất, hiến tài sản cho xã hội. Để bảo vệ Sơn Trà nếu các doanh nghiệp, cá nhân nếu bị thiệt hại thì chính quyền làm việc với họ, theo luật pháp phải đền bù thì chúng ta đền bù, nếu quá sức chịu đựng thì vận động họ hi sinh một phần nào đó. Tôi nghĩ nhân dân Đà Nẵng và cả nước sẽ hoan nghênh họ” - ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Còn TS. Vũ Ngọc Long - Chủ tịch hội đồng khoa học, Viện sinh thái học miền Nam cho biết thêm, muốn có giải pháp cho Sơn Trà phải chấp nhận can đảm, đền bù cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp họ được cấp phép, họ không sai. “Nên thương lượng đổi đất cho các nhà đầu tư ở Sơn Trà”-ông Long chia sẻ.
Theo TS.Long, cái sai lầm ở Sơn Trà là phải lập bảo tồn xong rồi mới sử dụng nó. “Chúng ta sử dụng cái mà chưa biết giá trị của nó nên mắc sai lầm. Phải biết rừng Sơn Trà có quý không, đáng giá không và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học xong mới lập kế hoạch sử dụng đất, rừng…tất cả các quyết định khác phải dựa vào quy hoạch này” - TS. Long cho hay.
TS. Long cho rằng nên dừng các dự án quy hoạch ở đây ít nhất là 2 năm. Vì làm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học sẽ mất 2 năm. Sau đó, các nhà khoa học sẽ chỉ ra rất rõ chỗ nào giữ, chỗ nào xây, chỗ nào không… trên từng mét đất. Đây là cơ sở để bảo tồn và phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận