Lãi suất huy động giảm: Người gửi băn khoăn, bên vay không vội mừng
Lúc này, câu chuyện trần lãi suất huy động có giảm thêm không còn là vấn đề nóng bởi lãi suất thị trường đã giảm nhanh hơn cả lãi suất hành chính.
Tất nhiên, vẫn có một ít ngân hàng cần vốn giữ lãi suất ở mức cao, thậm chí “chung chi” ngoài. Nhưng nhìn chung vốn vào ngân hàng đang nhiều hơn cho vay ra và không có lý do gì để duy trì lãi suất huy động ở mức cao. Vì vậy, thị trường tiền tệ đang bước qua ngã rẽ mới với hai vấn đề mới, đó là dòng chảy và hiệu quả của đồng vốn.
Lãi suất tiết kiệm “bèo bọt”, dòng chảy đồng vốn có thể thay đổi khi khá nhiều người có cùng câu hỏi liệu tiền còn vào ngân hàng như thời gian qua hay người dân chọn kênh đầu tư khác. Những tháng qua, gửi ngân hàng là nơi trú ẩn an toàn và hiệu quả nhất của đồng vốn. Khi lãi suất VND giảm, giữ VND dần kém hấp dẫn, người dân phải cân nhắc. Chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD đang giảm dần. Giả sử ngân hàng có giảm thêm lãi suất USD cũng không tạo thêm hấp dẫn cho VND bởi lãi suất VND giảm nhanh hơn. Nếu tiền tiết kiệm được chuyển sang ngoại tệ, lại thêm bài toán khó cho ngân hàng, gây sức ép lên tỉ giá. Tiền đổ vào vàng không chỉ làm thị trường vàng thêm phức tạp mà cả người mua cũng đối mặt rủi ro.
Trong khi đó, hai kênh đầu tư “xài tiền” nhiều nhất là bất động sản và đặc biệt là chứng khoán vốn được khuyến khích mãi vẫn chưa thấy người dân ôm tiền trở lại. Chưa thấy ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho người bỏ vốn vào chứng khoán. Nếu thế bế tắc này kéo dài, không khéo tiền lại đổ vào vàng, ngoại tệ. Lúc này, trách nhiệm của cơ quan hoạch định chính sách thêm nặng nề, không chỉ làm cách nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng mà còn phải hướng dòng vốn nhàn rỗi của người dân đi đúng địa chỉ.
Chưa hết, lãi suất giảm, ngân hàng thừa vốn cũng đặt ra những lo lắng về hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều ngân hàng đang đứng trước sức ép phải đẩy mạnh cho vay trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế lại không cao. Nếu không chặt chẽ sẽ lại nảy sinh tình trạng rót vốn không đúng chỗ, rơi vào các dự án “ma”, kém hiệu quả. Chúng ta đã và đang phải trả giá đắt khi ngân hàng cho vay không chọn lọc. Nợ xấu vẫn nằm đó chờ hướng xử lý. Vì vậy nếu ngân hàng chỉ lo trước mắt, không khéo vài năm tới nợ xấu lại dềnh lên.
Cả nền kinh tế đã phải trả giá khá đắt mới có được mức lãi suất như hiện nay. Thế nhưng chúng ta có tận dụng được cơ hội này để hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư lành mạnh, có hiệu quả đang là một thử thách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận