Cần sớm có quy định xử lý mạnh tay nạn phóng nhanh vượt ẩu. Tuổi Trẻ trích ý kiến chuyên gia và bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM):
Có thể ngưng cấp phù hiệu xe vi phạm
Xe khách của một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi vi phạm tốc độ 6.000 lần/tháng, bị tước phù hiệu. Doanh nghiệp lại xin cấp lại phù hiệu và xe tiếp tục vi phạm.
Trả lời về xử lý trường hợp này, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi nói do thiếu quy định nên vẫn cấp lại phù hiệu cho nhà xe này, tôi cho rằng không thuyết phục.
Khi phát hiện nhà xe có tới 6.000 lần vi phạm thì địa phương phải có giải pháp ngăn chặn. Sở có thể tạm ngưng cấp phù hiệu mới để chờ xin ý kiến của cấp trên. Có rất nhiều cách để xử lý nhưng vấn đề là lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tái phạm liên tục phải có chấn chỉnh và đề xuất biện pháp xử lý.
Hệ thống giám sát hành trình đã lắp trên cả triệu phương tiện truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam giám sát. Số tiền mà các doanh nghiệp đầu tư rất lớn song việc sử dụng dữ liệu vẫn chưa hiệu quả. Nguồn dữ liệu này chỉ mang tính hậu kiểm, đối chiếu khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Cục Đường bộ Việt Nam cần phải sớm nâng cấp thiết bị thành cảnh báo, xe chạy quá tốc độ phải có cảnh báo ngay. Dữ liệu cũng cần được liên thông với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (phường 17, quận Bình Thạnh):
Phải xử lý triệt để
Vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 20 mới đây một lần nữa báo động rằng dường như lâu nay quá trình xử phạt còn chưa đủ răn đe, nâng cao ý thức của tài xế, nhà xe. Phải có biện pháp xử lý triệt để những vi phạm kiểu này chứ không "bắt cóc bỏ dĩa", làm quyết liệt và đến nơi đến chốn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thì chắc chắn xử được.
Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM):
3 giải pháp mạnh cần làm ngay
Cần phải sửa đổi, bổ sung quy định như sau: Thứ nhất, cần quy định cụ thể thời hạn thu hồi đối với phương tiện có vi phạm trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ hai, cần xem xét xem dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam là cơ sở để xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện có vi phạm. Đồng thời quy định bổ sung phù hiệu, biển hiệu được cấp lại sau khi hết thời gian thu hồi và đơn vị cung cấp được tài liệu chứng minh đã chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ ba, cần quy định bổ sung đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi biển hiệu, phù hiệu quá 10 lần/tháng hoặc quá 2/3 số phương tiện của doanh nghiệp có vi phạm trong tháng sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 1-3 tháng, trường hợp tái phạm thì bị thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Anh Trần Đình Hiếu (TP Đông Hà, Quảng Trị):
Lái xe "xé gió" vẫn không bị phạt?
Tôi thường xuyên đi lại giữa Đông Hà - Đà Nẵng. Đường sá bây giờ khá tốt, chất lượng xe cũng ngon lành nhưng lại xuất hiện nỗi lo khác là lái xe ẩu. Đường Đông Hà - Đà Nẵng và tuyến Bắc - Nam bây giờ hầu như xe khách đều đi cao tốc La Sơn - Túy Loan - Cam Lộ.
Xe đi qua đường núi nhiều khúc cua dốc nhưng lại chưa có dải phân cách, mỗi lần vút qua xe ngược chiều tôi "ớn lạnh". Tôi cũng nhiều lần nhắc lái xe chạy đúng tốc độ nhưng hình như không hiệu quả vì đường này thường vắng lực lượng chức năng làm việc cũng như chưa có camera phạt nguội.
Khi biết xe khách phải có gắn "hộp đen" tôi thấy an lòng hơn, có thể giám sát tốc độ mọi lúc mọi nơi, trích xuất dữ liệu cũng rất thuận tiện. Vậy tại sao vẫn để tồn tại những chuyến xe chạy như "xé gió"? Vẫn còn tình trạng chạy quá tốc độ cả trăm lần mỗi tháng thì cần phải xem lại hiệu quả của việc lắp "hộp đen" hành trình.
Đi xe máy, xe ô tô cá nhân ra đường mà vi phạm là bị phạt rất nặng, lái xe khách có hàng chục tính mạng trên xe cần phải làm nghiêm hơn. Nên có quy định về việc thu phù hiệu thời hạn dài hơn với xe vi phạm tốc độ. Dữ liệu hành trình là công cụ quá tốt như vậy, vấn đề bây giờ là có quyết tâm xử lý hay không thôi.
Cần sửa đổi việc vô lý
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết ngày 20-9 sở giao thông vận tải các địa phương đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 469.739 phương tiện. Đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 25.522 phương tiện vi phạm.
Theo một cán bộ đang quản lý giao thông, các quy định chưa bổ sung kịp thời làm cho việc xử lý vi phạm chưa triệt để. Việc thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi xe vi phạm tốc độ chưa phát huy tác dụng ngăn ngừa. Doanh nghiệp vi phạm nhiều lần cũng không xử lý được vì không có hình thức phạt tiền. Trong khi đó, việc cấp phù hiệu (đang miễn phí cho nhà xe) vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí. Đây là vấn đề rất vô lý cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Điệp khúc vi phạm - thu hồi - vi phạm?
Theo dữ liệu được trích xuất từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vào tháng 4-2023 hai xe đầu kéo biển số 75H-013.51 và 75H-013.57 (cùng một doanh nghiệp) vi phạm quá tốc độ hơn 530 lần. Hai xe này ngay sau đó nằm trong danh sách 33 phương tiện bị Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định "thu hồi phù hiệu không thời hạn xe kinh doanh vận tải".
Tháng 5-2023, hai xe này lại vi phạm đến 650 lần. Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế lại có quyết định thu hồi phù hiệu nhưng rồi cặp xe này lại tiếp tục vi phạm hơn… 570 lần trong tháng 7-2023.
Cũng từ dữ liệu được trích xuất vào tháng 4-2023, xe hợp đồng của HTX vận tải ô tô T.Đ (tỉnh Thừa Thiên Huế) mang biển số 75E-002.61 vi phạm chạy quá tốc độ 214 lần. Vào tháng 5-2023 tiếp theo cũng chính xe này lại được ghi nhận vi phạm tốc độ 63 lần và tháng 7-2023 xe này vi phạm tốc độ 82 lần.
Theo dữ liệu thì tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng có tình trạng tương tự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một sở Giao thông vận tải ở miền Trung cho rằng việc xử lý xe vi phạm tốc độ qua dữ liệu "hộp đen" căn cứ theo nghị định số 10/2020 là quá nhẹ. Các doanh nghiệp vận tải "lờn" nên vi phạm tốc độ cả trăm, thậm chí từng trường hợp lên tới 1.000 lần mỗi tháng.
Ông Đặng Nam Sơn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng - cho rằng "việc xử lý, xử phạt theo nghị định số 10 chưa đủ sức răn đe. Vừa rồi chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp tăng tiền xử phạt, giam phù hiệu một tháng để giảm vi phạm tràn lan như hiện nay".
Cùng với việc thu hồi phù hiệu, sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh lái xe nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ và thời gian lái xe.
Cần làm nhanh hơn
Nhiều xe khách chạy quá tốc độ cả ngàn lần/tháng vẫn ung dung hoạt động, đe dọa tính mạng người đi đường. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi quy định để nghiêm trị tình trạng xe chạy quá tốc độ tung hoành trên đường.
Theo bạn đọc Toàn Nguyễn: "Khung chế tài chưa đủ mạnh để xử phạt nhà xe và tài xế. Phải ban hành quy định cứng rắn hơn thì mới mong giảm được những tai nạn thảm khốc do xe khách chạy quá tốc độ. Đồng thời quy định trách nhiệm lớn nhất với nhà xe nếu để tài xế vi phạm vẫn cầm vô lăng".
Bạn đọc Trần Xuân Thông có ý kiến: "Cần phải có chế tài mạnh hơn như tài xế vi phạm bao nhiêu lần trở lên thì tạm đình chỉ lái xe, thu bằng lái. Nếu nhà xe có nhiều xe vi phạm thì tạm đình chỉ đến thu giấy phép kinh doanh".
Bạn đọc Tuấn Hải đề nghị: "Yêu cầu các nhà xe lắp hệ thống camera giám sát hành trình có cảnh báo lái xe về tốc độ và điều quan trọng là không ép lái xe phải chạy quá nhanh".
Bạn đọc Dương bình luận: "Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe kinh doanh vận tải kết hợp các camera giám sát giao thông trên các tuyến đường là cơ sở để phạt nguội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận