03/12/2015 11:02 GMT+7

Đừng để ngư dân cô độc trên biển

TS TRẦN CÔNG TRỤC , (Nguyên trưởng ban biên giới chính phủ)
TS TRẦN CÔNG TRỤC , (Nguyên trưởng ban biên giới chính phủ)

TT - Hiện ngư dân Việt đánh bắt xa bờ đang đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng lại chưa được bảo vệ một cách đầy đủ.

Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị một nhóm người bắn chết ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 26-11 đã cho thấy điều này.

Hành động xả súng của nhóm người này vào tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi là dã man, tàn bạo, bất chấp đạo lý, những quy định luật pháp quốc tế cũng như những quy định đạo đức ứng xử thông thường.

Trong mọi trường hợp, việc dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển không chấp nhận được và đáng bị lên án.

Thế nhưng từ sự kiện này, cũng phải nhìn nhận lại tại sao chúng ta chưa thể bảo vệ tốt ngư dân đánh bắt xa bờ?

Việc Nhà nước thành lập các cơ quan thực thi pháp luật trên biển như cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, biên phòng và hải quân chính là kết quả của sự tiếp thu các kinh nghiệm của thế giới.

Người dân đóng thuế, đóng góp tiền của chỉ mong đơn giản là các lực lượng này làm hết trách nhiệm của mình.

Nhiệm vụ của các lực lượng này không chỉ là kiểm tra, kiểm soát mà quan trọng hơn là tạo môi trường thuận lợi để ngư dân yên tâm đánh cá hiệu quả và an toàn trên các vùng biển của mình.

Dù những lực lượng này có nỗ lực rất lớn nhưng tôi cho rằng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giúp đỡ ngư dân. Do đó, phải rà soát, quán triệt trách nhiệm, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng trên biển.

Tất nhiên cũng rất cần trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân. Rõ ràng, hiện nay chúng ta đang đối mặt với một khu vực Biển Đông có những tranh chấp vô cùng phức tạp và nhạy cảm.

Do nguồn hải sản cạn kiệt ở các ngư trường truyền thống, nhiều ngư dân vì miếng cơm manh áo đã đi sang vùng biển của các nước khác để đánh bắt, dẫn đến việc bị bắt giữ, đánh đập và những hoàn cảnh đau lòng khác.

Do đó, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức về những vùng biển mà ngư dân có thể an tâm đánh cá.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lùi bước từ bỏ những ngư trường truyền thống của cha ông. Không phải vì lý do ngư dân ta bị thiệt hại, bị tấn công mà chúng ta lại lùi bước. Bằng mọi giá chúng ta phải thể hiện sự có mặt của mình trên các vùng biển mình có chủ quyền.

Muốn vậy, cần phải tăng cường số lượng các lực lượng chức năng tại các ngư trường truyền thống của chúng ta ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bà con yên tâm đánh cá, đồng thời hướng dẫn bà con đánh bắt cá theo cách bền vững.

Ngoài ra cũng cần củng cố bằng chứng pháp lý. Đa số ngư dân chưa được trang bị phương tiện đầy đủ để ghi nhận các sự cố, tai nạn trên biển, tình huống xảy ra. Vụ việc xảy ra ở đâu, trong tình huống nào hầu như chúng ta không có bằng chứng cụ thể.

Có nhiều vụ chúng ta thấy cần phải đưa ra tòa án để bảo vệ quyền lợi ngư dân ta, nhưng lại không làm được vì thiếu bằng chứng.

Do đó, cần phải trang bị và hướng dẫn cho ngư dân sử dụng các phương tiện kỹ thuật số như máy ảnh, máy quay phim, điện thoại để ghi lại những tình huống trên biển nhằm làm bằng chứng xác thực sau này.

Cuối cùng, phải nhìn nhận là chúng ta rất thiếu thông tin về các sự cố trên biển. Có những câu chuyện xảy ra cả tháng trời dư luận mới biết và nêu lên. Trong nhiều sự cố trên biển, hầu như chúng ta chỉ nghe một chiều từ ngư dân khiến thông tin thiếu khách quan.

Do vậy, cần có một tổ chức cụ thể đứng ra để tập hợp thông tin, phục vụ cho quá trình điều tra nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân ta.

QUỲNH TRUNG ghi

TS TRẦN CÔNG TRỤC , (Nguyên trưởng ban biên giới chính phủ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp