Nhiều người có trách nhiệm và cả vận động viên thi đấu các cự ly 70km, 100km (chung đường chạy với vận động viên tử vong) đều cho rằng có sự tắc trách, chủ quan trong việc lên phương án an toàn cho người tham gia.
Thứ nhất, giải chạy dự kiến tổ chức vào tháng 3 (mùa nắng) như các năm trước. Tuy nhiên do dịch COVID-19 nên phải hoãn. Trước áp lực đăng ký tham dự đông, công tác tổ chức cũng đã chuẩn bị xong nên ban tổ chức dời giải Dalat Ultra Trail 2020 đến tháng 6 (mùa mưa) và đã diễn ra vào ngày 19 và 20-6 với sự tham dự của 6.200 vận động viên.
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, gần như toàn bộ kế hoạch của một sự kiện dự kiến diễn ra trong mùa nắng đã được dùng giữa mùa mưa. Điều này khiến ban tổ chức không dự liệu hết được những nguy cơ có thể xảy ra.
Thứ hai, khi mưa lớn trong rừng, cuộc thi vẫn tiếp tục. Khi nước dâng cao ở các suối cạn, suối sâu vẫn không có lệnh dừng nào được đưa ra từ ban tổ chức cho đến khi có tai nạn chết người.
Nếu ở các điểm suối cắt ngang đường chạy có người hướng dẫn của ban tổ chức, liệu có xảy ra tai nạn đau lòng?
Nếu ban tổ chức nhận thấy thời tiết bất lợi, quyết định dừng cuộc thi hoặc có phương án khác để bảo vệ vận động viên đang băng rừng thì kết cục sẽ khác?
Nói vậy để thấy kịch bản ứng phó với những diễn tiến bất lợi từ thời tiết đã không được xây dựng ở một cuộc thi đang được đánh giá là lớn, chuyên nghiệp từ khâu xây dựng hình ảnh vận động viên đến kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng vận động viên là người rõ hơn ai hết có nên băng qua suối hoặc dừng lại. Cần lưu ý vận động viên đang trong cuộc đua với quyết tâm cao độ, nếu không có lệnh dừng hay cảnh báo từ ban tổ chức, họ vẫn xem đường đua đang an toàn và cứ nỗ lực thi đấu.
Trước cuộc thi, các vận động viên đều ký giấy miễn trừ để nếu có rủi ro phát sinh thì vận động viên tự chịu trách nhiệm. Điều này không có nghĩa ban tổ chức có quyền xem nhẹ sinh mệnh của họ trong lúc thi đấu và cái chết chỉ là tai nạn do... thiên tai.
Sau tai nạn đã nhiều ngày, nhưng những câu hỏi về công tác đảm bảo an toàn mà dư luận đặt ra vẫn đang rơi vào thinh lặng. Rất cần một cuộc điều tra đánh giá toàn diện, xác định trách nhiệm cụ thể với đơn vị tổ chức. Từ kết quả điều tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tắc trách, nếu có.
Kết quả điều tra cũng là cơ sở hình thành những quy định chặt chẽ để vận hành các hoạt động thể thao gắn với du lịch.
Việc này không nên chần chừ, bởi hiện nay, không chỉ các cuộc thi chạy đang nở rộ mà các loại hình du lịch gắn với thể thao mạo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.
Đừng để mất mát vừa qua lặp lại và cũng đừng để mạng người mất đi vô ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận