19/01/2014 04:30 GMT+7

"Đừng để lạm phát tiến sĩ trong bộ máy"

NGUYỄN VĂN TUẤN (Úc)
NGUYỄN VĂN TUẤN (Úc)

TTO - Tiếp chủ đề đang nóng về quan chức và tiến sĩ, Diễn đàn chủ nhật tuần này mời TS Nguyễn Văn Tuấn, người thường xuyên nghiên cứu về chất lượng khoa học VN, và GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cùng phân tích sâu.

YtnLFnWI.jpgPhóng to
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2011 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Gần đây có nơi có chủ trương “tiến sĩ hóa” cán bộ cấp trung và cấp cao trong hệ thống công quyền. Có người nghĩ rằng cán bộ phải có bằng tiến sĩ mới “đột phá tư duy”. Suy nghĩ này rất thú vị, nhưng tôi sợ là có sự ngộ nhận giữa văn bằng tiến sĩ và quản lý. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda) về sự nhập nhằng giữa tiêu chuẩn đề bạt quan chức và đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi cũng ủng hộ kiến nghị của giáo sư Thọ: “Phải đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sĩ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức, cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sĩ, cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sĩ.” Ngoài ra, cần phải chấn chỉnh lại quy trình và chương trình đào tạo tiến sĩ sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù Bộ Giáo dục và đào tạo mới công bố quy chế về đào tạo tiến sĩ, nhưng trong thực tế hệ thống đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam có vấn đề. Đó là những vấn đề liên quan đến quy trình tuyển chọn nghiên cứu sinh, tuyển chọn đề tài nghiên cứu, chọn người hướng dẫn, và đầu ra của chương trình đào tạo. Những vấn đề này làm cho văn bằng tiến sĩ từ Việt Nam chưa được đánh giá cao trong thế giới học thuật quốc tế.

Hành chính hóa

Tuyển chọn nghiên cứu sinh nhìn bề ngoài rất chặt chẽ và nghiêm túc, từ thi đầu vào và qua xét duyệt của một hội đồng chuyên môn. Nhưng nếu nhìn kỹ thì đó là một cách trình diễn hình thức và hành chính hóa học thuật. Nhiều người thành viên trong các hội đồng “ngồi nhầm chỗ”, nhưng lại có tiếng nói quan trọng mang tính quyết định sự nghiệp của một thí sinh. Nhìn qua những hồ sơ dự thi, dễ dàng thấy thí sinh phải tốn khá nhiều thì giờ để có những giấy tờ và công chứng, giấy xác nhận cấp cơ sở, thậm chí cả ảnh thí sinh! Có nơi còn đòi hỏi thí sinh phải thi môn như xác suất thống kê! Nếu là nghiên cứu sinh về khoa học cơ bản thì thiết nghĩ môn học này không quá cần thiết đến phải thi.

Sự hành chính hóa còn chi phối đến những khía cạnh mang tính học thuật thuần túy, như cách đặt tựa đề công trình nghiên cứu, thậm chí số trang và số tài liệu tham khảo. Những cách hành chính hóa như thế gò bó thí sinh phải làm trong khuôn khổ, và cũng là một cách giết chết tính sáng tạo học thuật.

Có nơi quy định đào tạo tiến sĩ chỉ cần hai năm nếu đã có bằng thạc sĩ. Thật ra, thời gian đào tạo tiến sĩ không tùy thuộc vào ứng viên có bằng gì hay kinh nghiệm ra sao, mà tùy thuộc vào thời gian hoàn tất nghiên cứu. Ở Úc, thời gian đào tạo tiến sĩ thường là bốn năm toàn thời gian, bất kể ứng viên có bằng thạc sĩ hay không. Nếu ứng viên theo học bán thời gian thì thời gian đào tạo dao động trong khoảng 6 - 8 năm.

Đề tài nghiên cứu không xứng tầm luận án

Trong khi đó, việc chọn và thẩm định đề tài nghiên cứu bị lu mờ. Mặc dù đã qua một hội đồng khoa học tuyển chọn, nhưng trong thực tế rất nhiều đề tài nghiên cứu thiếu cái mới và thiếu tính khoa học. Rất nhiều đề tài tiến sĩ có những tựa đề như “bước đầu đánh giá”, “đánh giá hiệu quả”, “nghiên cứu thực trạng”, “nghiên cứu đặc điểm”, “nghiên cứu áp dụng”, “nghiên cứu tác dụng”... nhan nhản trong các luận án tiến sĩ. Theo một thống kê công bố trước đây, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở một trường đại học kinh tế, có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ.

Rất nhiều đề tài dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học”, nhưng trong thực tế đó là những việc làm thường quy của các quan chức, các bác sĩ, chứ không hẳn là nghiên cứu khoa học. “Bước đầu đánh giá” thì khó có thể xem là khoa học. Nghiên cứu khoa học phải được xây dựng trên giả thuyết và giả định, và giả thuyết phải được phát biểu dựa trên những kiến thức hiện hành. Đề tài nghiên cứu phải theo sát kiến thức hiện hành và đóng góp vào tri thức khoa học. Những đề tài như “giải pháp” (rất nhiều) thiếu cái mới trong câu hỏi nghiên cứu, thiếu cái mới trong cách tiếp cận, thiếu cái mới trong phương pháp luận. Vì thế có lúc công chúng đã từng đặt câu hỏi: “Việt Nam có bao nhiêu luận án tiến sĩ … vô bổ?”.

Cũng cần phải mở ngoặc ở đây để nói thêm rằng đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức mới cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ… Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn.

Ở Việt Nam, nhiều luận án tiến sĩ nếu đánh giá một cách nghiêm chỉnh có thể xem là chưa đạt chuẩn mực của một luận án tiến sĩ. Chẳng hạn như trong ngành y, đại đa số những luận án người viết đã đọc qua chỉ là tập hợp 2 hoặc 3 báo cáo của một nghiên cứu duy nhất. Nội dung thì rất đơn giản, đơn điệu, phần lớn chỉ mang tính kiểm kê lâm sàng, chứ không có đóng góp gì cho tri thức khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà giáo sư Trần Văn Thọ nhận xét rằng “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành”.

Tiêu chuẩn chọn người hướng dẫn không rõ ràng

Ở Việt Nam, người hướng dẫn nghiên cứu sinh thường do hiệu trưởng chỉ định. Đó là một quy định khá bất bình thường, vì đáng lý ra người hướng dẫn phải do nghiên cứu sinh chọn với sự thoả thuận giữa người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Tiêu chuẩn chọn người hướng dẫn thường không rõ ràng, mà chỉ chung chung là có học vị tiến sĩ 3 năm trở lên hay có “nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng, đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học”. Trong thực tế, có bằng tiến sĩ cho dù là 10 năm vẫn chưa thể hướng dẫn luận án tiến sĩ nếu không có một chương trình nghiên cứu nghiêm chỉnh và có hệ thống. Một thực tế khác ở Việt Nam: nhiều người hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ là quan chức chứ không hẳn là nhà khoa học, điều đó thật lạ lùng.

Cộng đồng khoa học mang tính kế thừa và người ta đánh giá giá trị của bằng tiến sĩ không phải qua quy trình hành chính, mà qua người hướng dẫn và lab nghiên cứu. Người hướng dẫn phải có tư cách khoa học và uy tín khoa học, chứ không phải đơn giản có bằng tiến sĩ hay có chức danh như GS/PGS. Tư cách khoa học thể hiện qua tính độc lập (như đứng đầu một chương trình nghiên cứu) và từng hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh với vai trò người hướng dẫn phụ hay chính. Uy tín khoa học thể hiện qua công bố quốc tế và uy danh trong chuyên ngành. Ở nước ngoài, không một ai có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu chưa bao giờ có công bố quốc tế. Quy chiếu theo những tiêu chuẩn trên, số người có khả năng và tư cách khoa học để hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ có lẽ không nhiều.

Một hướng giải quyết vấn đề là mời các nhà khoa học nước ngoài. Nhưng các ĐH Việt Nam chưa sẵn sàng, vì những lo ngại có tên "yếu tố nước ngoài". Tôi sống và làm việc ở Úc, nhưng vẫn đóng vai trò hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Hà Lan và Thụy Điển, nhưng chẳng có quan chức nào của hai nước đó xem tôi là "yếu tố nước ngoài" với hàm ý tiêu cực. Khoa học mang tính quốc tế, nên “yếu tố nước ngoài” không có ý nghĩa gì trong hoạt động và đánh giá khoa học.

Hiểu về tiến sĩ hơi lệch

Ở Việt Nam, các đại học chưa có những chuẩn mực đào tạo tiến sĩ. Người ta chỉ nói chung chung rằng tiến sĩ phải có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu, và có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn. Nhưng cách hiểu về tiến sĩ như thế e rằng hơi lệch. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ thì không thể độc lập được, ngay cả sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vẫn chưa thể độc lập được hay hướng dẫn nghiên cứu khoa học, vì vẫn phải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ.

Trước đây, tôi đã đề nghị 6 tiêu chuẩn cho một luận án tiến sĩ. Để có được văn bằng tiến sĩ, ứng viên phải đạt hai điều kiện. Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó.

Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa , đối với bậc tiến sĩ kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học. Để mở rộng kiến thức về một đề tài, nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu khoa học theo sự hướng dẫn của thầy cô. Chính phần nghiên cứu khoa học này phân biệt giữa tiến sĩ và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được.

Chỉ hơn 1/3 tiến sĩ làm trong trường ĐH

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ, nhưng chỉ có khoảng 9.000 (số liệu 2012) làm trong các đại học. Trong số khoảng 11.000 giáo sư và phó giáo sư thì chỉ có 3.000 đang làm việc trong các đại học.

Tiến sĩ phải công bố nghiên cứu trên tập san quốc tế

Rất nhiều người nghĩ học tiến sĩ chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế. Luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo. Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ.

Nếu một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Do đó, nghiên cứu sinh cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh. Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học ở châu Âu, châu Mỹ và Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) nghiên cứu sinh phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines cũng có quy định tương tự.

Ấy thế mà có trường ở Việt Nam ra quy định rằng nghiên cứu sinh không được công bố kết quả nghiên cứu trước khi đệ trình luận án. Quy định này hoàn toàn đi ngược lại quy trình đào tạo tiến sĩ mà các đại học muốn áp dụng (công bố trước rồi mới trình luận án). Thật ra, ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có quy định nào “ngược đời” như thế.

Ở Việt Nam, có nhiều người nghĩ rằng xong chương trình tiến sĩ là đạt đỉnh cao học thuật, không cần học gì thêm nữa. Quan điểm này hết sức sai lầm. Xong tiến sĩ có thể ví von như là xong học nghề. Người học cần phải trau dồi tay nghề mới có thể trở thành độc lập. Nhưng rất tiếc là đại đa số tiến sĩ được VN gửi ra ngoài đào tạo chưa qua chương trình hậu tiến sĩ, vì theo quy định họ phải về nước. Vì thế, phần lớn chưa có cơ hội thực tập sau tiến sĩ và trình độ có khi cũng còn hạn chế. Còn ở Việt Nam thì không có chương trình hậu tiến sĩ. Theo tôi, cần phải gửi nghiên cứu sinh xong tiến sĩ ra ngoài để theo đuổi chương trình hậu tiến sĩ để đào tạo những người này thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Điều này có thể không dễ, vì xin được một học bổng hay suất học hậu tiến sĩ rất khó và cạnh tranh ác liệt. Nhưng nếu nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tập san tốt thì việc xin nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng dễ dàng hơn.

Vi phạm đạo đức khoa học

Có lẽ Việt Nam là nơi duy nhất (?) trên thế giới mà nghiên cứu sinh phải tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu khoa học. Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh được nhận vào học tiến sĩ đều có tài trợ qua hình thức học bổng hay tài trợ của dự án mà người hướng dẫn nhận được. Có nơi chi phí nghiên cứu lại được đùn đẩy cho … bệnh nhân. Có khi và có nơi những xét nghiệm phục vụ cho nghiên cứu của nghiên cứu sinh lại do chính bệnh nhân chi trả mà họ không hề hay biết! Có thể xem đó là một vi phạm nghiêm trọng về đạo đức khoa học.

Một điều lạ lùng khác là nghiên cứu sinh ở Việt Nam phải đứng ra “chăm sóc” những người ngồi trong hội đồng chấm luận án! Qua phản ảnh của nhiều bạn, tôi được biết nghiên cứu sinh thường phải lo chi phí ăn ở và đi lại (kể cả vé máy bay) cho các chuyên gia phản biện. Đáng lý ra đó là phạm vi của đại học, nhưng không hiểu sao nghiên cứu sinh phải đứng ra lo liệu tất cả. Có thể xem đó là một mâu thuẫn về lợi ích (conflict of interest).

Một số giáo sư thay vì đóng vai trò cao quí là hướng dẫn thì lại đóng vai trò như “gia sư”. Họ phụ trách một số khâu trong công trình nghiên cứu, và ép nghiên cứu sinh phải dùng các dịch vụ của họ với cái giá khá cao. Các nghiên cứu sinh vì muốn “nín thở qua sông” nên phải chi thêm tiền để sử dụng các dịch vụ đó để luận án được thông qua dễ dàng. Đó là một vi phạm đạo đức khoa học từ phía người hướng dẫn.

Sai mục tiêu

Sự định chế hóa tiến sĩ như một điều kiện để được đề bạt chức vụ trong hệ thống công quyền là có vấn đề. Vì mục đích của chương trình đào tạo tiến sĩ. Tiến sĩ là một văn bằng xuất phát từ nghiên cứu, học tiến sĩ có nghĩa là nghiên cứu. Người tốt nghiệp tiến sĩ sẽ trở thành một nhà khoa học độc lập và một số sẽ trở thành giảng viên/giáo sư đại học. Dĩ nhiên, có rất nhiều người, nhất là trong y khoa, không qua tiến sĩ nhưng vẫn có thể làm nghiên cứu độc lập, nhưng tiến sĩ nói chung là một cái passport (giấy thông hành) để làm nghiên cứu khoa học. Đó là những mục tiêu của đào tạo tiến sĩ: để làm nghiên cứu hoặc/và giảng dạy. Đào tạo tiến sĩ không phải để làm quan chức trong hệ thống hành chính công quyền.

Thế nhưng trớ trêu thay, ở Việt Nam, tiến sĩ lại là một điều kiện để thăng quan tiến chức. Hệ quả là chúng ta thấy có quá nhiều người có bằng tiến sĩ nhưng không làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy. Có nhiều người có chức danh giáo sư nhưng không giảng dạy mà giữ chức vụ ngoài khoa bảng. Những con số làm chúng ta giật mình.

Hệ quả là năng suất khoa học Việt Nam còn thấp so với các nước trong vùng Đông Nam Á. Theo ước tính của tôi, năm 2013 Việt Nam công bố khoảng 2.100 công trình khoa học trên các tập san quốc tế trong thư mục ISI. Tuy nhiên, so với vài nước trong khối ASEAN, số bài báo khoa học của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Ước tính trong năm 2013, Thái Lan công bố được 6.390 công trình, Malaysia công bố khoảng 8.500 công trình, và Singapore là 11.400 công trình. Nói cách khác, số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 Singapore.

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”. Chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một cộng đồng nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của một nước. Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà. Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kỳ quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước. Các nhà khoa học tương lai của ta cần phải được đào tạo và huấn luyện qua một chương trình có quy củ quốc tế, mà trong đó họ được trang bị bằng những tri thức và kỹ năng chuyên môn không những mới nhất, mà còn phải sâu nhất, để sao cho họ không cảm thấy mặc cảm, mà còn tự hào cầm trong tay một học vị tiến sĩ từ Việt Nam.

Đào tạo tiến sĩ ở Úc

Ở các đại học Úc, quy trình đào tạo tiến sĩ khá nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm chỉnh. Các đại học Úc xem tiến sĩ là văn bằng nghiên cứu, nên ứng viên chỉ tiêu thời gian làm nghiên cứu chứ không học coursework. Bước đầu, ứng viên liên lạc với một giáo sư, và viết đề cương nghiên cứu khoảng 2-3 trang. Đề cương sẽ được gửi ra ngoài cho 2-3 chuyên gia bình duyệt xem chủ đề có xứng đáng với văn bằng tiến sĩ. Khi được thông qua, nghiên cứu sinh sẽ theo học và nghiên cứu toàn thời gian trong lab nghiên cứu của giáo sư. Thời gian theo học thường 3-4 năm. Trong thời gian đó, mỗi tuần nghiên cứu sinh phải tham dự các buổi sinh hoạt (như seminar và workshop) của lab, của bộ môn, và của viện/trường.

Mỗi năm, nghiên cứu sinh phải báo cáo tiến độ, và có sự thẩm định độc lập từ hội đồng học thuật. Khi nghiên cứu sinh đã hoàn tất và công bố khoảng 2-4 bài báo khoa học sẽ được cho phép viết luận án. Luận án sẽ được gửi cho 3 nhà khoa học (trong số này phải có ít nhất 1 người là nước ngoài) bình duyệt. Thông thường sau 3 tháng bình duyệt, nghiên cứu sinh sẽ phải chỉnh sửa theo yêu cầu, và hội đồng học thuật của trường đại học sẽ họp và quyết định trao bằng. Khác với các nước châu Âu, Úc không có buổi lễ bảo vệ luận án, nhưng có buổi trình bày luận án trước toàn bộ viện.

Câu chuyện nhập nhằng giữa quan chức và tiến sĩ đã tồn tại lâu nay ở ta, trở thành một quán tính khó thay đổi nếu không có quyết tâm và quyết định của cấp cao. Trước hết là chúng ta không phân biệt được trách nhiệm công vụ và trách nhiệm khoa học. Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề rằng bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ, bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Ví dụ tiêu chuẩn của một ông chủ tịch xã là trình độ trung cấp, đó là chuẩn đầu vào, thế thì chúng ta chỉ cần người có trình độ như vậy. Trách nhiệm công vụ của ông chủ tịch xã là điều hành bộ máy chính quyền cấp cơ sở, phục vụ nhân dân địa phương theo quy định pháp luật, chứ không phải chịu trách nhiệm về việc nghiên cứu khoa học. Cần nghiêm cấm ông ta sử dụng giờ hành chính để đi học thêm và tất nhiên là ngân sách không cấp cho việc học thêm của ông ấy.

Thứ hai, công chức khi tuyển vào phải đủ tiêu chuẩn và mục đích của việc tuyển dụng công chức là để có người làm việc trong bộ máy, không ở đâu trên thế giới này tuyển công chức vào sau đó lại cử đi học, cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tất nhiên, các nước có những tiến sĩ đảm nhiệm vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, đó thường là những người vốn trước đây theo con đường nghiên cứu khoa học, nhưng sau đó do có năng lực về quản lý, về chính trị nên mới tham gia vào chính quyền. Vì vậy, ở ta nên làm rõ giả định trong cơ quan có 5 tiến sĩ, một tiến sĩ được chọn bổ nhiệm làm vụ trưởng thì đó là do tiến sĩ này có năng lực về quản lý, điều hành chứ không phải do có bằng tiến sĩ.

Thứ ba, chúng ta phải phân biệt giữa đào tạo và bồi dưỡng. Một cử nhân kế toán được đào tạo trong trường đại học, sau đó được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, do yêu cầu công việc hằng năm cử nhân đó có thể phải tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn ngày để cập nhật kiến thức. Như vậy là đào tạo hoàn toàn khác với bồi dưỡng.

Nhìn ra bên ngoài, nguyên thủ các nước lớn nhiều người đâu phải là giáo sư, tiến sĩ, chỉ số tín nhiệm của họ được đo bằng hiệu quả công việc chứ không phải bằng cấp.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN VĂN TUẤN (Úc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp