Các thí sinh hùng biện tại cuộc thi |
Hai thí sinh tranh luận ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín |
Đọc sách nhiều có chất lượng? Học lịch sử như thế nào hay? Tiếp nhận văn hóa Vlog, tín ngưỡng khác với mê tín như thế nào?… Tất cả những vấn đề trên được thí sinh đến từ các trường THPT, đại học (Hà Nội) mổ xẻ, phân tích trong cuộc thi “Tranh luận và hùng biện Black and White” diễn ra chiều 2-3 tại Hà Nội.
Phải có trách nhiệm với lịch sử
Cuộc thi tranh luận và hùng biện Black and White 2014 (BNW) diễn ra trong thời gian từ ngày 30-11-2013 đến ngày 2-3-2014 do Youth's View, Voice and Vision in Society - tổ chức phát triển tư duy, tranh luận, hùng biện trong giới trẻ tổ chức. Sau vòng chung kết tranh luận gay cấn, ban giám khảo đã chọn ra thí sinh xuất sắc và trao giải nhất là Nguyễn Thành Đạt - SV khoa luật quốc tế Trường đại học Quốc gia Hà Nội. |
Vòng hùng biện đầu tiên, thí sinh Lê Khánh Linh (Đại học Ngoại thương) cho rằng với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết đọc sách để làm gì, tìm kiếm thông tin hay tìm sự đồng cảm, sẻ chia… Thậm chí nhiều bạn coi giá sách là vật trang trí đẹp đẽ của mình trong mắt mọi người.
“Điều quan trọng không phải là đọc bao nhiêu mà là đọc những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì. Có người đọc nhiều sách nhưng luôn sẵn sàng bình phẩm, chê bai người khác, thờ ơ với những điều giản dị xung quanh. Hãy đọc sách để tham khảo rồi gấp sách lại và mở cuộc đời ra”, Linh nói.
Giải thích lý do khiến giới trẻ "quay lưng" với lịch sử, Vũ Phương Linh (sinh viên khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: “Tất cả những gì trong sách lịch sử dạy chúng ta là chưa đầy đủ. Chúng ta chỉ biết đến những chiến thắng hào hùng của dân tộc còn thất bại thì rất ít, nếu có chỉ là để nhấn mạnh thêm sức mạnh của anh hùng dân tộc mà thôi. Ở nhà, tôi được nghe bố mẹ kể về thời bao cấp, có thể không được sáng sủa nhưng đó là thực tế cuộc sống của ông cha ta ngày xưa. Ông cha ta là nhân chứng lịch sử chân thực và kể lại cho chúng ta nghe những câu chuyện mà trong sách giáo khoa không có”.
Theo Phương Linh, một phần giới trẻ thờ ơ với môn học lịch sử do đã quá quen với chiến thắng hào hùng của dân tộc. “Nếu không biết được ông cha ta đã từng sống như thế nào thì làm sao có thể biến lịch sử thành truyền thống được”, Linh quả quyết.
“Giới trẻ chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử - Nhữ Hương Trà (học sinh lớp 11 Trường THPT Amsterdam) khẳng định - Nhìn lại phương tiện thông tin chúng ta đang có: mạng Internet, sách vở, điện thoại, tivi… nhưng chưa bao giờ chúng ta vận dụng có hiệu quả. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi cả đất nước ta nắm tay nhau. Thời điểm đó nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu về lịch sử, về chiến thắng Điện Biên hào hùng, về cuộc đời và con người đại tướng. Chúng ta không tìm hiểu đại tướng khi người sống bởi bạn trẻ không biết học lịch sử để làm gì ngoài mục đích thi đại học…”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc và giáo sư Nguyễn Lân Dũng trao giải cho các thí sinh xuất sắc |
Tiếp nhận văn hóa cần lập trường vững vàng
Năm 2011, Vlog đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam do một du học sinh ở Anh thực hiện. Từ đó, trào lưu làm Vlog nở rộ và thu hút nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên cá tính, mong muốn được thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ chóng mặt của Vlog, vấn đề tiếp nhận thông tin từ kênh giới trẻ này khiến nhiều bạn còn lúng túng.
Thí sinh Nguyễn Hà Phi (khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ quan điểm, đặc tính thông tin trong Vlog là ngôn ngữ gần gũi với đời thường, dễ tiếp thu, thi thoảng có tiếng lóng; đề tài trong Vlog đề cập đến những vấn đề ngoài xã hội ít có dịp bàn đến như tình bạn, tình yêu, tình dục… “Tuy nhiên đó chỉ là quan điểm cá nhân, đừng tiếp thu nó như kiến thức chuẩn, tự các bạn xem Vlog nên xem xét và xử lý thông tin. Các bạn trẻ nếu không tự mình tìm hiểu, phân tích cặn kẽ nguồn tin dẫn đến chúng ta sẽ tự ngụy biện, nghiễm nghiên coi đó là đúng. Bản thân Vlog không mang tính tiêu cực mà do cách tiếp cận Vlog của chúng ta có đúng hay không”.
Vòng chung kết hùng biện bàn về “Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín ở Việt Nam”, Nguyễn Thành Đạt (khoa luật quốc tế, Trường đại học Quốc gia Hà Nội) chinh phục khán giả và giám khảo bằng những dẫn chứng xác thực, rõ ràng.
“Tín ngưỡng là hệ thống niềm tin mà con người cho rằng sẽ mang lại bình an. Việt Nam có rất nhiều lễ hội, hơn 80% lễ hội mang tính chất tín ngưỡng như Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng… Tuy nhiên, khi thực hiện tín ngưỡng đó như đốt vàng mã tốn hàng chục triệu (xe SH, nhà lầu, xe hơi...) là mê tín. Đơn giản như đến Văn miếu Quốc Tử Giám mục đích cùng tìm hiểu hình ảnh truyền thống hi vọng rằng có kỳ thi, bài thi tốt nhưng các thí sinh sờ đầu cụ rùa, viết tên lên bảng vàng và tin là điều đó sẽ giúp các bạn thi đỗ. Đó chính là hình thức mê tín được phát đi từ tín ngưỡng”, Đạt hùng biện.
Tham dự cuộc thi, lắng nghe quan điểm của giới trẻ về văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc - giám khảo cuộc thi, nhắn nhủ với các bạn sinh viên: “Khi các bạn đứng trước nhiều sự lựa chọn khác nhau đó là cơ hội cũng là thách đố. Vì vậy hãy tự mình tìm ra con đường đúng đắn cho riêng mình. Hãy luôn luôn tìm tòi, khai thác tất cả cơ hội và tìm ra phương thức để tìm ra hướng đúng cho cuộc sống của mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận