Phóng to |
Không tin
Người dân không tin Petrolimex lỗ. Bởi lẽ dù lỗ năm 2011 và thị phần giảm nhưng tại công ty mẹ Petrolimex tổng quỹ tiền lương năm 2011 lại tăng? Khoản lỗ trước thuế trên 1.400 tỉ đồng rõ ràng là nghịch lý với tiền lương cao và tăng ở doanh nghiệp này vì không ai kinh doanh lỗ mà chi lương cao cả. Đó là chưa kể họ chiếm thị phần chi phối, làm sao kinh doanh lỗ được? Thử hỏi người dân, chắc nhiều người sẽ trả lời: không tin Petrolimex lỗ!
Trách nhiệm của ai?
Biết đến khi nào mới chấm dứt câu chuyện khi xăng dầu thế giới giảm giá thì kinh doanh xăng dầu trong nước lại than lỗ nên chưa thể giảm giá? Vậy mà bây giờ Petrolimex lại kinh doanh lỗ cả ngàn tỉ đồng. Trách nhiệm của các nhà quản lý ở đâu? Làm ơn kiểm soát chặt các doanh nghiệp nhà nước, đừng để cứ lâu lâu lại báo tập đoàn này, doanh nghiệp kia lỗ cả ngàn tỉ đồng. Dân mình còn nghèo lắm, không thể làm ra từng đồng tiền để tiêu xài lãng phí.
Làm rõ nguyên nhân lỗ
Những doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước làm ăn kém hiệu quả cứ lần lượt bị phanh phui. Hết EVN rồi bây giờ là Petrolimex. Tình trạng lỗ lớn nhưng lương vẫn cao rõ ràng là có điều gì đó không bình thường trong quản lý ngân sách nhà nước và không thể chấp nhận được. Ai rót tiền vô tư cho doanh nghiệp này mà không kiểm tra, kiểm soát? Petrolimex cung cấp xăng dầu với thị phần chi phối và giá xăng của VN bao giờ cũng cao hơn giá thế giới, sao lại lỗ được? Phải chăng có gì khuất tất trong vấn đề thu chi ở doanh nghiệp này?... Những câu hỏi này cần được làm rõ. Tiền thuế của dân mà xài như thế thì thật là tội nghiệp cho người dân. Chẳng lẽ người dân cứ phải oằn vai gánh cho doanh nghiệp làm ăn kiểu này mãi?
Cần sự công khai
Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) nói rất đúng. Nhà nước phải xác minh tính xác thực thông tin của doanh nghiệp công bố. Bây giờ các doanh nghiệp nhà nước này kêu lỗ thì có trời mới biết là thật hay không. Tại sao các doanh nghiệp này không công khai thu - chi cho mọi người dân biết? Nếu lỗ thật thì cần lời giải thích tại sao lại lỗ, do những nguyên nhân nào, để dân biết, dân kiểm tra chứ. Công khai kết quả kiểm toán đối với các doanh nghiệp nhà nước khó đến vậy sao?
Chuyện muôn thuở
Đã có dư luận về chuyện nhiều người ráng chạy chọt xin vào ngành xăng dầu và ngành điện là đủ hiểu tình hình lương bổng ở hai ngành này khá đến cỡ nào. Kinh doanh xăng dầu, điện nhưng lại lỗ, có phải do tiền lương thưởng một bộ phận người ở các ngành này luôn quá cao? Vì sao là doanh nghiệp nhà nước mà chuyện kinh doanh lỗ nhưng vẫn hưởng lương cao này không được kiểm soát? Bà Lê Thị Nga đã nêu ý kiến rồi, nhưng liệu có sửa hay không? Bởi tôi thấy cũng đã có nhiều ý kiến đề cập chuyện này rồi, nhưng có vẻ ý kiến chỉ để nói lên lòng dân thôi, chứ thực tiễn kết quả ra sao ai cũng đã rõ!
Càng đọc càng sốc
Tôi nói thật tình, đọc những thông tin kiểu này tôi rất sốc. Tại sao những nghịch lý như vậy lại tồn tại (và sẽ còn tồn tại) trong xã hội ta? Các tập đoàn nhà nước (hay chỉ là mượn danh nhà nước), họ là ai mà có thể làm được chuyện ngược đời như vậy: làm ăn lỗ cả ngàn tỉ đồng mà lại trả lương cao ngất ngưởng? Chừng nào nước ta thoát khỏi tình trạng người nghèo nuôi người giàu, người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng và người công nhân ăn gói xôi 1.000 đồng trước khi đi làm để những ông doanh nghiệp lớn tha hồ làm thất thoát tiền tỉ của nhân dân?
Người tiêu dùng lãnh đủ?
Từ chuyện kinh doanh lỗ mà lương cao của Petrolimex, người ta có thể nghĩ đến nguyên nhân khiến giá xăng ở nước ta cứ cao hơn giá thế giới, dù giá xăng thế giới giảm thì giá trong nước cũng không giảm. Có phải làm ăn kém hiệu quả nên để duy trì bộ máy với tiền lương khá cao, họ đổ hết lên đầu người tiêu dùng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận