23/06/2017 11:45 GMT+7

Đừng để con 'sốc' sau kỳ thi

MẠNH KHANG
MẠNH KHANG

TTO - Chăm sóc con thế nào trong kỳ thi và sau kỳ thi vất vả? Nhiều em học sinh thi xong, làm bài không tốt, có tâm lý buồn bã, lo lắng, cha mẹ hiểu và chia sẻ ra sao?

Sự quan tâm, những lời hỏi thăm vui vẻ sẽ tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh trong suốt kỳ thi lẫn thời gian đợi kết quả - Ảnh: MẠNH KHANG
Sự quan tâm, những lời hỏi thăm vui vẻ sẽ tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh trong suốt kỳ thi lẫn thời gian đợi kết quả - Ảnh: MẠNH KHANG

Những lời nói, thái độ không phù hợp của cha mẹ, người thân thí sinh trong mùa thi có thể khiến con em tăng thêm áp lực, cảm thấy bản thân thất bại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và kết quả thi.

“Những cử chỉ nho nhỏ của phụ huynh như nụ cười, cái ôm, cái vỗ vai, nắm tay, đưa con chai nước, miếng bánh, che nắng cho con... trong kỳ thi là sức mạnh vô hình tiếp thêm năng lượng cho thí sinh"

TS Huỳnh Anh Bình

Chỉ cần yêu thương và tin cậy

Chuyên gia tâm lý - TS Huỳnh Anh Bình, giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, cho rằng rất nhiều phụ huynh không biết những lời nói, hành động, sự đòi hỏi mà họ nghĩ là thể hiện sự quan tâm, yêu thương con, muốn con tốt hơn đã vô tình làm con áp lực hơn. Sự thoải mái, tỉnh táo và tự tin của con trẻ là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên kết quả thi tốt.

Theo TS Huỳnh Anh Bình, các bậc phụ huynh chú ý cách ứng xử phù hợp trong thời gian diễn ra kỳ thi. Nếu phụ huynh ở lại chờ con thì phải thật chú ý khoảnh khắc con bước ra khỏi phòng thi. Tùy vào biểu hiện vui buồn của con mà phụ huynh chọn cách nói chuyện, động viên cho phù hợp.

Quan trọng hơn hết là phải nhớ nguyên tắc khi gặp con tuyệt đối không nên hỏi dồn con như có làm bài được không, đề khó hay dễ, đúng sai mấy câu, khi con làm sai thì phân tích này nọ hoặc la mắng... Đây là những lời nói dễ khiến con cảm thấy buồn bã hơn, thất vọng hơn nếu làm bài không tốt, tăng thêm áp lực cho những môn thi tiếp theo.

Con về nhà, nội dung trao đổi sau khi con thi xong cũng nên dừng lại ở việc hỏi con có mệt không, nếu con chủ động chia sẻ về kết quả thi thì phụ huynh mới trò chuyện nhiều hơn.

Trường hợp con đang buồn vì kết quả thi không tốt thì phụ huynh chỉ nên động viên bằng những câu nói có thể chia sẻ hơn thường ngày một chút kèm một lời chúc thi tốt cho môn sau rồi kết thúc. Không nên cố hỏi han thêm quá nhiều khi con không muốn trả lời và cần được nghỉ ngơi.

Một người mẹ động viên con gái trước khi vào phòng thi môn văn sáng 22-6 tại điểm thi THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) - Ảnh: D.PHAN
Một người mẹ động viên con gái trước khi vào phòng thi môn văn sáng 22-6 tại điểm thi THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) - Ảnh: D.PHAN

Làm bài không tốt không phải là thất bại

TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM - cho rằng trong thời gian diễn ra kỳ thi hay sau khi kỳ thi kết thúc, nếu con em chủ động chia sẻ rằng các em đã làm bài không tốt, cảm thấy thất vọng vì phụ lòng thầy cô, cha mẹ thì phụ huynh hay người thân phải động viên, chia sẻ với con ngay.

Những câu nói như “dù kết quả có thế nào thì con cũng đã cố gắng hết sức rồi, cha mẹ tự hào về điều đó” hay “con làm bài không được có thể do đề thi ở mức độ cao, bạn nào cũng sẽ gặp trường hợp như vậy, cứ chờ kết quả con nhé” sẽ giúp các em đỡ căng thẳng, trầm uất - TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ.

TS Chính lưu ý kỳ thi chung nên chỉ khi có kết quả chính thức, phụ huynh mới nên cùng con thảo luận, tư vấn về nguyện vọng ngành học, trường học phù hợp và dù ở thời điểm nào cũng không nên nhắc quá nhiều về những gì đã qua.

NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh nhắc nhở: “Phụ huynh hãy xem những công sức mà mình lẫn con bỏ ra là đầu tư cho con người, đừng xem nó như là đầu tư trong kinh doanh để rồi tính toán, trách móc con. Hãy nhớ thất bại không phải là chấm hết, thất bại là bài học. Và các con cần những bài học như vậy”.

Nguyên tắc “đồng hành cùng con”

TS Huỳnh Anh Bình cho biết dù phụ huynh không trực tiếp đưa con đi thi nhưng phải cho con thấy con vẫn luôn có cha mẹ đồng hành, quan tâm chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của con. Luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan khi trò chuyện, hỏi thăm con, không nên thể hiện thái độ buồn, giận hay thất vọng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi có kết quả của kỳ thi, cha mẹ nên nắm bắt tâm lý của con ngay để kịp thời chia sẻ trấn an con nếu kết quả thi không tốt, tránh trường hợp để các em sốc nặng sau thi, dễ dẫn đến trầm cảm, có những hành vi tiêu cực.

GS-TS-nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng trong thời điểm thí sinh ra khỏi phòng thi, cha mẹ nên hỏi thăm nhẹ nhàng về sức khỏe.

Khi ngày thi kết thúc chú ý chăm sóc con bình thường, có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tạo không khí gia đình vui tươi, thoải mái.

Việc nhắc lại bài đã thi quá nhiều hoặc chú tâm vào bài giải càng khiến con mất tập trung vào môn thi kế tiếp.

MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp