30/12/2019 06:29 GMT+7

Đừng để 'cấm rượu bia khi lái xe' chịu thử thách

H.VÂN - N.ĐÔNG - H.MY thực hiện
H.VÂN - N.ĐÔNG - H.MY thực hiện

TTO - Từ 1-1-2020, luật "cấm rượu bia khi lái xe" có hiệu lực. Người dân sẽ phải chọn: đã uống bia rượu thì không lái xe; hoặc lái xe cũng không được uống một giọt bia rượu.

Đừng để cấm rượu bia khi lái xe chịu thử thách - Ảnh 1.

CSGT quận Bình Thạnh, TP.HCM đo nồng độ cồn người điều khiển xe máy - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam về chuyện này.

* Anh Patrick M.Davies (người Anh):

Đừng để cấm rượu bia khi lái xe chịu thử thách - Ảnh 2.

Luật nghiêm khắc, áp dụng cần nghiêm khắc

Tôi không nghĩ luật mới sắp áp dụng từ ngày 1-1-2020 siết chặt bia rượu ở Việt Nam sẽ hiệu quả. Lý do là tôi không thấy có tính thực tiễn trong việc áp dụng thực tế.

Ở Anh, uống chút rượu bia vẫn có thể lái xe. Nhà chức trách sẽ căn cứ trên độ cồn trong máu, khí thở hoặc nước tiểu của bạn. Trong giới hạn cho phép, cụ thể là 50mg cồn/100ml máu, 22mg cồn/100ml khí thở và 67mg cồn/100ml nước tiểu, bạn không bị phạt.

Luật mới áp dụng từ đầu năm 2020 thật sự rất nghiêm khắc: một giọt rượu bia cũng không được. Quy định này là rất ngặt nghèo, nghiêm khắc hơn cả ở Anh - có thể Việt Nam có căn cứ khoa học của mình. Do luật sắp có hiệu lực, chúng ta hãy bàn về việc chấp hành. Theo tôi, nhà chức trách phải rất nghiêm minh, tuyệt đối không để tình trạng thương lượng, mặc cả với pháp luật diễn ra.

Tôi đã ở Việt Nam từ năm 2012, và tôi thấy việc uống rượu bia là "một phần của cuộc sống" với nhiều người dân ở đây. Từ việc tiếp khách, đám cưới, đám giỗ... đều có sự hiện diện của rượu hoặc bia. Ngoài ra, việc uống rượu bia và lái xe còn liên quan đến kinh tế. Rượu bia không đắt tiền và nhanh chóng giúp giải tỏa căng thẳng, đồng thời nhiều người dân có nhu cầu này không có khả năng trả tiền taxi đi đến quán nhậu rồi trở về.

* Ông Tony Shepherd (người Úc):

Tăng cường giáo dục ý thức của người dân

Tôi không lái xe, chỉ riêng chuyện đi bộ thôi cũng khiến tôi sợ rồi. Tôi từng lái xe ở nhiều quốc gia, nhưng ở đây thì tôi không thể hiểu nổi kiểu lái xe rất ích kỷ của một số người, chưa kể mấy người say xỉn khi lái xe.

Suốt 11 năm làm quản lý resort ở Việt Nam, tôi nhiều lần thấy nhân viên của mình bị thương nặng vì tai nạn xe máy, thậm chí có người qua đời sau tai nạn nghiêm trọng ở Nha Trang. Có người bạn uống xỉn, chạy nhanh rồi tông vào dải phân cách. Rồi vài năm trước, sau khi uống nhiều bia tại một buổi liên hoan, một quản lý kinh doanh resort chạy xe về nhà và bị tai nạn, phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng và nghỉ làm một thời gian dài. May mắn là cậu ấy đã hồi phục.

Một buổi chiều thứ bảy nọ, tôi và một người bạn Việt Nam băng qua đường và anh ấy bị một người lái xe máy tông phải. Người đó nồng nặc mùi bia rượu. Bạn tôi lúc đó bị tông văng ra xa nhưng may mắn không sao, còn người đi xe máy kia phải vào bệnh viện. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảnh tượng bạn mình bị tông bay qua mặt mình ngày hôm đó.

Tôi nghĩ luật mới sẽ gặp nhiều thử thách. Điều quan trọng là ngoài việc áp dụng luật mới, cơ quan chức năng còn phải tăng cường giáo dục người dân về hệ lụy của việc uống rượu bia khi lái xe. Đồng thời hình phạt cho hành vi lái xe khi say xỉn phải thật nặng, chứ không phải chỉ vài trăm ngàn...

Ở Úc, thông thường nồng độ cồn trong máu cho phép là 0,05%, nồng độ cồn càng cao, mức phạt càng nặng. Ở mức độ nhẹ nhất, người vi phạm sẽ phải đóng một khoản tiền phạt khá đáng kể, bị trừ điểm và tạm thời tước giấy phép. Người vi phạm nghiêm trọng hơn có nguy cơ bị vô hiệu hóa giấy phép dài hạn, thậm chí đối mặt với án tù.

* Anh LU LING KAI (Đài Loan - Trung Quốc):

Đừng để cấm rượu bia khi lái xe chịu thử thách - Ảnh 3.

Ủng hộ mức phạt nặng

Tôi luôn ủng hộ siết chặt luật pháp chống uống rượu bia vì đó không chỉ là hành động thiếu trách nhiệm, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác.

Tuy nhiên, rượu bia là vấn đề chung của con người. Đài Loan nơi tôi sinh sống cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi suy nghĩ, hành vi, và thói quen của người dân nhằm giảm thiểu số người lái xe khi đã uống rượu bia. Theo tôi, một trong những thay đổi lớn nhất trong luật pháp chống rượu bia của Đài Loan là người vi phạm có thể bị phạt tù.

Tại Việt Nam, luật "cấm uống rượu bia khi lái xe" sẽ khó đạt hiệu quả cao khi rượu bia là "một phần của văn hóa Việt". Rượu bia có mặt ở khắp nơi. Tôi làm công việc văn phòng, và khi đi ra ngoài ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp cũng nhiều lần bị ép uống. Chính vì vậy tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng mạnh dạn từ chối.

Tôi ủng hộ mức phạt nặng cho người vi phạm luật. Mức phạt đủ nặng sẽ khiến giúp luật "cấm rượu bia khi lái xe" trở nên hiệu quả hơn.

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ luật

Trong cuộc thăm dò do báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) tổ chức, đến 9h sáng 29-12, 7.199 bạn đọc tham gia bầu chọn đã ủng hộ luật "cấm rượu bia khi lái xe". 1.287 bạn đọc có ý kiến "mong điều chỉnh đôi chút" về luật và 263 bạn đọc bấm vào ô "ý kiến khác".

K.B.

Từ 1-1-2020 cấm ép uống rượu bia Từ 1-1-2020 cấm ép uống rượu bia

TTO - Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Từ thời điểm này, nhiều hành vi rất thường gặp ở Việt Nam sẽ bị cấm, trong đó có việc ép, thúc đẩy uống rượu bia.

H.VÂN - N.ĐÔNG - H.MY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp