Chuẩn bị cho Ngày nhà giáo VN (20-11), lớp 4A Trường tiểu học Phan Bội Châu (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil) say sưa luyện tập để chuẩn bị dâng tặng thầy cô giáo tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất. Ảnh tư liệu trong bài . |
TTO xin trích đăng:
- Không hiểu vì sao cái tình thầy trò giờ không còn ấm áp vô tư như xưa nữa? Xã hội thay đổi nên con mắt nhìn người thầy cũng méo mó đi chăng? Tâm sự thật lòng của cô giáo trong bài viết quả là một người thầy rất quý, biết tự trọng với nghề. Nhưng cũng chả thiếu những thầy cô bị đồng tiền trong cái phong bì của phụ huynh làm mất đi đi vẻ đẹp của thầy cô.
Chuẩn mực của người thầy giờ ra sao cho đúng đạo? Cả những kỷ luật với trò bắt úp mặt vào tường, bắt lau bảng khi phạm lỗi để cho trò đi vào nếp nghĩ cũng rất cần.
Tôi nhớ lại chuyện ngày đi học, có một cậu trò nghịch kinh khủng, cô giáo phạt úp mặt vào tường. Vẩy mực vào vở của bạn để trêu bạn, cô bắt chép lại 10 lần trang viết. Cậu trò ấy đã là tổng giám đốc vẫn chả quên tìm thăm cô này tết, ngày 20-11 kia!
Hoá ra cô giáo kỷ luật nghiêm lại cho cậu trò nhớ cô mãi, ơn cô mãi đó. Nhưng giờ thì sao cách ứng xử giữa cô và trò cứ như sinh sự với nhau, phụ huynh không chung lòng với cô thầy dạy con mình cho tử tế. Cũng bởi nhiều phụ huynh con hư, học kém vẫn mua được lời khen, cái sự bỏ qua của thầy cô bằng gói quà và cái phong bì!
- Tôi cũng từng là học sinh, con tôi giờ cũng là học sinh. Nhưng tôi thấy cách học và dạy của 2 thế hệ khác nhau nhiều quá.
Trước kia, chúng tôi đi học, nếu bạn nào phạm lỗi thì tùy vào mức độ mà bị thầy cô có hình thức phạt khác nhau. Có bạn bị quay mặt vào tường, bạn thì ngửa bàn tay lên để cô tét cho mấy cái, bạn nào ngang ngược hỗn láo quá mức, nói nhiều lần không được thì cô cho lên cột cờ vào mỗi sáng chào cờ ngày thứ hai, hình phạt này là nặng nhất nên bạn nào cũng sợ.
Vậy nhưng về nhà chẳng ai dám hé răng nói với cha mẹ một lời, còn phải dặn dò bạn thân là không được về mách bố mẹ tớ nha.
Đến bây giờ, ai cũng đã trưởng thành, mỗi người mỗi nơi, mỗi nghề khác nhau nhưng trong tất cả chúng tôi mỗi khi gặp gỡ hoặc họp lớp hàng năm chẳng đứa nào trách móc hay oán giận thầy cô một lời. Có con rồi mới hiểu hết được tấm lòng thầy cô, tất cả những việc thầy cô làm ngày đó đều là tốt cho chúng tôi. Mỗi khi có dịp về quê, chúng tôi vẫn tranh thủ bằng mọi giá đến thăm cô chủ nhiệm cũ, tình thầy trò vẫn ấm áp, thiêng liêng như ngày nào.
Còn bây giờ, tình thầy trò nó sao sao ấy, không gọi thành tên... Nhiều thầy cô tâm huyết với nghề, họ dạy học vì yêu nghề, nhưng nhiều người cũng làm mất đi sự kính trọng của học sinh và phụ huynh vì nhân cách và sự dạy dỗ vì mục đích khác.
Qua tâm sự của cô giáo trong bài viết Tâm sự của cô giáo nhân ngày 20-11, mong rằng thầy cô cũng có cái nhìn khách quan về cái nghề của mình, phụ huynh cũng nhìn nhận lại thái độ, suy nghĩ, hành động của mình. Đừng vì thương con quá mà có những việc làm có thể nói là chính mình làm hư con mình. Con hư nhưng khăng khăng bênh vực, cô có phạt lỗi thì kiện cáo, la lối, thật không nên chút nào.
- Tôi không phải là giáo viên, chỉ đơn thuần là cô học trò của 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, 4 năm lê la trên giảng đường đại học và bây giờ là người mẹ đưa các con đến trường. Trong tôi, bao giờ cũng nhớ về thầy cô trong ngày 20-11 dù có thể chỉ là ký ức.
Ngày 20-11 có những món quà tri ân thầy cô như một nghĩa vụ, như một lời gợi ý đáp trả.
Tuy nhiên, cũng không thiếu những món quà được chắt chiu gửi gắm từ tình cảm chân thành, như một lời động viên tinh thần nhằm trao cho thầy cô một điểm tựa, một động lực trên con đường trồng người của mình.
Cũng như mọi năm, món quà tôi chuẩn bị cho các con tri ân thầy cô nhân ngày 20-11 với một tấm lòng thành, hy vọng là một chút kỷ niệm và niềm vui trong quảng đời dạy học của các thầy cô.
- Thật tình mình cũng thấy cay mắt khi đọc các tâm sự của các thầy cô. Nói cho công bằng, đúng là 100% ý nghĩ của phụ huynh là lương của thầy cô chưa đủ nên có những hành động giúp đỡ gián tiếp như vậy.
Nhiều thầy cô dạy thêm có thu nhập khá hơn có thể không cần đến sự giúp đỡ này nhưng nhiều thầy cô vẫn lận đận với cơm áo gạo tiền và con cái, những khi ốm đau lại phải nhờ bên nội ngoại hay vay mượn.
Tôi mong các thầy cô hãy chấp nhận lòng biết ơn mà đừng từ chối. Nếu thầy cô nào muốn từ chối, tôi xin mách một giải pháp: lập một quỹ khuyến học của riêng lớp và công khai số tiền nhận được và dùng tên học sinh tặng để ghi vào sổ khuyến học này. Có thể trong lớp có những em rất cần đến những đồng tiền này, tuy không nhiều nhưng đã giúp ngặt cho học sinh đó.
Ngày Nhà Giáo không phải chỉ phụ huynh và học sinh bày tỏ sự tri ân mà cũng là của nhà giáo bày tỏ sự bằng lòng của mình với học sinh. Xin thứ lỗi nếu tôi có làm phật ý thầy cô. Kính chúc thầy cô một ngày 20-11 thật hạnh phúc và dồi dào sức khỏe.
- Trước đây tôi cũng từng có thời gian làm giáo viên cho trường quốc tế, chỉ là quản nhiệm nhưng ngày 20-11 cũng nhận được rất nhiều quà, tiền. Cho quà và tiền cho GV ngày 20-11 dường như đã trở thành thói quen, không nhận không được, mà nhận thì rất ngại.
Sau bao đêm trăn trở, tôi quyết định nghỉ làm vì nghĩ mình nhận những đồng tiền đó không đúng công sức mình bỏ ra. Tiền ngày 20-11 bằng lương 2, 3 tháng cộng lại. Ai trong hoàn cảnh mới hiểu. Nếu không có can đảm tìm việc khác, phải "nhu nhược" mà nhận tiền, quà vậy.
- Không nên nghĩ 20-11 là ngày đáng sợ. Đó là ngày người thầy nhận được những bày tỏ, chia sẻ, tình cảm của phụ huynh và các em học sinh. Và họ đáng được nhận những đều đó.
Mỗi gia đình có hoàn cảnh đều khác nhau, việc tặng quà gì không quan trọng bằng cách tặng quà và nhận quà.
Phụ huynh nên tôn trọng thầy cô khi tặng, đó là sự tri ân, chia sẻ bằng chính tấm lòng của mình (đó là cách tặng quà).
Thầy cô nên yêu mến dạy dỗ hết lòng các thế hệ tương lai (đó chính là cách nhận quà của thầy cô).
- "Văn hóa phong bì" ngày nay đã len lỏi vào các ngóc ngách của cuộc sống nên cần phải nghiêm túc suy nghĩ lại . Bản thân tôi đã tròn 15 năm liên tục làm phụ huynh nên tôi biết rõ có một bộ phận không nhỏ phụ huynh thích tặng "quà" thầy cô khi có dịp.
Bản thân tôi chỉ khuyên các cháu nên tặng thầy cô những lời chúc thực lòng và phấn đấu học thật giỏi đó là món quà tốt nhất mà thầy cô nhận được .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận