13/04/2012 09:37 GMT+7

Đừng để cái nhỏ làm hỏng cái lớn

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Chuyện một số trường THPT tại Vĩnh Phúc “gây khó dễ” cho học sinh yếu, kém nộp hồ sơ thi đại học đang gây xôn xao dư luận. Song gạt bỏ cái tự phát, vội vã của một vài cơ sở giáo dục thì cách tư duy “hướng nghiệp” của Vĩnh Phúc lại đáng để chúng ta suy nghĩ với đề án dành hơn 3.600 tỉ đồng chi cho người học, người tổ chức lớp học nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo trong mười năm (2011-2020).

Một tỉnh có tổng thu ngân sách lên đến hơn 16.000 tỉ đồng, mà con số lao động trong các doanh nghiệp vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ có 40.000 người. Doanh nghiệp kêu thiếu lao động trầm trọng, còn sinh viên của tỉnh tốt nghiệp các trường ĐH lại thất nghiệp dài dài. Hóa ra doanh nghiệp ở đất này không thiếu vốn mà đang “khát” nguồn nhân lực có kỹ thuật, có kỷ luật lao động, có tác phong công nghiệp.

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT có 30-35% theo học nghề trong năm 2012-2013 và tăng dần lên mức 40-45% các năm sau đã không còn khoán trắng cho ngành giáo dục mà đã trở thành ưu tiên của tỉnh trong phát triển để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Người học nghề được hỗ trợ 300.000-450.000 đồng/tháng, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và bố trí việc làm ổn định cho người học cũng được “thưởng” 400.000 đồng/người/tháng... “Kỳ vọng 10-15 năm tới, Vĩnh Phúc có đội ngũ lao động chất lượng, đủ sức thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa địa phương” - bà Dương Thị Tuyến, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nói về tầm nhìn xa của đề án.

Nói đi vẫn phải nói lại, việc phân luồng cần có thời gian. Lay chuyển được nhận thức người học, người làm cha, làm mẹ về những cánh cửa rộng hơn ngoài con đường vào ĐH, CĐ không phải chuyện dễ dàng. Ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính một chiều, từ chối nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH của những học sinh xếp loại yếu, kém chẳng phải đã gây bức xúc, bất bình trong nhiều gia đình ở Vĩnh Phúc đó hay sao?

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga dù hoan nghênh chủ trương của tỉnh, nhưng cũng khẳng định với Tuổi Trẻ cách làm nóng vội có thể gây tác dụng ngược: “Việc phân luồng đâu nhất thiết chỉ thực hiện được trước khi học sinh đăng ký dự thi ĐH? Sau kỳ thi ĐH, CĐ vẫn có đến 75% thí sinh không đỗ, nếu địa phương đã có chủ trương vẫn có thể tiếp tục phân luồng, tránh gây hoang mang cho dư luận”. Hơn nữa, không đăng ký được ở trường mình đang học, thí sinh vẫn có thể đăng ký trực tiếp tại các trường ĐH muốn dự thi. Cách triển khai vội vã, đầy sức ép của cơ sở vô tình đã làm ảnh hưởng xấu đến chủ trương lớn của tỉnh.

Bài học “chỉ tuyển công chức tốt nghiệp hệ chính quy” của Đà Nẵng hay “từ chối tuyển người học trường ngoài công lập vào hệ thống công chức” của Nam Định chịu áp lực dư luận dữ dội vẫn còn nóng hổi. Nếu không được triển khai chặt chẽ, tạo sự đồng thuận và sẻ chia của dư luận, rất có thể “khoán 10” về tạo dựng nguồn nhân lực - dù khác xa về điều kiện thực hiện và hoàn cảnh lịch sử - cũng sẽ phải đi đường vòng truân chuyên như khoán 10 trong nông nghiệp vốn cũng nảy mầm từ quê hương Vĩnh Phúc.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp