Có thể nói, so với các lần liên hoan trước đây, liên hoan ảo thuật lần này có chất lượng vượt trội với những tiết mục được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.
Cũng là chim, khăn, hoa... nhưng lạ lắm
Đúng như lời bà Tâm Chính, thành viên hội đồng giám khảo, chia sẻ trước đó, liên hoan này cũng là chim bồ cầu, khăn, chậu hoa... nhưng khán giả sẽ chứng kiến những điều mới lạ. Và đó là màn hầu đồng được thể hiện bằng ảo thuật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Cũng là ảo thuật cưa người nhưng đạo cụ, trang trí sân khấu, kỹ thuật, âm nhạc, dàn dựng chỉn chu tạo sự hài lòng của khán giả trong tiết mục của Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội.
Ảo thuật gia Trần Dũng của Đoàn ảo thuật xiếc Vũng Tàu đem đến màn trình diễn tươi trẻ, kịch tính. Nguyễn Việt Duy (thí sinh tự do TP.HCM) được xem là "con ma" khi... lừa đảo khán giả hết sức tài tình và thú vị trong màn ảo thuật "close up".
Là Trần Thanh Hà (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến người xem hú hét không ngớt trong phần diễn thi Vòng gậy bay nghệ thuật...
Nhưng bên cạnh những nét mới thì một số tiết mục dự thi vẫn còn độ chênh. Nhiều người nói vui có lẽ phụ nữ sẽ... thù mấy ông ảo thuật vì cứ đem họ lên sân khấu "cưa, cắt" suốt. Các bài dự thi có phần "cưa, cắt" người chiếm khoảng phân nửa liên hoan và lặp lại đến nhàm chán. Ảo thuật với chim bồ câu, chậu hoa, bóng... cũng vậy.
Ông Phi Vũ, nguyên phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ: "Biết rằng đó là những thứ gần như cơ bản trong ảo thuật, nhưng nghệ sĩ nên phát huy sáng tạo, biến hóa để người xem không cảm thấy sự cũ kỹ".
Sẽ quan tâm hơn đến ảo thuật
Nghệ sĩ Linh Sang, người từng diễn ảo thuật hề cùng nghệ sĩ Mạc Can trước đây, xúc động bày tỏ với liên hoan lần này ông cảm thấy ảo thuật được quan tâm hơn.
Bởi theo ông, ảo thuật luôn là ngành nghề hẩm hiu, chỉ được ghép chung với xiếc, chỉ được diễn lót. Trong khi nhìn ra thế giới thì vị thế của ảo thuật không hề kém cạnh trong một sô diễn lớn.
Ông Sang ngậm ngùi nói đa số ảo thuật gia tự phát, tự được ông thầy nào đó dạy chứ không có trường lớp. Người làm ảo thuật đa số khó khăn nên họ ưu tiên biểu diễn kiếm cơm.
Nếu muốn tham gia thi thố, mỗi tiết mục đầu tư cả mấy chục triệu đồng, thi xong chẳng biết có lấy lại được vốn. Đạo cụ trong ảo thuật thường cũng là hàng đặt mua, hàng giống nhau nên diễn cũng na ná nhau.
Chia sẻ với khó khăn của các ảo thuật gia nhưng NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh rằng hiện nay khán giả ngồi ở nhà bấm nút là có thể coi rất nhiều chương trình hấp dẫn. Vì vậy nếu ảo thuật không thay đổi sẽ khó bắt kịp thị hiếu.
Ông mong những người trẻ chịu khó nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào ảo thuật để tạo sự mãn nhãn cũng như biết Việt hóa những trò diễn bằng câu chuyện, phục trang, sáng tạo đạo cụ, âm nhạc... để khẳng định vị trí của ảo thuật Việt.
NSND Trịnh Thúy Mùi, chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết từ sau liên hoan này Liên hoan Ảo thuật toàn quốc sẽ định kỳ ba năm một lần.
Đồng thời mỗi năm hội sẽ cố gắng mời các chuyên gia am hiểu ảo thuật trong và ngoài nước về đào tạo, giảng dạy để nâng cao khả năng của các ảo thuật gia, góp phần phát triển nghệ thuật ảo thuật Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận