TTO - Đối với các VĐV, từ một tương lai hứa hẹn đến đỉnh cao sự nghiệp tất cả có thể chấm dứt bởi một cú ngã kinh hoàng, hay cơ thể rệu rã dần sau bao năm tháng chịu đòn... Và nhiều VĐV lừng danh của VN đã phải giải nghệ như thế...
Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu loạt bài về những VĐV đã nỗ lực thay đổi bản thân rất nhiều để vượt qua khó khăn.
Nhắc đến những chấn thương kinh hoàng trong bóng đá, V-League có một câu chuyện buồn vĩnh viễn không thể nào quên: bi kịch của Trần Anh Khoa.
Tháng 9-2015, Anh Khoa khi đó đang là một tiền vệ trẻ của đội SHB Đà Nẵng. Anh bị gãy chân trong trận đấu với Sông Lam Nghệ An ở V-League. Hơn một năm sau, anh chính thức giải nghệ ở tuổi 26.
Chấn thương rợn người của Anh Khoa ngày ấy tốn không biết bao nhiêu bút mực của báo chí, thu hút đông đảo sự quan tâm từ người hâm mộ. Dù được hỗ trợ toàn bộ tiền phẫu thuật nhưng khi mọi thứ dần qua đi, tiền vệ bất hạnh này đành đối mặt với một sự thật phũ phàng: anh không thể tiếp tục làm cầu thủ chuyên nghiệp được nữa. Ngay cả chuyện chơi bóng phong trào còn khó, Anh Khoa phải làm gì để tiếp tục sống?
"Bạn bè vẫn hỗ trợ giúp đỡ tôi thời điểm sau ca mổ, ban lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng cũng cho tôi hưởng lương đầy đủ trong quá trình điều trị chấn thương. Ngày đó, tôi vẫn nuôi hi vọng mong manh về việc trở lại sân cỏ. Sáu tháng sau khi mổ, tôi bắt đầu ra tập luyện trở lại. Nhưng rồi chỉ có thể đi cà nhắc bởi cứ chạy là lại đau. Sau chừng nửa năm, tôi biết mình tuyệt vọng, thôi đành quyết định giải nghệ để còn nhanh chuyển hướng sang làm nghề khác" - Anh Khoa tâm sự.
May mắn cho Anh Khoa, bên cạnh vẫn có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ anh. Nhiều HLV ở các phòng tập thể hình tình nguyện giúp đỡ anh trong giai đoạn hồi phục, ban lãnh đạo CLB Đà Nẵng cũng chấp nhận nguyện vọng xin làm HLV của Anh Khoa. Anh được nhận làm trợ lý HLV đội trẻ của Đà Nẵng và bắt đầu đi học bằng C.
"Hằng đêm, mỗi khi trời lạnh, chân trái của tôi lại nhức buốt rất khó chịu, gần như không đi nổi. Cũng đành cắn răng gắng gượng cho qua. Khi nào hết đau, tôi lại ra sân để đá chơi cho vui với anh em. Tôi thậm chí không dám đá phủi, bởi nếu người chơi không biết lại vào bóng mình thêm một lần nữa thì chắc hết đi nổi" - Anh Khoa kể.
Khi chúng tôi hỏi Khoa về mối quan hệ với Quế Ngọc Hải - người đã gây ra chấn thương cho anh. Anh Khoa cười và nói: "Đây là câu mà tôi vẫn thường được hỏi. Dư luận có lẽ cho rằng tôi và Hải ắt phải ghét nhau lắm. Sự thật thì sau cú chấn thương đó, tôi cũng thường giữ những ý nghĩ oán trách trong đầu. Nhưng dần dà rồi tôi nghĩ lại, biết đó cũng chỉ là một khoảnh khắc ham bóng quen thuộc trong bóng đá thôi.
Chi phí ca mổ của tôi thì Hải cũng đền bù rồi. Sau này, tôi và Hải vẫn coi như anh em. Mấy lần tôi ra Bắc, Hải vẫn thường rủ cà phê, khi Hải vào Đà Nẵng cũng vậy. Thời gian qua theo dõi và ủng hộ đội tuyển, tôi thấy an tâm nhất là khi có Hải trên sân. Cậu ấy xứng đáng với chiếc băng đội trưởng tuyển VN, lối đá cũng ngày càng đẹp hơn".
Phải rời xa sân cỏ chuyên nghiệp là một nỗi buồn lớn với bất kỳ cầu thủ nào, nhưng Anh Khoa vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Không thể đá ở V-League, giờ đây anh tìm niềm vui trong các trận bóng đá sân cỏ nhân tạo. Được làm HLV cũng là một giấc mơ với Anh Khoa.
"Thực tế từ lâu tôi đã mong muốn được làm HLV, tôi rất yêu thích công việc huấn luyện các cầu thủ nhí. Kết thúc sự nghiệp cầu thủ sớm giúp tôi có thể hiện thực hóa giấc mơ làm HLV sớm hơn. May mắn là tôi không có gánh nặng gia đình, cha mẹ cũng dành dụm được ít vốn để lo cho tuổi già, các anh em cũng đều tự sống được. Vì vậy việc giải nghệ sớm không khiến tôi lâm vào cảnh khó khăn tài chính. Tôi cũng được ban lãnh đạo CLB Đà Nẵng hỗ trợ rất nhiều" - Khoa nói.
Giờ đây, cứ mỗi buổi chiều Anh Khoa lại tràn đầy hứng khởi bước ra sân cỏ với sự nghiệp mới của mình. Và bài học mà anh luôn nhắc nhở những cậu học trò nhỏ: không được chơi thô bạo.
TTO - Cách đây nhiều năm, bộ đôi tay đua là chị em Thật - Thà từng phối hợp rất ăn ý trong màu áo CLB Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang. Nhưng rồi một tai nạn kinh hoàng cách đây 5 năm đã tước đi sự nghiệp của Thà.
"Đó là ở Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 11-2014. Khi chặng đua đi đến dốc Cun, Hòa Bình, khi ấy trời rất nhiều sương, đến mức tôi gần như không thấy đường. Thực sự tôi không nhớ được mình đã bị tai nạn như thế nào, chỉ biết đó là một cú té rất kinh
hoàng rồi tôi ngất xỉu. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình đã ở trong bệnh viện, cơ thể không thể nhấc lên nổi. Tôi được mọi người cho biết bị chấn thương cột sống và phải bắt ốc sau khi phẫu thuật" - Nguyễn Thị Thà kể lại tai nạn kinh hoàng năm đó.
Trước thời điểm bị chấn thương, ở tuổi 19, Thà đang có một tương lai đầy hứa hẹn trên đường đua. Cũng như người chị Nguyễn Thị Thật, Thà đam mê xe đạp từ nhỏ và bước vào cuộc đời VĐV chuyên nghiệp từ khi mới 14 tuổi. Thà có thể hình tốt hơn cả chị gái và từng giành nhiều thành tích ở các giải trẻ. Việc thi đấu cạnh Thật là một lợi thế đáng kể của Thà bởi cô vừa hỗ trợ ăn ý, vừa học hỏi không ít điều từ chị gái.
Với một VĐV trẻ giàu tiềm năng như vậy, chấn thương nặng đến mức phải giải nghệ thực sự là một cú sốc không thể nào tiếp nhận nổi. Sau khi rời giường bệnh, dù được gia đình và HLV làm "công tác tư tưởng" về chấn thương cực nặng của mình, nhưng Thà vẫn không thể chấp nhận sự thật. Nửa năm đầu tiên sau chấn thương, cô từng ngày chập chững tập đi lại. Dù hầu như không thể đứng thẳng lưng nhưng Thà vẫn không bỏ cuộc.
Sau hơn nửa năm, cô bắt đầu leo lên chiếc xe đạp trở lại. Nhưng sau nhiều tháng, nỗ lực của Thà vẫn không có chút tiến triển nào. Vết thương thì dần lành, nhưng thân hình cô mỗi lúc một ốm dần. Và rồi Thà mới phát hiện được sự thật về tình trạng cơ thể mình.
"Hôm đó đi siêu âm, bác sĩ mới cho biết tôi đã bị cắt bỏ một quả thận sau tai nạn lần đó. Về nhà gặng hỏi mới biết do ba mẹ sợ tôi lo lắng, suy sụp nên giấu bớt chuyện này. Mất một quả thận thì vẫn sống khỏe, nhưng chuyện vận động với cường độ cao thì khó lòng làm được. Đến lúc này tôi mới dẹp hẳn ý nghĩ tiếp tục cuộc đời VĐV" - Thà kể.
Và từ đó, Thà phải đối mặt với bài toán làm lại cuộc đời. Năm đó, cô 20 tuổi, độ tuổi vẫn còn quá trẻ để tính đến chuyện chuyển sang làm HLV. "May mắn của tôi là đã không bỏ dở chuyện học vì tập luyện những năm còn là VĐV. Khi chấn thương, tôi đã hoàn tất chương trình học phổ thông. Sau đó, tôi bắt đầu học đại học. Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời tạo điều kiện cho tôi làm công việc văn phòng ở công ty. Sau một thời gian thử việc, tôi xác định đây sẽ là công việc chính của mình sau này nên cố gắng học hành thêm. Tôi đi học thêm những khóa dạy Anh văn và vi tính ở ngoài để nâng cao trình độ" - Thà kể.
Vậy là sau vài năm, cô cua-rơ sáng giá ngày nào trở thành một nhân viên văn phòng, phụ trách mảng xuất nhập khẩu của công ty. Thà yêu thích công việc mới của mình nhưng cũng đối mặt với nỗi buồn về sự gò bó. Vốn đam mê những chuyến phiêu lưu cùng chiếc xe đạp, Thà không khỏi "cuồng chân" với công việc trong bốn bức tường.
"Nhiều lúc nghĩ đến cuộc đời VĐV trước kia cũng hơi buồn. Nhưng tôi có được công việc như ngày nay là quá may mắn rồi, cũng nhờ có sự giúp đỡ của nhiều người mới có cơ hội đi làm. Thi thoảng tôi cũng lấy xe đạp ra chạy vài vòng cho đỡ buồn. Nhưng không thể chạy nhiều được vì lưng tôi phải hạn chế việc phải cúi xuống. May mắn là sự nghiệp của chị Thật vẫn tiến triển rất tốt, được ủng hộ cho chị thi đấu là vui rồi. Không có Thà thì vẫn còn Thật mà" - Thà vui vẻ tâm sự.
TTO - Phải thường xuyên nằm viện, đó là điều ám ảnh với các VĐV. Tuy nhiên, chấn thương hoặc tai nạn chẳng tha một ai, kể cả có là cao thủ judo như Lê Đức Công hay VĐV điền kinh dẻo dai cỡ Trương Thanh Hằng.
Cao 1,80m, nặng hơn trăm ký, từng một thời được mệnh danh là "người khổng lồ" hay "võ sĩ đa năng" trên sàn võ nhưng giờ đây, phải vất vả lắm Lê Đức Công mới có thể gượng đứng trên đôi chân để tìm một công việc sinh nhai.
Những ai từng theo dõi làng võ Việt những năm thập niên 1980-1990 sẽ không thể quên được Lê Đức Công - võ sĩ judo đấu hạng không kể cân (dành cho các võ sĩ trên 100kg) và lấn sân sang cả sàn... đô vật.
Sở hữu thân hình đồ sộ từ bé nên Lê Đức Công (sinh năm 1963) được các HLV judo lựa chọn cho hạng đấu không kể cân và anh mau chóng trở thành nhà vô địch VN ở hạng cân này.
Từng giành nhiều HCĐ, HCB ở các giải quốc tế, SEA Games, năm 1997 anh chuyển sang đấu vật hạng cân -125kg và xuất sắc giành luôn HCV.
Tung hoành trên sàn đấu là vậy nhưng cuộc đời hậu VĐV của anh lại quá buồn. Di chứng của những năm khổ luyện, ép cân trong thân hình to lớn khiến anh gặp một loạt vấn đề về cột sống, đĩa đệm...
Từ thời còn là VĐV, anh phải trải qua phẫu thuật về các chấn thương của mình. Sau ngày giải nghệ, anh tiếp tục lên bàn mổ nhiều lần đến mức phải nằm liệt giường.
Nơi sàn đấu, nếu thân hình to lớn mạnh mẽ bao nhiêu thì trên giường bệnh, đó lại là nỗi khó khăn của anh bấy nhiêu. Ngoài đau cột sống và bệnh nhiễm trùng máu, anh còn bị tiểu đường, thừa cân...
Vấn đề xương khớp cũng khiến anh không thể vận động mạnh để giảm cân. Có trong tay bằng Đại học TDTT nhưng anh không thể làm HLV, giáo viên thể chất, ngay cả công việc bảo vệ ở khách sạn anh cũng phải bỏ.
Giữa cơn cám cảnh cuộc đời, Lê Đức Công lại tìm thấy ý nghĩa sống qua một sở thích từ thời còn là VĐV: chụp ảnh.
"Thú vui chụp ảnh của tôi có từ thời trẻ. Hồi đó đi thi đấu được các anh phóng viên chụp cho tấm hình nào là quý lắm. Dần dà, tôi dành dụm mua một bộ máy. Cứ nâng cấp dần, tôi cũng có được dàn máy chuyên nghiệp.
Sau ca mổ năm 2011, tôi nằm liệt giường một thời gian. Bác sĩ dặn tôi ráng làm gì đó để đi bộ. Sau đó, tôi quyết tâm vác máy ra đường chụp ảnh, vừa thỏa mãn đam mê vừa đỡ buồn, cũng coi như một hình thức tập luyện" - anh Công kể.
Cứ như vậy, anh Công lại tìm được một sự nghiệp thứ hai bên chiếc máy ảnh.
Những ai thường chạy bộ tập thể dục ở các công viên tại quận 1 đều quen thuộc với hình ảnh người đàn ông tóc bạc, to béo cầm trên tay bộ máy cũng rất "ngầu" vào mỗi buổi sáng. Hễ ai bắt chuyện, anh say sưa khoe hàng loạt hình ảnh chim chóc, cây cỏ... của mình.
Hằng tuần, hằng tháng, anh vẫn thường có những chuyến đi xa về thôn quê, vào rừng rậm để săn những khoảnh khắc đặc biệt của thiên nhiên.
"Tôi có nhận chụp show để kiếm thêm thu nhập, coi như gỡ lại tiền cho dàn máy ảnh của mình. Sáng nào tôi cũng ra công viên chụp ảnh cho người này người nọ làm vui. Từ từ rồi cũng làm quen được nhiều người trong hội nhiếp ảnh, cùng nhau thực hiện các chuyến đi rất vui.
Tôi có dự thi nhiều cuộc thi ảnh và cũng thi thoảng đoạt giải. Sức khỏe của tôi theo đó cũng dần được cải thiện. Judo với nhiếp ảnh cũng có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là cái đạo về chữ "tĩnh", cả hai đều đòi hỏi sự nhẫn nại và một đôi tay cứng cáp" - anh Lê Đức Công chia sẻ.
Không giống anh Lê Đức Công, nữ VĐV điền kinh lừng danh Trương Thanh Hằng từng có thời gian dài nằm viện chỉ vì một tai nạn trên trời rơi xuống. Buổi sáng đó, khi đang cùng đồng đội tập luyện ở Đà Nẵng, một chiếc xe đụng tới từ phía sau hất cô văng ra xa và bất tỉnh.
Mở mắt ra thấy mình trong bệnh viện với toàn thân băng bó (gãy xương mác, gãy chân phải và toàn thân sây sát), Hằng vẫn chưa tin cú tông đó đã hất mình khỏi vị trí nữ hoàng ở cự ly trung bình.
"Hai năm điều trị với bốn lần lên bàn mổ, tôi tập lại, cố gắng thi đấu nhưng rồi đành kết thúc sự nghiệp vì những cơn đau hành hạ và chấp nhận thực tế mình không thể trở lại với cái chân đầy ốc vít. Tôi bị sốc, có lúc suy sụp vì phải giã từ sự nghiệp
khi đang trên đỉnh" - Hằng kể.
Đó cũng chỉ là một trong vô số những khó khăn Hằng từng phải đối mặt trong sự nghiệp VĐV, cô từng nhiều lần dự SEA Games với cái chân sưng tấy vì chấn thương. Thậm chí còn cay đắng là nạn nhân một vụ quấy rối mà người bị tố cáo chính là HLV của mình.
Tất cả khó khăn đó chưa một lần khiến Hằng gục ngã, nó chỉ khiến cô "lì" hơn với sóng gió cuộc đời. Chia tay sự nghiệp VĐV, Hằng "đánh một vòng" với cuộc mưu sinh bằng đủ thứ nghề: bán quán, kinh doanh dụng cụ thể thao, bán hàng qua mạng... Nhưng cuối cùng cô đã có quyết định theo tiếng gọi con tim để trở lại với nơi yêu mến - sân điền kinh, trên cương vị HLV tuyến năng khiếu điền kinh tỉnh Ninh Bình.
Nhiều năm sau ngày giải nghệ, Hằng giờ là bà mẹ hai con. Mỗi ngày cô dậy sớm ra sân dạy điền kinh, xong lại tất tả trở về lo cho hai con. Đến chiều, Hằng lại ra sân tiếp tục "truyền lửa" cho các học trò.
Vất vả nhưng khi được trở lại với đường chạy, cô mới thực sự lấy lại niềm vui của cuộc sống.
"Dù vất vả, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện nay. Gia đình yên ấm, tôi không thể chạy thì đi dạy và truyền lửa cho các em chạy. Miễn sao tôi được gắn bó với điền kinh.
Trước đây, tôi có kinh doanh nhiều lĩnh vực (cũng là một sở thích của tôi khi nhỏ), cuộc sống có khá hơn nhưng chỉ có điền kinh mới khiến tôi có niềm vui thật sự" - Hằng tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận