Trong bối cảnh của VN đã ở mức trần của giới hạn và ngày càng trầm trọng, Chính phủ cần có cái nhìn nghiêm túc và quyết đoán trong xử lý. Trong đó, kỷ luật ngân sách phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt nhấn mạnh vai trò nghĩa vụ, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chi tiêu.
Phải xác định cụ thể địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm chứ không thể nói chung chung như thời gian qua.
Một vấn đề nữa: quyết toán ngân sách 2014 mà mãi đến giữa năm 2016 mới bàn thì quá trễ, mọi việc đã xong rồi thì còn điều chỉnh được gì!
Quốc hội dường như luôn bị đặt vào trạng thái đã rồi, cũng như không có chế tài để xử lý. Cần đẩy nhanh thời điểm quyết toán bằng cách đẩy nhanh các hoạt động kiểm toán.
Khi đó, các đại biểu Quốc hội cũng có điều kiện để kiểm tra, giám sát tốt hơn, chứ để hơn một năm sau, các đại biểu Quốc hội mới bấm nút cho một chuyện đã rồi, mà chuyện lần này còn là của nhiệm kỳ trước thì không giải quyết được gì.
Trở lại với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước 2014, các lý do mà đại diện Bộ Tài chính giải thích thì có vẻ hợp lý rồi, trong đó quan trọng nhất, năm 2014 tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, chỉ đạt 5,98%.
Một vấn đề nữa là giải ngân ODA, một trong những lý do bội chi ngân sách năm 2014 tăng là do tăng chi từ vốn nước ngoài. Có nghĩa nếu trước đây giải ngân chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy giải ngân ODA lên khá cao.
Kể từ giữa năm 2017, các địa phương sẽ không còn được cấp phát ODA như trước mà các địa phương phải vay lại, bắt buộc các địa phương phải suy nghĩ trong việc sử dụng vốn ODA. Lãi suất vay vốn ODA ban đầu nghe có vẻ hấp dẫn nhưng tính ra không hề thấp chút nào.
Kể từ nay, nếu phải vay lại từ Chính phủ, hội đồng nhân dân các địa phương phải xem xét đánh giá tính khả thi của các dự án sau đó mới lên phương án đi vay lại vốn ODA, chứ để chạy dự án dẫn đến xin bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu như từ trước đến nay chỉ làm cho nợ tăng thêm.
Luật ngân sách nhà nước sửa đổi dù đã thông qua nhưng đến năm 2017 mới có hiệu lực. Trong giai đoạn nợ công đã đụng trần giới hạn, tinh thần kỷ luật ngân sách phải được ưu tiên hàng đầu.
Từ năm 2016 trở đi, Quốc hội cần kiên quyết không thông qua các khoản quyết toán nếu khoản đó vượt dự toán, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vượt ngưỡng cho phép đã đề ra.
Điều quan trọng nhất vẫn là kỷ luật ngân sách và trách nhiệm địa phương, cần quyết liệt chứ như hiện nay, cứ du di mãi là không được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận