Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: V.dũng |
Ông Quang còn nói năm 2013 có hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho dân hay không còn phụ thuộc vào sự tích cực của các địa phương.
Đó là những nội dung đáng chú ý của phiên chất vấn được thực hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-8.
Tiêu cực, hỏi địa phương mới biết được
"Cấp phép khai thác khoáng sản thế này thì chết rồi. Hơn 900 cái giấy phép mà quá nửa là vi phạm. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý. Bộ trưởng nói phải hỏi địa phương mới biết nhưng tôi tin là có tiêu cực đấy" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: “Từ khi Luật khoáng sản có hiệu lực đến nay (hai năm), bộ cấp 17 giấy phép, các địa phương cấp 957 giấy phép thăm dò, khai thác. Nhưng trong số 957 giấy phép thì có quá nửa vi phạm, như cấp phép không qua đấu giá, cấp không đúng thẩm quyền, không có đánh giá tác động môi trường... Xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân, nội dung vi phạm, xử lý như thế nào?”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết qua thanh tra, kiểm tra vừa rồi phát hiện 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền, 37 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, 52 giấy cấp cho đối tượng không có ngành nghề kinh doanh chính là khai thác khoáng sản, 29 giấy cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, 196 giấy cấp khi chưa có đánh giá trữ lượng... “Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này tại phiên họp Chính phủ, Chính phủ có yêu cầu chấn chỉnh, thu hồi đối với những giấy phép cấp không đúng quy định. Thủ tướng yêu cầu đến ngày 30-11 chủ tịch UBND các tỉnh phải báo cáo kết quả xử lý” - ông Quang cho hay. Bộ trưởng cũng cho biết sai phạm xảy ra nhiều nhất ở hai lĩnh vực khai thác vàng sa khoáng và cát.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu bộ trưởng trả lời rõ trách nhiệm của việc cấp phép sai là do đâu. Bộ trưởng khẳng định: “Trách nhiệm chính trong quản lý thuộc về các địa phương. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm về công tác kiểm tra, thanh tra trong cấp phép khai thác khoáng sản. Nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là trách nhiệm quản lý ở địa phương thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh thành. Vừa rồi chúng tôi cấp phép 84 điểm quy hoạch khoáng sản nhỏ lẻ. Các tỉnh đưa lên số lượng rất nhiều, chúng tôi xin đề nghị các tỉnh và cũng muốn truyền đi thông điệp là đừng đào bới nhiều quá, nhân dân không được gì nhiều mà hậu quả thì rất lớn”.
“Sai phạm tràn lan như vậy, có tiêu cực, tham nhũng trong cấp phép khai thác khoáng sản không? Bộ trưởng có đặt vấn đề địa phương nào quản lý không tốt, vi phạm pháp luật thì người chịu trách nhiệm phải từ chức không?” - đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi. Bộ trưởng trả lời: “Cái này phải hỏi địa phương mới biết được, vì họ cấp phép”. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi tiếp: “Nếu bộ trưởng nói rằng vấn đề này trách nhiệm thuộc địa phương, xin hỏi công tác quản lý ngành của bộ ở đâu?”. Bộ trưởng đáp vấn đề khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường và các hoạt động của người dân, điều này đều có quy định của pháp luật.
Giải quyết bất cập trong việc cấp sổ đỏ
Nhiều đại biểu cùng chất vấn về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo chỉ tiêu được nghị quyết của Quốc hội đặt ra thì đến ngày 31-12-2013 phải căn bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp được cấp lần đầu. “Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào trong việc cấp giấy chứng nhận chậm, mới đạt khoảng 80%, có tỉnh đạt thấp?” - đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) hỏi.
“Chúng tôi hết sức lo lắng bởi cuối năm mà không đạt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra thì rất gay go. Đây là vấn đề chúng tôi mới hứa một lần, nhưng người tiền nhiệm đã hứa mấy lần rồi. Các tỉnh rất quyết tâm, họ bảo chưa bao giờ quyết tâm như thế. Sáu tháng đầu năm tôi họp với địa phương hai lần rồi, nhưng vẫn có 18 địa phương triển khai chậm. Nếu chậm thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, còn việc cấp giấy thì diễn ra ở địa phương. Tôi cho rằng việc này phải sòng phẳng, nếu bộ thiếu tích cực thì bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng phê bình, cảnh cáo, còn tỉnh nào thiếu tích cực thì chủ tịch tỉnh đó phải bị kỷ luật” - bộ trưởng nói. Ông cho biết trong các địa phương chậm thì chủ yếu là ở miền núi phía Bắc và Tây nguyên bởi đất đai ở đây rộng, rất khó khăn cho việc đo vẽ hồ sơ địa chính và thiếu kinh phí.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu là do vướng mắc về thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, nghị định 120 của Chính phủ quy định buộc phải đóng 40% tiền sử dụng đất trong hạn mức và 100% ngoài hạn mức. “Tại tỉnh Đồng Nai, không ít diện tích đất của người dân sử dụng ổn định từ năm 1993 trở về trước, có giấy tờ hợp lệ do quân đội chứng nhận nhưng vẫn bị thu tiền khi cấp giấy chứng nhận. Đây là việc trái với quy định của Luật đất đai nên người dân không chịu” - ông Vở cho hay. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích liên bộ đã phát hiện những bất cập trong các nghị định và báo cáo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính và chắc sẽ có xử lý trong thời gian sớm nhất. “Ví dụ ở TP.HCM vừa rồi có một số trường hợp người dân không đến nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi áp dụng hệ số K cao quá dẫn đến việc thu tiền sử dụng đất cao. Chúng tôi cho rằng nên đặt vấn đề ưu tiên cho công tác quản lý, vì quyền lợi của người dân, chứ không đặt nặng vấn đề thu tiền” - ông Quang nêu ý kiến.
Không loại trừ lợi ích nhóm trong ban hành pháp luật
“Xin bộ trưởng cho biết có tham nhũng chính sách không?” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Câu trả lời của bộ trưởng là “không loại trừ...”. Cùng một chủ đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nêu dư luận nhân dân cho rằng vừa qua có hiện tượng tham nhũng qua việc xây dựng chính sách, pháp luật. “Đề nghị bộ trưởng cho biết có chuyện này không và đâu là giải pháp để khắc phục?” - đại biểu Hà hỏi.
Phúc đáp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Tôi xin mạnh dạn báo cáo là hiện nay quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp. Riêng chỉ có thông tư, thông tư liên tịch thì chưa có quy trình kiểm soát mà hoàn toàn để các bộ ban hành. Tuy nhiên tôi cũng không loại trừ có chuyện như đại biểu đề cập, vì trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cũng có sơ hở này, sơ hở khác”. Ông Cường cho biết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì có những quy định đưa ra cũng gây nhiều tranh cãi và nghi ngờ, ví dụ như các quy định về quản lý kinh doanh vàng, về kinh doanh xăng dầu... có đại biểu đặt vấn đề nhóm lợi ích, nhưng không đủ căn cứ để cáo buộc.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nêu câu chuyện các doanh nghiệp, đại gia đứng đằng sau các quyết định của bộ, ngành và hỏi bộ trưởng có cho đó là vận động chính sách. Bộ trưởng đáp: “Báo chí có nói đến quy định về giá cả mặt hàng nọ, mặt hàng kia thì tôi cũng thấy có chuyện như vậy, có dư luận như vậy, còn tôi không dám khẳng định là có lobby không”.
Tại sao có bộ trưởng, thứ trưởng nói trái quan điểm Chính phủ? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề có những dự án luật, tờ trình được Chính phủ thông qua, gửi hồ sơ rất đầy đủ sang Quốc hội, nhưng sau đó lại xuất hiện những ý kiến trên báo chí của thứ trưởng trái với quan điểm của Chính phủ, thậm chí có bộ trưởng còn viết thư gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời: “Ý kiến chính thức của Chính phủ là trong hồ sơ, tờ trình, còn ý kiến của thứ trưởng hay bộ trưởng mà khác thì chỉ là ý kiến cá nhân. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng như vậy trong quản lý hành chính là không hay, có vấn đề về kỷ luật kỷ cương hành chính. Chính phủ làm việc tập thể và ý kiến của Chính phủ là quyết định chung, là ý chí của Chính phủ. Thủ tướng đã chấn chỉnh tình trạng này”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận