Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh đã được cải thiện, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có hơn 60.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong năm. Dẫu biết đây là quy luật chọn lọc tự nhiên của thị trường nhưng nếu chính sách được tháo gỡ đi vào thực chất hơn, có thêm những cơ chế bảo hiểm cho khởi nghiệp thì con số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường sẽ giảm hơn nhiều…
Thực tế thế giới đã chứng minh con số khởi nghiệp thành công là rất thấp, nếu nhà nước không có những chính sách hỗ trợ. Trong năm qua, ở VN chỉ số môi trường kinh doanh tuy lần đầu tiên tăng tới 9 bậc, nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh lại giảm cũng cho thấy khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Đó là người khởi nghiệp vẫn vướng nhiều rào cản như quy định về con dấu, nói là giải phóng cho doanh nghiệp khi không phải đến cơ quan công an xin xác nhận, nhưng lại phải “xếp hàng” ở Bộ Kế hoạch và đầu tư xin phê duyệt. Tức là còn hiện tượng cởi chỗ này nhưng lại trói chỗ kia.
Tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp phải nhất quán mới hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phải thấy rằng thúc đẩy khởi nghiệp quan trọng nhất là bảo hiểm, tức là làm cho những doanh nghiệp trẻ, người trẻ khi khởi nghiệp dù có gặp rủi ro, thất bại vẫn có thể đứng dậy. Không phải cứ kêu gọi khởi nghiệp rồi làm ào ào theo phong trào, trong khi không có cơ chế phòng ngừa rủi ro.
Nhà nước cần phải làm bước đệm, kịp thời nâng đỡ những người khởi nghiệp gặp khó khăn, bất trắc để họ có cơ hội đứng dậy.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã không thể khởi nghiệp khi phải tự đứng ra vay ngân hàng, mày mò nghiên cứu, tự làm thị trường. Tất nhiên cũng không thể lấy tiền ngân sách để lập quỹ đầu tư mạo hiểm, vì tiền đó là của người dân.
Quan trọng là tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi hơn nữa để thu hút nguồn lực của tư nhân trong và ngoài nước, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Cũng cần tư duy với chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Với những cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đơn thuần như mở cửa hàng, dịch vụ hay thương mại thì cần tạo thuận lợi như phải cắt giảm chi phí, giảm phiền hà, nhũng nhiễu…
Còn với những doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư tri thức và chất xám thì phải có chính sách để khi thất bại họ vẫn có thể làm lại để tiếp tục nghiên cứu, khởi nghiệp.
Những quy định chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp Chính phủ đã thấy rõ. Vấn đề hiện nay là thực hiện, để làm sao tinh thần kiến tạo và liêm chính của Chính phủ phải thấm nhuần xuống các cấp bên dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận