26/01/2022 06:30 GMT+7

Dùng chung toa thuốc trị COVID-19, chuyện gì có thể xảy ra?

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TTO - Dù các cơ quan y tế khuyến cáo không nên dùng chung toa thuốc điều trị COVID-19 nhưng nhiều người dân vẫn truyền miệng, chia sẻ với nhau toa thuốc trị COVID-19.

Dùng chung toa thuốc trị COVID-19, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 1.

Chủ trương của ngành y tế là điều trị F0 tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại sao không nên tự dùng thuốc trị COVID-19 theo mách bảo của người quen?

Coi chừng ảnh hưởng xấu

Bà Đặng Thiên T., 67 tuổi, nhà ở xã Trung An, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) bị mắc COVID-19. Bà lo lắng về bệnh tình và nói với bác sĩ rằng mình có thuốc của người quen cho, để dành phòng ngừa trong nhà khi nào mắc bệnh COVID-19 thì tự uống. Bà cho bác sĩ xem các loại thuốc, bác sĩ thấy toàn là thuốc điều trị triệu chứng và có loại nguy hại sức khỏe. Bác sĩ khám và khuyên bà nên vào bệnh viện theo dõi vì bà lớn tuổi mà còn có bệnh nền là đái tháo đường týp 2.

Hiện tình trạng tự mua thuốc theo toa truyền miệng của người quen xảy ra nhiều hơn trong mùa dịch. Có những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược trị bách bệnh", trong đó trị dứt luôn COVID-19, nhưng thật ra hiệu quả không thấy đâu, nếu may mắn thì dừng lại ở trường hợp không có tác dụng, nếu không may thì có thể tiền mất mà mạng sống của mình cũng mất luôn. 

Một số người còn lợi dụng tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân để trục lợi, bán những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.

Chúng ta biết rằng dù là toa thuốc của ai thì toa thuốc đó chỉ có tác dụng với cá nhân người đó chứ không có tác dụng, thậm chí có hại cho người khác. Mỗi một người là một cơ thể riêng biệt, không có hai người cùng phản ứng hoàn toàn giống nhau với cùng một loại bệnh. Người trẻ khác, người già khác, người có bệnh nền khác, người có cơ địa dị ứng khác với người bình thường. 

Tùy theo cơ địa từng người mà bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp, liều lượng và cách dùng cũng phải phù hợp. Vì vậy một toa thuốc không được dùng chung cho bất cứ một ai, thậm chí cùng một người bệnh, tùy sự tiến triển của bệnh mà bác sĩ gia giảm hoặc đổi thuốc khác.

Dùng chung toa thuốc trị COVID-19, chuyện gì có thể xảy ra? - Ảnh 2.

F0 đủ điều kiện sẽ cách ly tại nhà nếu sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường - Ảnh: DUYÊN PHAN

4 giai đoạn bệnh, cách dùng thuốc khác nhau

Đối với COVID-19, bệnh có bốn giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và phục hồi. Tùy theo giai đoạn bệnh mà dùng thuốc hoàn toàn khác nhau.

Giai đoạn ủ bệnh là giai đoạn người mới bị nhiễm COVID-19 mà chưa có triệu chứng, xét nghiệm chưa dương tính. Giai đoạn này không dùng thuốc, chỉ ăn uống, bồi dưỡng cho tăng sức đề kháng, thực hiện 5K.

Giai đoạn khởi phát là giai đoạn người bệnh bắt đầu có triệu chứng và có xét nghiệm test kháng nguyên dương tính. Tuy nhiên có trên 80% người mắc bệnh COVID-19 lại không có triệu chứng. Vì vậy ngành y tế không chờ người bệnh có triệu chứng mới làm xét nghiệm, mà là tầm soát cho người có tiếp xúc trực tiếp với F0 thì phải làm xét nghiệm.

Chẩn đoán sớm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, còn điều trị sớm để giảm tỉ lệ bệnh nhập viện, giảm tỉ lệ bệnh nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Trong vòng 3 - 5 ngày đầu sau khi khởi phát COVID-19 là giai đoạn cơ thể đề kháng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong cơ thể. Giai đoạn này cần sử dụng 2 nhóm thuốc:

Nhóm thuốc điều trị triệu chứng cho người có triệu chứng như là sốt cao, đau họng, nhức mỏi cơ thì cần uống thuốc giảm đau hạ sốt.

Nhóm thứ hai là thuốc kháng virus để ngăn chặn sự nhân lên của virus. Thuốc này rất quan trọng cho người bệnh trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền. Hai nhóm đối tượng này rất cần uống thuốc sớm trong 5 ngày đầu thì sẽ giảm 50% tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ bệnh nặng, giảm tỉ lệ tử vong. 

Thuốc kháng virus không dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, không dùng cho người dưới 18 tuổi. Thuốc kháng virus sẽ được trạm y tế phát miễn phí cho người bệnh. Xin nhắc lại, thuốc kháng virus chỉ dùng trong 5 ngày đầu từ khi mắc COVID-19, quá 5 ngày thuốc không còn tác dụng nữa.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Giai đoạn khởi phát tuyệt đối không được dùng nhóm thuốc kháng viêm (chứa corticoid) vì đây là thuốc ức chế phản ứng viêm, làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch, giúp virus phát triển mạnh hơn. Trong 5 ngày đầu, nếu dùng cả corticoid và kháng virus thì thuốc kháng virus sẽ bị mất tác dụng, virus nhân lên nhiều hơn, người bệnh dễ diễn tiến nặng và có biến chứng nguy hiểm. 

Đó là chưa kể đến tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng viêm, ví dụ người bị loét dạ dày tá tràng dùng kháng viêm có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Thuốc kháng đông cũng không có giá trị trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, do lúc này cơ thể chưa xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến đông máu.

Giai đoạn toàn phát. Ở giai đoạn này nếu người bệnh có tình trạng khó thở, nồng độ oxy trong máu giảm dưới 94% thì phải vào bệnh viện ngay. Lúc này bác sĩ mới quyết định cho thêm các thuốc khác như kháng viêm, kháng đông, thậm chí kháng sinh nếu có bội nhiễm vi trùng.

Hiện nay chủ trương của ngành y tế là điều trị F0 tại nhà các trường hợp COVID-19 nhẹ, có độ tuổi từ 3 đến không quá 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà phải bảo đảm có khu vực cách ly riêng biệt với khu vực sinh hoạt chung với người không mắc COVID-19.

Rủi ro từ dùng chung toa điều trị COVID-19 Rủi ro từ dùng chung toa điều trị COVID-19

TTO - Hiện nay trên nhiều nhóm cộng đồng được lập ra cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, nhiều người dùng mạng xã hội có xu hướng chia sẻ các toa thuốc điều trị COVID-19 dù không có chuyên môn trong lĩnh vực này.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp