09/02/2023 10:35 GMT+7

Đừng bắt nền kinh tế làm 'con tin' để kêu gọi giải cứu bất động sản

Người ta hay dọa nền kinh tế, bắt nền kinh tế làm con tin để kêu gọi giải cứu bất động sản. Nếu bây giờ chúng ta e sợ những "đe dọa" đó, đi giải cứu bất động sản thì biết bao giờ mới thoát ra được sự lệ thuộc vào bất động sản.

Đừng bắt nền kinh tế làm con tin để kêu gọi giải cứu bất động sản - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Ảnh: NVCC

Trước những lời kêu gọi "giải cứu" thị trường bất động sản trước nguy cơ khủng hoảng, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM - có góc nhìn ngược lại: "Giá bất động sản thời gian qua tăng mạnh bởi cầu tăng, nhưng cần nói rõ cầu này là cầu đầu cơ. Cầu thực là nhu cầu mua bất động sản để làm chỗ ở, nơi sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình kinh tế… sẽ không lớn như vậy.

Bây giờ, khi cầu đầu cơ không còn mạnh, nó khiến cho giá chững lại hoặc giá giảm, đó là một điều tốt cho thị trường, không cần phải giải cứu. 

Việc giải cứu đã bị nhân danh và lợi dụng quá lâu rồi. Chúng ta đừng làm mất đi tính hiệu quả và vẻ đẹp của thị trường bằng những hành động gọi là giải cứu".

Không cần phải giải cứu bất động sản

Theo ông Bảo, việc cho rằng thị trường bất động sản "đóng băng" khi giao dịch chậm lại, không nhộn nhịp như trước là rất cảm tính. Trước đây, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, kiểu mua đi bán lại đầu cơ quá nhiều. 

Một căn nhà hay lô đất tại nhiều dự án được mua đi bán lại, cố tình tạo ra một chu kỳ vòng quay rất lớn, thổi phồng giá lên. Đến lúc này, khi có những trục trặc, bất ổn vĩ mô, nếu gọi thị trường "đóng băng" là không đúng.

"Đóng băng dùng để ám chỉ những thị trường mất thanh khoản một cách rất nặng nề, khi đó tài sản bỏ không, không mua bán, không sử dụng, tất cả mọi người phải ngồi yên trong một thời gian dài. Nói đóng băng phải nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, định lượng hẳn hoi.

Không nên chỉ dựa vào nhận định của các nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản vốn quen với một chu kỳ làm ăn quá nhanh, quá thuận lợi, bây giờ không thuận lợi, lợi nhuận không như mong muốn cho là đóng băng", ông Bảo phân tích và cho rằng những gì diễn ra trên thị trường bất động sản trong mấy tháng qua chỉ là sự điều chỉnh chậm lại.

Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng giải cứu là "liều thuốc đặc trị", chỉ được sử dụng trong tình huống nguy nan, khẩn cấp. Lúc này, nếu Nhà nước có đủ nguồn lực, ngành nghề nào cũng cần được giải cứu.

Người nông dân không xuất khẩu được nông sản, doanh nghiệp sản xuất đang thiếu nguyên liệu, đơn hàng… đều xứng đáng giải cứu. Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên, chính những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động và cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực của nền kinh tế phải được hỗ trợ trước hết.

Hiện có những doanh nghiệp khó khăn, buộc lòng phải nhận đơn hàng chưa từng sản xuất, không phải thế mạnh và điều chỉnh giá bán cho đối tác ở mức hòa vốn để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Chúng ta nên xem xét những chính sách ưu tiên cho họ tiếp cận nguồn tín dụng, hỗ trợ thuế phí...

"Hỗ trợ cho những doanh nghiệp này sẽ đảm bảo được sức khỏe cho nền kinh tế, đảm bảo năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. 

Một nền kinh tế thực càng khỏe mạnh, nó càng đảm bảo được khả năng chống chịu trước những cú sốc, biến động. Ngược lại, nền kinh tế ốm yếu sẽ dễ hấp thụ những cú sốc", ông Bảo kiến nghị.

Dự án bất động sản tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Dự án bất động sản tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Thay vì giải cứu, nên tập trung ổn định lãi suất và tỉ giá

Thay vì "giải cứu" bất động sản, theo ông Bảo, nên tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ổn định lãi suất và tỉ giá. Nếu lãi suất tăng quá cao sẽ là một đòn chí mạng vào sức khỏe nền kinh tế, vì nó giáng vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp, vào túi tiền và cuộc sống của người dân.

Giữ được mức ổn định lãi suất sẽ làm cho doanh nghiệp không nản chí, ngược lại, nếu lãi vay quá cao, họ sẽ đình chỉ hết tất cả dự án, các ý tưởng kinh doanh. Người tiêu dùng cũng sẽ không nghĩ đến việc chi tiêu tiêu dùng, đầu tư hay trang trải cho cuộc sống.

"Ổn định lãi suất và ổn định tỉ giá có ý nghĩa rất lớn đối với ổn định vĩ mô. Nếu dừng được đà tăng lãi suất, đồng thời giữ ổn định tỉ giá hối đoái sẽ củng cố lòng tin của người dân đối với sức mạnh của tiền đồng, giúp ổn định kỳ vọng lạm phát", ông Bảo nhấn mạnh và cho rằng hiện giờ không nên tuyên bố nới room tín dụng cho bất động sản để giữ vững lập trường thắt chặt, ổn định tiền tệ, kiểm soát giá cả và ổn định lạm phát.

Mặt khác, không nên nới room tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho bất động sản, bởi thị trường bất động sản quá mang nặng tính đầu cơ, như một cái hố đen, hút hết tất cả mọi nguồn vốn vào trong đó. Nếu giải cứu bất động sản lúc này, không biết bao nhiêu vốn là đủ.

Nếu nới room tín dụng để bơm thêm 100.000 tỉ vào thị trường cũng không đủ để "giải cứu" thị trường bất động sản. Nếu không kiên định quan điểm không nới room tín dụng (chính là không tăng cung tiền), chúng ta đã thổi vào suy nghĩ của người dân một thông điệp rằng chính sách tiền tệ có thể nới lỏng, điều đó sẽ tạo ra kỳ vọng lạm phát. Những người đang có ý đầu cơ, lại nuôi hy vọng và ra quyết định.

"Ở Việt Nam bất động sản được dung dưỡng, ai cũng nghĩ tới bất động sản như một nơi tạo ra lợi nhuận không ngành nghề nào bằng. Mọi người thay vì suy nghĩ, nung nấu và triển khai những ý tưởng kinh doanh tốt đẹp thì lại đổ xô đi mua bán đất kiếm lời. Đất như hố đen nó hút tất cả mọi thứ vào trong đó, và những ý tưởng sáng tạo đó sẽ mất dần, người ta sẽ từ bỏ nó.

Cần xem những bất ổn, điều chỉnh của thị trường, nguy cơ bong bóng nợ xấu, những dự án sai phạm là khối u của nền kinh tế. Cắt khối u đi sẽ rất đớn đau và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng điều đó sẽ mở ra một tương lai khỏe mạnh, hơn là chúng ta tiêm quá nhiều thuốc giảm đau rồi băng bó lại. Khối u mãi vẫn còn", ông Bảo cảnh báo.

Doanh nghiệp bất động sản cứ lỗ là kêu gọi giải cứu, chơi kỳ vậy?Doanh nghiệp bất động sản cứ lỗ là kêu gọi giải cứu, chơi kỳ vậy?

Đó là phản hồi của rất nhiều bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online khi đề cập đến việc giải cứu các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp