Thật kinh khủng với con số bình quân 100 tỉ đồng/năm để đầu tư cho một đội bóng mà mỗi khi thi đấu chỉ vỏn vẹn vài trăm khán giả xem. Với mức đầu tư này, giờ mới tin rằng con số hơn chục tỉ đồng mà họ chi ra để mua tiền đạo Quang Hải là thật. Và cũng từ đây mới thấy rõ hơn cái sự ảo trong bóng đá Việt.
Nhưng liệu có phải chỉ mỗi mình Navibank Sài Gòn khó khăn, rút lui khỏi bóng đá? Không, hai đội Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng đang ngồi trên lửa khi ông bầu Đỗ Quang Hiển tuyên bố thoái vốn. Một sự rút lui không hẳn vì ngại chuyện một ông chủ có hai đội bóng, mà vì ngán ngẩm bóng đá trong thời kinh tế khó khăn.
Đội Sông Lam Nghệ An cũng đang chờ UBND tỉnh làm việc với nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á. Nếu nhà tài trợ buông, đội bóng xứ Nghệ sẽ mất khoản tiền 70 tỉ đồng/năm. Ở phía Nam, một tập đoàn hùng mạnh tuy không thừa nhận lời đồn trả đội bóng về cho địa phương, nhưng xem báo cáo kinh tế của tập đoàn này (lỗ 190 tỉ đồng trong năm 2011, và mục tiêu của năm 2012 là lãi... 10 tỉ đồng), không thể nào tin được họ sẽ tiếp tục nuôi nổi đội bóng khi tiền lãi cả năm hoạt động của tập đoàn chỉ bằng một phần rất nhỏ của việc duy trì đội bóng.
Mới nhất, trên website Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đọc thấy bản tin cho biết hôm 1-10, lãnh đạo tỉnh này đã tổ chức cuộc họp bàn về vấn đề kinh phí cho đội bóng tỉnh nhà lần đầu được dự Giải hạng nhất. Theo đó, kinh phí dự trù cho đội bóng tham gia mùa giải 2013 là 30 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng đó là bài toán nan giải, nên giao Sở Kế hoạch & đầu tư tìm kiếm các doanh nghiệp để mời gọi góp sức.
Bóng đá Việt đã thoái trào thật sự rồi, và được biết có một diễn biến đáng lo ngại là nhiều ông chủ đã đẩy trách nhiệm về phía địa phương. Nhưng chính quyền các địa phương xin đừng mó tay vào bảo bọc cho bóng đá chuyên nghiệp vì cái gọi là “danh dự địa phương”. Bởi sự khủng hoảng của bóng đá chẳng gây thiệt hại gì đến cuộc sống của người dân, và nó là kết quả của một quá trình đầu tư lệch lạc của những người làm bóng đá. Nếu nhìn bóng đá dưới góc độ thị trường - đúng theo tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp - thì nó sụp đổ là điều tất yếu, khi sản phẩm làm ra không ai mua nhưng đầu tư vào quy trình sản xuất lại quá lớn.
Những người yêu bóng đá chỉ trách chính quyền địa phương nếu thiếu sân đá bóng cho thanh thiếu niên, chứ chẳng ai trách việc không vung tiền để cứu các “ông trời con” bóng đá. Vì vậy, xin đừng bao cấp cho bóng đá chuyên nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận