23/01/2020 07:30 GMT+7

Đừng bám chặt lấy những điều xưa cũ

PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA
PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA

TTO - Ổn định để phát triển, mấy chục năm nay nghe mãi thành quen. Nghĩ lại, tự thân mệnh đề ấy có chút chênh vênh.

Đừng bám chặt lấy những điều xưa cũ - Ảnh 1.

Đồ họa: THU HIỀN

Phát triển, đi tắt đón đầu, tất yếu dẫn tới xáo trộn giữa cái cũ và cái mới. Vậy nên, chắc rằng không thể bám chặt lấy những điều xưa cũ mà gọi là ổn định. Ngược lại, giữa những thay đổi khó lường thời nay phải tạo cân bằng, những thế cân bằng mới cho phát triển bứt phá. 

Công hay tư đều chịu chung một kỷ luật thị trường 

Thế cân bằng mới là gì, được xác lập giữa những lực lượng nào trên đất nước ta? Về kinh tế, cân bằng được tạo ra bởi các khối tư nhân, quốc doanh, đầu tư nước ngoài, và những thế lực kinh tế không công khai. 

Về quản trị quốc gia, cân bằng được tạo ra bởi tương tác giữa bộ máy, quán tính cũ với những thách thức mới đến từ những liên kết công dân, mạng xã hội. Về xã hội, trẻ già giàu nghèo xa cách, những hố ngăn cách và xa lạ giữa các giai tầng trong xã hội lớn dần, thách thức những nền tảng kết nối cộng đồng. 

Như một nhà hiền triết xưa đã nói, không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, ngày nay khó có một thế lực nào có thể cố thủ trong huyễn hoặc ổn định mà chống lại sự nứt toang của thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh, những cách nghĩ và cách làm mới lạ. 

Song dường như là một sự sắp đặt của tạo hóa, cái cũ và cái mới phải ganh đua không ngừng để tạo ra những thế cân bằng. Ổn định, nếu được hiểu là giữ nguyên, sẽ đồng nghĩa với xơ cứng và lụi tàn. 

Trong đời sống kinh tế, duy trì kinh tế quốc doanh và quản lý chỉ huy tập trung đã kìm hãm nước ta trong lạc hậu. Song nếu chỉ trải thảm đỏ mời đầu tư nước ngoài khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ, chúng ta mãi cũng chỉ là một dân tộc làm thuê. 

Để phát triển, cần những cân bằng mới, tư nhân Việt Nam phải là đối trọng. Ai sẽ giành được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế còn tùy thuộc vào nỗ lực cạnh tranh. Công hay tư đều chịu chung một kỷ luật thị trường. Đó là tạo thế cân bằng mới thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Nâng đỡ, bảo vệ người dám làm điều mới mẻ 

Môi trường kinh doanh ở nước ta đã được cải thiện đáng kể, đăng ký thành lập doanh nghiệp đơn giản hơn xưa rất nhiều. Điều ấy đúng song chưa đủ, cần mở đường cho doanh nghiệp tư nhân lớn hơn nữa, có chế độ bảo hộ sở hữu tư nhân một cách chắc chắn hơn nữa. 

Ngoài các đại gia giàu lên từ đất, cần có giới công thương kỹ nghệ, tức là giới tư bản dân tộc, giới trung lưu Việt Nam. Họ phải có được niềm tin vào chính quyền, vào pháp luật của quê hương. 

Chỉ khi nước ta trở thành một nơi đáng sống đối với giới trung lưu, giúp họ bảo toàn tài sản một cách lâu dài, họ mới có nhiều cơ hội cống hiến, lan tỏa những giá trị sống văn minh cho toàn xã hội. Nếu không làm được điều ấy, Việt Nam chỉ lóe lên như một cơ hội kiếm tiền, của cải và tài năng tích cóp được sẽ dần di chuyển về những nơi đáng sống hơn ở nước ngoài. 

Không có một chính quyền mạnh mẽ và đáng tin cậy, nước ta có thể có nhiều đại gia, song khó lòng có được một giới công thương, kỹ nghệ, tư bản quốc nội, khó lòng có được giai tầng trung lưu bền vững. Giữ ổn định không có nghĩa là chịu thua những lực cản sừng sững nằm ngay trong hệ thống quản trị đất nước. 

Ai cũng hiểu giữ mình tròn trịa thường được ban thưởng. Nghĩ khác, làm khác, dấn thân vào những vùng xám chưa rõ đúng sai thường hứng chịu rủi ro. Tạo thế cân bằng mới tức là phải khuyến khích cạnh tranh trong đời sống chính trị, nâng đỡ, bảo vệ người dấn thân, hơn là trừng phạt họ. 

Luật pháp tốt là luật bảo vệ người dám làm những điều mới mẻ ngay cả trong hệ thống chính quyền. Đó là tạo những thế cân bằng mới thúc đẩy phát triển nền chính trị, pháp luật, quản trị quốc gia hiện đại. 

Không thể cố thủ trong khuôn sáo cũ mà cản được sự rạn nứt văn hóa đang gia tăng giữa các thế hệ, các giai tầng. Nhà nước buộc phải chấp nhận những cân bằng mới, chấp nhận xã hội công dân được tự do, tự bảo vệ các giá trị, niềm tin trong cộng đồng. 

Yêu thương nảy nở yêu thương, có thời nào chính quyền phải dạy dân nước ta thờ kính tổ tiên, yêu làng, yêu nước, giữ lấy tình nghĩa đồng bào. Nhà nước tạo sự tự do cho xã hội công dân phát triển, đó cũng là tạo thế cân bằng mới thúc đẩy phát triển văn hóa bản địa, kết nối cộng đồng.

Giàu vì tiền, song cũng nên giàu vì văn hóa, giàu phẩm hạnh làm người. Mạnh cơ bắp, song cũng đừng quên mạnh về thần thái, ý chí bên trong.

Sau 30 năm đổi mới, cán đích 2020, chúng ta có một quốc gia sắp giàu về vật chất, song nghèo đi rất nhanh về văn hóa, về giá trị, về sự tự do vun đắp cho phẩm hạnh làm người.

Sông suối ô nhiễm, bệnh tật tràn lan, sự hung hãn lạnh lùng thấm dần vào từng tế bào non của xã hội. Vốn cổ truyền trở nên quê kệch giữa những đám đông vọng ngoại, ồn ào khoe bản năng hơn là khắc kỷ vị nhân.

Ấn tượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở khu vực Ấn tượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở khu vực

Là sự kiện kinh tế quốc tế lớn, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2019 (Horasis - Bình Dương 2019) đã thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến hàng chục quốc gia trên thế giới hội tụ tại Bình Dương.


PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp