MC Trác Thúy Miêu, người đẹp Đào Thị Hà dự sự kiện Cống phẩm dâng thịt - Video: T.T.D.
Nhằm truyền thông điệp về tác động của việc ăn thịt đối với môi trường, CHANGE và WildAid thực hiện chiến dịch truyền thông "Cống phẩm dâng thịt".
Thông qua diễn kịch và các hoạt động truyền thông, ban tổ chức cung cấp kiến thức và kêu gọi công chúng "ăn lành hơn": giảm thịt, tăng rau, tăng hạt vì môi trường và sức khỏe.
Tại sao cứ phải ăn ngập thịt mới không lo đói?
MC Trác Thúy Miêu đặt câu hỏi: "Hà cớ gì chúng ta khi nghe đến "siêu to khổng lồ", "tràn bờ", muốn ăn ngập tận mắt thì mới không lo đói?". Chị muốn gợi lại ký ức về một nước Việt Nam ăn uống "thanh đạm và cao quý".
MC Trác Thúy Miêu tại sự kiện - Ảnh: T.T.D
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc tổ chức CHANGE, đưa ra thông tin mỗi năm nhân loại tốn 4 tỉ USD để cứu chữa các loại bệnh liên quan đến ăn thịt bò và thịt nói chung.
Đó là các bệnh như ung thư, tiểu đường và tim mạch (theo huấn luyện viên dinh dưỡng Nam Phương). Vì thế, nếu không thể thuyết phục con người giảm thịt để "cứu thế giới", các nhà hoạt động có thể thuyết phục họ làm để "cứu chính mình".
Khi biết ăn thịt gây hại cho môi trường, câu hỏi không riêng chị mà rất nhiều người đều đặt ra là: "Mê ăn thịt quá, phải làm sao đây?". Chị Hồng trả lời: "Cái gì giảm được thì mình giảm, không phải ngay lập tức chúng ta trở thành người ăn chay".
Có rất nhiều phương pháp để giảm thịt. Có thể giảm dần qua từng năm. Bằng cách này, chị Hồng đã giảm được 30% lượng thịt. Có thể hướng đến thực đơn xanh hơn thông qua những cuốn sách, các kênh YouTube của những vlogger nổi tiếng hướng dẫn nấu ăn với thực đơn xanh mà vẫn ngon miệng, đẹp mắt.
Buổi tọa đàm "Cổng phẩm dâng thịt" nói về tác hại của việc ăn thịt đối với môi trường và sức khỏe - Ảnh: T.T.D
Theo huấn luyện viên dinh dưỡng Nam Phương, có những lý do cho việc không giảm ăn thịt là gây đói, không đủ dinh dưỡng, cơ thể không phát triển.
Chị cho rằng con người đang "quá tôn sùng protein từ thịt", trong khi protein từ các loại rau và hạt cũng rất nhiều, lại giúp giảm nguy cơ bệnh tật.
Đừng ăn hết rừng Amazon
Đằng sau mỗi bữa ăn thường ngày của chúng ta, Trái đất đang gánh chịu những tổn thất tài nguyên to lớn. Để sản xuất 1kg thịt bò, hơn 15.000 lít nước đã mất đi. Trong khi đó, 2,2 tỉ người trên thế giới thiếu nước sạch.
Gần 80% nạn phá rừng trên toàn thế giới xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất cho chăn nuôi. Hằng năm, 7,1 tỉ tấn khí thải CO2 từ ngành chăn nuôi đang góp phần làm tồi tệ hơn tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong giới hoạt động môi trường, có một câu so sánh vui nhưng cũng rất buồn rằng "mỗi khi ăn một miếng bít tết, chúng ta đang ăn một phần của rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái đất".
Theo CHANGE, Việt Nam là một trong những nước "thâm hụt sinh thái" nghiêm trọng trên thế giới, tức tiêu thụ quá nhiều so với tài nguyên có thể tạo ra.
Vì COVID-19, con người giảm tiêu thụ carbon và các sản phẩm rừng nhưng có một thứ không thể giảm: thực phẩm. Con người vẫn ăn nhiều như trước đây.
Nhưng với các số liệu do chị Minh Hồng cung cấp, COVID-19 vẫn chứng minh chúng ta có thể tác động tích cực đến thiên nhiên bằng cách giảm tiêu thụ, thay đổi lối sống.
Vở kịch Cống phẩm dâng thịt của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM - Ảnh: T.T.D
Chiến dịch "Cống phẩm dâng thịt" diễn ra từ 22-7 đến 21-8 với nhiều buổi diễn kịch, TVC phát ở nơi công cộng, sách về ăn chay...
Vở kịch cổ động Cống phẩm dâng thịt của đoàn kịch CKT (Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM) sẽ được diễn miễn phí vào các ngày 24, 25, 31-7 và 1-8 tại ngôi trường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận